Hồi 13 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 120km về phía bắc tây bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 190km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.
Ảnh hưởng của bão số 6, từ đêm 9/11 đến ngày 12/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to.
Đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: tính đến 6 giờ ngày 9/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 phương tiện/243.063 người biết, hướng di chuyển của bão.
Trong đó hoạt động, neo đậu tại khu vực giữa Biển Đông là 110 tàu/2.765 lao động (các tàu đã nắm được thông tin và đã vào tránh trú tại các đảo hoặc di chuyển xuống phía nam để tránh bão); hoạt động ven bờ, các vùng biển khác 6.587 tàu/38.437người, neo đậu tại bến là 40.698 tàu/204.061 người.
|
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi neo đậu tránh trú bão |
Hiện có 5 tàu của Quảng Ngãi (QNg 90909 TS/45 ngư dân, QNg 95579 TS/43 ngư dân, QNg 95234 TS/49 ngư dân, QNg 90594/41 ngư dân, QNg 91207 TS/42 ngư dân) neo đậu, trú tránh tại Philippin đang đề nghị hỗ trợ dầu và lương thực, thực phẩm. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có văn bản gửi Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao về việc đề nghị Philippin hỗ trợ mua dầu, lương thực, thực phẩm đối với 5 tàu này.
Theo Tổng cục Thuỷ lợi, tại khu vực Nam Trung Bộ có 58 hồ hư hỏng và đang sửa chữa cần lưu ý. Khu vực Tây Nguyên, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi mực nước đạt 80 - 90% dung tích; 5 hồ thủy lợi đang xả tràn; 64 hồ hư hỏng và đang sửa chữa cần lưu ý.
Tại tỉnh Bình Định, đã huy động lực lượng tiến hành đắp bao cát, gia cố tạm đoạn sạt lở 200m kè biển Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn. Đối với sự cố sạt mái tuyến đê Đông, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định trên chiều dài 127m, hiện địa phương đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự cố.
Tỉnh này cũng có 11 vị trí đê kè biển xung yếu cần quan tâm, 2 tuyến kè biển đang thi công dở dang: có 123.729 lồng bè nuôi trồng thủy sản/9.566 người.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có công hàm đề nghị một số nước, vùng lãnh thổ tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền Việt Nam được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ Quốc Phòng cũng đã huy động hơn 250.000 cán bộ chiến sỹ, 2.300 phương tiện trực sẵn sàng ứng phó.
|
Quân đội giúp người dân Quảng Ngãi chằng chống nhà cửa trước khi bão vào |
Hiện, các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận đã ban hành lệnh cấm ra khơi từ ngày 7-8/11; các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã có kế hoạch cấm ra khơi vào các ngày 9-10/11.
Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có kế hoạch cho học sinh nghỉ học vào ngày 11/11.
Tỉnh Quảng Nam, Phú Yên đã tiến hành di dời, gia cố tổng số 115.348 lồng bè nuôi trồng thủy sản (Quảng Nam: 38 lồng bè, Phú Yên: 115.310 lồng bè).
Cũng theo báo cáo, các địa phương đã lên kế hoạch di dời tổng cộng 37.811 hộ/ 152.563 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất (Quảng Ngãi: 13.227 hộ/ 47.883 người; Phú Yên: 5.565 hộ/ 19.331 người; Khánh Hòa: 7.916 hộ/ 33.698 người; Ninh Thuận: 3.180 hộ/12.039 người; Bình Thuận: 7.923 hộ/ 39.612 người); trong đó tỉnh Phú Yên đã di dời 62 hộ dân và tiếp tục tổ chức khắc phục bão số 5 và triển khai chuẩn bị ứng phó với bão số 6.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đi thị sát phòng chống bão số 6 Chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã trực tiếp thị sát và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 6 tại huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. | Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đi thị sát tại Quảng Ngãi | Trực tiếp thị sát ở bờ kè xã Phổ Thạnh và cảng neo đậu tàu thuyền cảng Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ) nơi có nguy cơ tâm bão sẻ đổ bộ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị chính quyền địa phương cần chủ động, khẩn trương chỉ đạo người dân chèn chống nhà cửa, tập trung, chủ động xử lý để khi cơn bão đổ bộ vào đất liền, không được lơ là chủ quan vì đây là một trong những cơn bão mạnh nhất từ đầu năm đến bây giờ. “Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 3 nghìn hộ với hơn 11 nghìn nhân khẩu thuộc khu vực trọng điểm vũng trũng, vùng ven biển bị tác động trực tiếp từ cơn bão; tôi yêu cầu tỉnh có phương án di dời chậm nhất đến trưa mai phải đưa bộ phận này đến nơi an toàn”, Bộ trưởng yêu cầu. Ông Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu tất cả các hoạt động kinh tế, kể cả du lịch đều phải tuyệt đối an toàn. Ngoài ra, các khu vực hạ lưu sông, các khu vực dốc đều phải lên phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. |
Hoàng Thanh Nhân