Các tỉnh miền Tây chuẩn bị ứng phó với đợt triều cường mới

13/10/2022 - 20:13

PNO - Trong khi đợt triều cường rằm tháng 9 (âm lịch) chưa qua, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long lại phải lo ứng phó với đợt triều cường mới vào cuối tháng.

 

Chiều 13/10, UBND tỉnh Đồng Tháp họp bàn kế hoạch ứng phó với lũ lên cao và đợt triều cường mới cuối tháng 9 âm lịch. Ảnh: Như Ý
Chiều 13/10, UBND tỉnh Đồng Tháp họp bàn kế hoạch ứng phó với lũ lên cao và đợt triều cường mới cuối tháng 9 âm lịch - Ảnh: Như Ý

Chiều 13/10, UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, mực nước tại các nơi trong tỉnh đang trên báo động cấp 1 đối với khu vực phía bắc, trên báo động cấp 3 đối với khu vực phía nam, giữa báo động 2 và báo động 3 đối với khu vực nội đồng... Nhiều khả năng lũ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp sẽ đạt đỉnh trong tháng 10/2022.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đồng Tháp đã họp với các sở, ngành và địa phương, bàn các giải pháp ứng phó, bảo vệ sản xuất của người dân.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương về tình hình ngập lụt và thiệt hại do lũ kết hợp triều cường, mưa lớn gây ra (từ ngày 8 đến 13/10), trên 3.161ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập lụt, trong đó thiệt hại 115ha… Các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ như thanh niên xung kích, dân quân tự vệ, tình nguyện viên tại các xã; đồng thời khẩn trương huy động phương tiện để gia cố hệ thống đê bao, cống, trạm bơm, khơi thông dòng chảy trên các kênh, bơm tát nước… bảo vệ lúa vụ 3, cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thủy sản.

Gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông (lúa vụ 3) ở Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Trọng
Gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông (lúa vụ 3) ở Đồng Tháp - Ảnh: Huỳnh Trọng

Theo dự báo đợt triều cường tiếp theo (khoảng ngày 22 đến 27/10, nhằm 27/9 đến 3/10 âm lịch) có khả năng mực nước lên cao… Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các sở ngành, UBND các huyện, thành phố không được chủ quan, lơ là trong việc ứng phó.

Tại Vĩnh Longchiều 13/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch lên rất cao và vượt mức lịch sử năm 2019. Ước tính thiệt hại ban đầu hơn 2 tỷ đồng.

Theo đó, triều cường đã làm ngập 529 căn nhà; hơn 20km đường giao thông trọng điểm, 35 tuyến đê bao (33,76km) bị ngập, tràn nước và 25 đoạn đê (hơn 625m) bị sạt lở; 250ha lúa thu đông, 148,4ha vườn cây ăn trái và 93ha rau, màu bị ngập… 

Nhiều tuyến đường ở Vĩnh Long bị ngập do triều cường. Ảnh: Quốc An
Nhiều tuyến đường ở Vĩnh Long bị ngập do triều cường - Ảnh: Quốc An

UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các ngành chức năng phối hợp cùng các huyện, thị xã, thành phố tập trung ứng phó với triều cường. Phân công cán bộ bám địa bàn xung yếu để hỗ trợ khắc phục hậu quả; huy động lực lượng, vật tư tại chỗ tu sửa kịp thời các công trình bị hư hỏng, các cống đập, các tuyến đê ven sông lớn bị lở; đồng thời huy động người dân thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tại TP. Cần Thơ, do triều cường tiếp tục diễn biến phức tạp, còn cao hơn mức báo động 3, cộng với dự báo thời tiết xấu và mưa nhiều, ngày 13/10, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ ký công văn gửi các cơ sở giáo dục trực thuộc, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên quận, huyện; phòng GD-ĐT quận, huyện… tiếp tục cho học sinh nghỉ học trực tiếp, học tập tại nhà hoặc dạy học trực tuyến thêm hai ngày (14 và 15/10).

Triều cường ở TP. Cần Thơ còn cao, gây ngập nhiều tuyến đường; vì vậy Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ tiếp tục cho học sinh nghỉ học trực tiếp thêm 2 ngày nửa (ngày 14 và 15/10). Ảnh: Trung Phạm
Triều cường ở TP. Cần Thơ gây ngập nhiều tuyến đường - Ảnh: Trung Phạm

Huỳnh Trọng - Quốc An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI