Góp hàng ngàn tấn thực phẩm cho TPHCM
11g, trong căn phòng nhỏ nóng hầm hập, Hoàng Thị Quỳnh Dao - 29 tuổi, ở thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, H.Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, vẫn miệt mài thái từng cọng sả. Cạnh đó, chị Dương Thị Hồng Sương cùng mọi người bóc đậu phộng, rang, giã, trộn muối. Mỗi người một công đoạn, họ chế biến nên món muối sả thơm lừng. “Nhóm tụi mình quyên góp kinh phí mua nguyên liệu làm muối sả gửi tặng bà con ở TPHCM đang phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch” - Quỳnh Dao tâm sự.
|
Phụ nữ thôn Cự Lại, xã Phú Hải, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế nướng cá nục gửi tặng người dân TPHCM - Ảnh: Thuận Hóa |
Ngoài số tiền đóng góp của các thành viên, nhóm còn nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người dân địa phương. Nghe tin có nhóm quyên góp hàng hóa gửi vào TPHCM, bà Nguyễn Thị Xuân - 67 tuổi, ở xã Quảng Phú - liền ủng hộ năm trái bí đỏ (gần 20kg), sáu trái bí đao (khoảng 10kg).
Tương tự, suốt năm ngày qua, nhóm thiện nguyện ATM gạo Huế phối hợp với Trường đại học Luật (thuộc Đại học Huế) cùng các nhà hảo tâm đã góp sức chế biến hơn 10.000 hộp ruốc cháy mỡ để gửi tặng người dân TPHCM. Đây là món ăn tiện dụng, có thể ăn ngay với cơm trắng và có thể để được lâu ngày. Anh Nguyễn Đăng Hậu - Trưởng nhóm ATM gạo Huế - cho biết, mỗi khi tỉnh Thừa Thiên - Huế bị thiên tai, người dân TPHCM đều gửi tiền, hàng ra giúp đỡ; nay TP.HCM giãn cách xã hội, người dân khó mua được thực phẩm nên nhóm hỗ trợ món ruốc cháy mỡ, giúp bà con TPHCM ăn cơm ngon miệng.
|
Các cô giáo Trường mầm non Hoa Mai (H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chế biến món cá kho rim gửi tặng bà con TPHCM - Ảnh: Thuận Hóa |
Những ngày này, sáng sớm, các chị em ở xã Phú Hải, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế phân công nhau ra cảng cá Thuận An chọn mua những mẻ cá nục tươi ngon nhất rồi đem về kho rim hoặc nướng, gửi tặng bà con TPHCM. Chị Nguyễn Thị Tường Vy - 41 tuổi, ở thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải - bộc bạch: “Bốn ngày nay, chị em tui nướng, rim hơn 700kg cá nục rồi. Mọi người chế biến kỹ lắm. Bà con Sài Gòn ăn ngon thì chúng tôi mới vui được. Mong sao Sài Gòn sớm bình yên trở lại”.
|
Từng đoàn xe chở hàng nối tiếp nhau chạy vào TPHCM hỗ trợ bà con chống dịch - Ảnh: Thuận Hóa |
Tại chùa Đông An (xã Phong An, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), sư cô Giới Tín và các phật tử cũng chế biến hàng ngàn hộp muối sả để gửi vào ủng hộ người dân TPHCM. Theo sư cô Giới Tín, hiện nay, việc lưu thông, vận chuyển hàng hơi khó, nên cần gửi loại thực phẩm bảo quản được lâu dài và ai cũng dùng được và tốt cho sức khỏe. Từ những nguyên liệu có sẵn như đậu phộng, mè, sả, sư cô quyết định làm muối sả chay. Đến nay, chùa đã tiếp nhận hơn 5 tấn nông sản các loại từ người dân địa phương.
Ông Võ Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Tân Long, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - cho hay, mấy ngày qua, người dân trong xã đã góp hơn 2 tấn nông sản và một số hàng hóa khác. Có người góp một con heo nặng 1,2 tạ, UBND xã đã nhờ người làm thịt, sau đó Hội Phụ nữ tổ chức làm muối sả thịt, đóng hộp gửi vào cho bà con TPHCM.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị - thông tin: “Người dân trong tỉnh đã gom góp tiền mặt, thực phẩm - nhiều nhất là rau củ quả - để gửi vào cho bà con trong đó với một tấm lòng tri ân, sẻ chia sâu sắc. Bởi lẽ hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào mùa bão lụt, người dân miền Trung và tỉnh Quảng Trị nói riêng luôn được sự hỗ trợ, sẻ chia của người dân TP.HCM”. Cùng với sự đóng góp của người dân, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt số tiền 500 triệu đồng ủng hộ TPHCM phòng, chống dịch COVID-19.
Sau khi phát động hưởng ứng tuần lễ “Vì thành phố mang tên Bác”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Nghệ An đã quyên góp được gần 300 tấn lương thực, thực phẩm để gửi vào TP.HCM. Tại tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, người dân cũng quyên góp lương thực, thực phẩm để chi viện cho TPHCM.
Thương mến tình đồng hương
Xóm trọ hẻm 122 Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh, TPHCM được nhiều người gọi là “hẻm Quảng” vì có hàng chục người Quảng Ngãi đang sinh sống. Họ chủ yếu làm thời vụ, bán hàng rong quanh bến xe Miền Đông, chợ Bà Chiểu. Mọi khi, từ sáng sớm, người dân đã nghe những người buôn bán í ới giọng Quảng gọi nhau chuẩn bị đồ đạc. Gần hai tháng nay, không ai còn thấy cảnh này.
Cô Hồng - 56 tuổi, quê Quảng Ngãi - kể, từ nhiều năm trước, cô đã vào đây giúp việc nhà theo giờ. Hai tháng nay, cô Hồng mất việc, phải vay mượn tiền của người quen để cầm cự, chờ qua dịch. Chỉ tay vào bao gạo, thùng mì và ít đồ hộp, cô Hồng nói: “Hội đồng hương phát cho tôi hôm qua đó”.
|
Có khoảng 5.000 người Quảng Ngãi ở TPHCM là lao động tự do, sinh viên gặp khó khăn trong đại dịch, cần được hỗ trợ - Ảnh: Sơn Vinh |
Ngày 17/7, chuyến xe chở trên 30 tấn thực phẩm - do chị Phạm Thị Minh Lý đứng ra quyên góp và bỏ tiền túi mua hàng - đã đến TPHCM để “tiếp sức chống dịch”. Trước đó, sáng 16/7, câu lạc bộ Doanh nhân Quảng Ngãi tại TPHCM đã tập kết gần 600 phần quà về một điểm trên đường Vũ Ngọc Phan, Q.Bình Thạnh, TPHCM để trao tặng các đồng hương Quảng Ngãi đang gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19. Để tránh tập trung đông người, mỗi buổi, câu lạc bộ tổ chức phát quà ở một quận, huyện và chở đến tận nơi cho những người không thể tự đi nhận.
Ông Trần Đình Vĩnh - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TPHCM - cho biết, những ngày qua, hội đã tổ chức nhiều hoạt động để giúp đỡ bà con đồng hương gặp khó khăn trong đại dịch. Mới đây nhất, hội đã trao gần 600 phần quà cho những người lao động nghèo. Hội cũng làm cầu nối tiếp nhận 2 tỷ đồng do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi gửi vào để giúp đỡ người dân Quảng Ngãi đang lao động, mưu sinh tại TPHCM gặp khó khăn. Hiện có trên 5.000 người đăng ký nhận gói hỗ trợ này, là lao động thời vụ, bán hàng rong, sinh viên gặp khó khăn…
Đưa người hồi hương, giảm tải cho TPHCM
Hơn một tháng qua, Phạm Minh Trung - quê ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, sinh viên năm thứ hai Trường đại học Giao thông Vận tải TPHCM - bị mắc kẹt ở TPHCM do dịch COVID-19.
Trung kể, khi dịch bệnh tái bùng phát, được nhà trường cho nghỉ học nhưng do còn vướng việc làm thêm, Trung phải ở lại, chờ chỗ làm bố trí người thay thế. Nhà Trung ở P.Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ đang là “tâm dịch” của tỉnh Quảng Ngãi, còn Q.12, TPHCM nơi Trung ở trọ cũng đang có dịch nên Trung không thể về quê. Những ngày giãn cách ở TPHCM, Trung chủ yếu sống nhờ vào mì tôm và đồ hộp vì phòng trọ chật hẹp, không có tủ lạnh để trữ đông. “Lâu nay, em chỉ ở trong phòng trọ chứ không dám ra đường vì sợ bị phạt. Em cũng không biết những ngày sắp tới sẽ ra sao” - Trung lo lắng.
Hội đồng hương Đức Phổ tại TPHCM cho biết, đang lên danh sách sinh viên vừa tốt nghiệp, lao động gặp khó khăn, không có nhà ở, có nguyện vọng về quê để báo cáo lãnh đạo thị xã Đức Phổ có phương án đưa bà con về quê. “Người có nhu cầu về quê có thể đăng ký qua đại diện đồng hương xã, phường. Chúng tôi sẽ tổng hợp danh sách, tổ chức xét nghiệm cho bà con trước khi về quê” - đại diện Hội đồng hương Đức Phổ tại TPHCM cho biết.
Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, hiện tỉnh Quảng Ngãi có 190 người mắc COVID-19 (F0), trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực điều trị đều khó khăn. Tuy nhiên, với nguyện vọng được về quê của bà con, UBND tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực, thành lập một số điểm cách ly tập trung để đón bà con từ TPHCM về.
UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định tiếp nhận khoảng 400 trường hợp về quê, chia thành bốn đợt, hỗ trợ hoàn toàn kinh phí. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp nhận từ 1.500 đến 1.800 người từ TPHCM về, người hồi hương tự chi trả phí dịch vụ cách ly tập trung. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ngãi cam kết sẽ đồng hành với UBND tỉnh trong hoạt động đưa người dân từ TPHCM về quê. Nhiều đơn vị vận tải hành khách cam kết sẽ không thu phí, một đơn vị y tế ở tỉnh Quảng Ngãi cam kết sẽ hỗ trợ miễn phí ba lần xét nghiệm PCR cho toàn bộ người dân từ TPHCM về Quảng Ngãi.
Ông Trần Hùng Phong - Phó chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM - cho biết, chỉ trong ngày đầu tiên phát thông báo, đã có 300 người đăng ký về quê. Hội vẫn đang tiếp nhận đăng ký, rà soát, thống kê chính xác số lượng.
Ngoài ra, hội cũng làm việc với UBND TPHCM để xin địa điểm đón, tiễn. Khó khăn hiện nay là tập trung hàng trăm người để lên xe trong khi TPHCM đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, người dân phải có giấy xét nghiệm khi lên xe; chi phí xét nghiệm khá đắt đỏ. Hội sẽ hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho những trường hợp khó khăn. Riêng Hội đồng hương H.Hòa Vang tại TPHCM đã quyên góp được 630 triệu đồng để hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi công dân về quê.
Ông Dương Đình Liễu - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng - cho hay, đang lên phương án tiếp đón công dân về từ TPHCM. Theo đó, người dân có nhu cầu về quê sẽ được bố trí cách ly ở các khách sạn, tự trả phí, những người gặp khó khăn về tài chính sẽ được đưa vào các khu cách ly tập trung. Sau khi có chủ trương của UBND TP.Đà Nẵng, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng sẽ gửi khoản kinh phí 500 triệu đồng để hỗ trợ cho người Đà Nẵng tại TP.HCM thông qua hội đồng hương.
Ngày 16/7, UBND TP.Đà Nẵng có công văn gửi 10 tỉnh, thành về việc phối hợp đưa người dân từ TPHCM về Đà Nẵng. UBND TP.Đà Nẵng đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế TPHCM hỗ trợ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho những người đăng ký về Đà Nẵng theo danh sách đề nghị của Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM. UBND TP.Đà Nẵng cũng đề nghị UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam tạo điều kiện cho các xe đưa người dân từ TP.HCM trở về Đà Nẵng lưu thông thuận lợi.
Ông Trần Văn Tân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - thông tin, người dân Quảng Nam sinh sống ở TPHCM nếu không có nhà ở, ốm đau, già yếu hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sẽ được ưu tiên đưa về quê, lo toàn bộ chi phí di chuyển, ăn ở trong khu cách ly và các xét nghiệm liên quan trong quá trình cách ly. Quy trình đưa đón gồm chín bước. UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị TPHCM tạo điều kiện để việc đưa, đón diễn ra an toàn, suôn sẻ.
|
UBND tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị các khu cách ly để đón người về từ TPHCM - Ảnh: Nguyễn Dương |
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, tỉnh đã chuẩn bị phương án, cơ sở vật chất để sẵn sàng đón công dân từ TPHCM về quê. Việc đón công dân về quê sẽ chia ra nhiều đợt. Trước mắt, từ ngày 20 - 25/7, UBND tỉnh sẽ tổ chức đón khoảng 300 người từ TPHCM trở về bằng tàu hỏa, hỗ trợ toàn bộ chi phí vận chuyển, xét nghiệm và cách ly tập trung. Người Thừa Thiên - Huế ở TPHCM có nhu cầu về quê sẽ đăng ký trực tuyến hoặc liên hệ với Hội đồng hương Thừa Thiên - Huế tại TPHCM. Địa phương sẽ xét duyệt danh sách đăng ký theo hướng ưu tiên người yếu thế, người gặp khó khăn như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, lao động tự do, người mất việc làm.
UBND nhiều tỉnh, thành khác cũng đang lên phương án tiếp nhận người từ TPHCM có nguyện vọng về quê. Trong đó, tỉnh Bình Định dự kiến sẽ đón 1.000 người về từ TPHCM bằng máy bay, miễn phí. Cụ thể, vào chiều 20/7 tới, sẽ triển khai chuyến bay đầu tiên đón 200 công dân Bình Định thực sự khó khăn ở TPHCM về quê cách ly tập trung. Các chuyến tiếp theo sẽ diễn ra vào các ngày 23/7, 27/7 và 30/7. Mọi chi phí xét nghiệm, ăn ở tại khu cách ly tập trung sẽ do chính quyền tỉnh Bình Định chi trả. Riêng chi phí máy bay, UBND tỉnh Bình Định cho biết sẽ thực hiện bằng hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Nhóm phóng viên