Các thương vụ lớn thay đổi thị trường bán lẻ

01/06/2021 - 06:05

PNO - Alibaba rót tiền vào Masan, Thaco mua lại siêu thị Emart… thương vụ đầu tư, mua bán lớn này đang hứa hẹn sẽ tạo ra các thay đổi lớn trên thị trường bán lẻ.

Các nhà cung cấp lo lắng

Truyền thông Hàn Quốc đánh giá mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam của Tập đoàn Emart đã thất bại và sẽ được bán lại cho Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco) theo hình thức nhượng quyền. Thương vụ được kỳ vọng Thaco sẽ có thể mở rộng quy mô chuỗi Emart lên mười siêu thị tại Đông Nam Á trong bốn năm tới. Điều mà tập đoàn bán lẻ đến từ Hàn Quốc không thể thực hiện được khi mở đại siêu thị đầu tiên tại Việt Nam năm 2015. 

Siêu thị Emart (Hàn Quốc) đã được bán lại cho Thaco - Ảnh: Quốc Thái
Siêu thị Emart (Hàn Quốc) đã được bán lại cho Thaco - Ảnh: Quốc Thái

Trước thương vụ này, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan và nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA), đã công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX - Công ty quản lý phần vốn góp của Masan tại Công ty Masan Consumer Holdings và Công ty Vin Commerce - với tổng giá trị 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành. Khoản đầu tư này cho phép Alibaba và Lazada tiếp cận mạng lưới hơn 2.000 cửa hàng của Masan, người tiêu dùng có thể sẽ thấy sản phẩm của VinMart xuất hiện trên ứng dụng Lazada và nhận hàng bán online trên Lazada ngay tại các siêu thị VinMart.

Theo đánh giá của các chuyên gia thị trường, sự hợp tác trên các bên cùng có lợi khi tận dụng thế mạnh của nhau và sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với các nhà bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện một hệ thống siêu thị Việt Nam có quy mô lớn nhìn nhận các thương vụ đầu tư, mua bán, sáp nhập ở thị trường bán lẻ là chuyện bình thường lâu nay. Vị này cũng lạc quan cho rằng, thị trường bán lẻ sẽ càng sôi động hơn sau các thương vụ đó, đồng thời chứng tỏ đây là thị trường đầy tiềm năng nên nhiều nhà đầu tư muốn nhảy vào. 

Giám đốc một siêu thị nhỏ trong nước thì lo ngại các nhà cung cấp của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Khi một hệ thống bán lẻ đổi chủ, đối tác nước ngoài sẽ đưa mạng lưới nhà cung cấp của họ vào phân phối hàng cho hệ thống, những nhà cung cấp nhỏ trong nước dễ bị “đánh bật”.  
Lo ngại trên là có cơ sở khi đại diện siêu thị Emart (Q.Gò Vấp, TPHCM), cho biết trong hơn 85% hàng nhãn riêng đang được bày bán tại siêu thị Emart Gò Vấp, có đến 75% là hàng của các nhà sản xuất vừa và nhỏ Hàn Quốc. Sau khi bán Emart cho Thaco, họ vẫn duy trì kênh bán hàng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc này.

Thúc đẩy thay đổi phương thức kinh doanh

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao bộ phận nghiên cứu, phân tích thị trường, Nielsen Việt Nam, đánh giá: các thương vụ đầu tư, mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ là xu hướng chung của thị trường; kênh bán hàng online, offline sẽ song hành với nhau. Các nhà bán lẻ không thể đứng ngoài xu hướng bán hàng đa kênh. Đặc biệt, thị trường bán lẻ Việt Nam khá năng động nên các nhà đầu tư luôn tìm cách khai thác. 

Chuyên gia thị trường Nguyễn Huy Hoàng cũng cho rằng, các thương vụ đầu tư, mua bán, sáp nhập gần đây sẽ làm cho thị trường bán lẻ Việt Nam sôi động hơn. Đồng thời áp lực đặt lên các nhà bán lẻ Việt Nam, đòi hỏi cần phải bắt kịp xu hướng này, tận dụng ưu thế kinh doanh offline và đẩy mạnh kênh bán hàng online. 

“Các thương vụ trên đôi bên cùng có lợi và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi nhiều hơn khi có trải nghiệm mua sắm tốt hơn, có nhiều lựa chọn và các chương trình ưu đãi hơn… Tôi khá bất ngờ khi Thaco mua lại Emart sau bao nhiêu năm vào Việt Nam hiện cũng chỉ có một siêu thị tại TPHCM, nên có thể đây không phải là đối thủ đáng lo ngại cho nhà bán lẻ Việt Nam. Chưa kể, Emart đi theo mô hình đại siêu thị, để cạnh tranh thì ít ra cũng phải mở được 5 - 7 đại siêu thị phủ rộng TP.HCM. Có thể Thaco cũng sẽ có kế hoạch mở rộng thêm hệ thống Emart để cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác. Thaco sẽ không là tay ngang trong lĩnh vực này nếu họ tuyển được đội ngũ quản lý giỏi, vẫn có thể mở rộng chuỗi bán lẻ, quan trọng là định hướng”, ông Nguyễn Huy Hoàng nhận định. 

Để tăng sức cạnh tranh, theo ông Nguyễn Anh Dũng, các nhà bán lẻ Việt Nam cần đầu tư chuyển đổi số trong các hoạt động kinh doanh của mình.  Một số nhà bán lẻ như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh... hiện cũng đang làm khá tốt điều này. Họ đã có những công cụ, số hóa để tự động hóa hoạt động kinh doanh; tuy nhiên, những dịch vụ cho người tiêu dùng trên online vẫn còn nhiều hạn chế. Nhà bán lẻ Việt cần đẩy mạnh bán hàng online đa dạng sản phẩm và dịch vụ giao nhận hàng, chăm sóc khách hàng ở kênh này tốt hơn nữa. 

Chuyên gia thị trường Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Đợt dịch này, người tiêu dùng bình tĩnh hơn, giỏ hàng mua sắm cũng thay đổi nhiều, tập trung vào các sản phẩm tốt cho sức khỏe, thực phẩm khô có thể dự trữ… Ngoài các nhóm hàng này, các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cần đầu tư logistics, dịch vụ giao hàng… bán thêm nhóm hàng thực phẩm tươi sống qua kênh online. Tôi nghĩ nhà bán lẻ Việt nhìn thấy rõ xu hướng này nhưng một phần do bộ máy cồng kềnh, phần chưa đầu tư đúng mức nên còn chậm trễ hơn so với các nhà bán lẻ ngoại”.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI