edf40wrjww2tblPage:Content
Vẫn tưởng mình đang mười tám, đôi mươi bởi nét thân thiện trên gương mặt của từng người cũ vẫn như nguyên vẹn, không đổi khác. Tôi đã sống trong giây phút cảm động ấy, khi tri ngộ cùng cán bộ, công nhân viên đã góp phần làm nên diện mạo của tuổi thanh xuân Phụ Nữ bước sang tuổi 40. Kìa thế hệ nhà báo cựu trào là các dì Hai Thanh, Hà Phương, Mười Mai, Hồ Thị Minh Nguyệt… đã bước qua lứa “cổ lai hy”; đây thế hệ đồng nghiệp là các chị Quỳnh Đông, Bạch Mai, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Hồng Tuyến, Việt Nga... sôi nổi như ngày nào, giọng nói vẫn âm vang, tiếng cười vẫn hào sảng lúc trò chuyện cùng thế hệ tiếp nối.
Địa chỉ báo Phụ Nữ TP.HCM hiện nay đã trở thành ngôi nhà chung, bạn đường hạnh phúc của độc giả nhiều thế hệ. Nhìn cơ ngơi bề thế ấy, dù có trí tưởng tượng phong phú nhất, khó ai có thể biết rằng, ngay từ lúc chuẩn bị ra báo đúng vào ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1975), Ban biên tập lúc ấy không hề có trong tay một xu. Các cán bộ Hội như cô, dì Đỗ Duy Liên, Mười Mai, Vân Trang, Năm Tuyết… bàn luận phải ra tờ báo dành cho nữ giới.
Cựu nhà báo Mười Mai - họa sĩ đầu tiên của Báo nhớ lại: “Sau cuộc họp của Ban Chấp hành Thành Hội ngày 5/5/1975, mọi người nhất trí lấy tên Phụ nữ Sài Gòn. Một số nữ trí thức Sài Gòn như bà Tôn Thị Đức, nhà văn Minh Quân, nhà thơ Phương Đài, nghệ sĩ Kim Cương… đã được mời viết bài cho số đầu tiên. Sau khi có đầy đủ bài vở, tôi là người được giao trách nhiệm trình bày.
“Thời điểm đó, hầu như các nhà in đều đóng cửa nên tôi rất lo lắng. Sáng ngày 16/5/1975, tôi tìm được nhà in Thách Đố - gần ngã sáu Sài Gòn. Trong lúc tôi ngồi sửa mo-rát, trình bày từng trang báo, cậu bảo vệ cầm súng A.K đứng canh gác ngoài cửa. Chỉ có tám trang báo khổ 27x42 cm mà mãi đến khuya, tôi mới làm xong phần xếp chữ, đặt tít báo. Mệt quá, tôi sực nhớ mình chưa ăn gì cả, chỉ có hai củ lang lót dạ lúc sáng. Dù mệt quá, nhưng nhớ đến lời dặn dò của chị Tư Duy Liên: “Mười Mai cố gắng chăm sóc đứa con đầu tiên của mình nghen”, tôi sợ còn sai sót nên đem tám trang nhũ, chở xích lô về Thành hội để tiếp tục sửa chữa chu đáo, kỹ lưỡng lần nữa. Khi tờ báo phát hành đúng ngày sinh nhật Bác, chúng tôi sung sướng, tự hào vô cùng”.
Trong cuộc họp mặt thân mật, nhiều người đã nhắc đến nhà báo Phương Điền - Tổng biên tập (TBT) đầu tiên của Báo. Cựu nhà báo Quỳnh Đông cho biết: “Báo Phụ Nữ TP.HCM chúng ta có thế mạnh là nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của nữ giới. Từ thập niên 1980, dì Phương Điền đã có chủ trương thực hiện hai tờ đặc san: "Hãy nuôi dưỡng tình yêu và Bạn gái trẻ”. Có thể ghi nhận đây là bước đi tiên phong trong làng báo lúc bấy giờ”. Cựu nhà báo Bạch Mai bổ sung: “Các bạn biết không, các tờ đặc san đó mỗi số in hàng trăm ngàn bản, thậm chí có số vừa phát hành xong, bán hết sạch, phải tái bản ngay. Tôi còn nhớ, Chi Đoàn của Báo chịu trách nhiệm phát hành, cạnh tranh với đại lý để gây quỹ”.
Không dừng lại đó, cũng nhằm mục đích tích lũy vốn, xây dựng cơ ngơi như ngày hôm nay, cựu TBT Hồ Thị Minh Nguyệt hào hứng kể: “Có hai sự kiện do Báo tổ chức đã thu hút rất lớn sự quan tâm của bạn đọc là Thời trang tuổi 40, Thời trang Mẹ và Con. Lúc đó, nhà báo Mai Hiền (sau này là TBT) là tay “đầu bếp” đại tài, đã tổ chức thêm nhiều chuyên mục hấp dẫn bạn đọc, chọn bài vở nghiêm khắc, có chất lượng nên báo bán rất chạy. Còn phải kể thêm, họa sĩ Lan Huê trình bày rất “bắt mắt”, càng được bạn đọc hoan nghênh”.
Tổng biên tập Báo Phụ Nữ Lê Huyền Ái Mỹ tặng hoa cho bà Hồ Thị Minh Nguyệt - nguyên Tổng biên tập Báo Phụ Nữ - ảnh: Phùng Huy
Dù cuộc họp tri ân thiếu TBT Thế Thanh, nhưng ai nấy cũng đều nhắc đến thành quả của việc báo Phụ Nữ TP.HCM là cơ quan báo chí đầu tiên tổ chức thành công Cuộc thi Hoa hậu Áo dài, Đua xe đạp nữ…
Cựu nhà báo Hồng Cúc cười rổn rảng và kể: “Bấy giờ các chị em mình chưa rành về việc phát hành vé xem hoa hậu nên mới có sự cố này: Do chương trình “hot” quá nên các tay bán vé chợ đen rầm rộ kéo đến tòa soạn. Họ chen lấn, tranh giành, hò hét đòi mua hết vé cho bằng được. Hoảng quá, bảo vệ đóng cửa nhưng vẫn bị xô đẩy cửa tràn vào, dù yểu điệu thục nữ nhưng tôi cũng liều cầm cây chổi “tả xung hữu đột” để… lập lại trật tự!”.
Những câu chuyện buồn vui sau mặt báo còn nhiều, nhiều lắm.
Các chị Hồng Tuyến, Khánh Hội, Việt Nga… lại nhớ về những ngày đi tác nghiệp viết bài. Rồi một trong những câu chuyện của nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên đã dẫn dắt thế hệ đồng nghiệp đi sau nhớ về một thuở. Sau khi kể lại những câu chuyện viết loạt bài phóng sự điều tra, anh kết luận: “Nếu nhà báo tạo được sự tin cậy ở bạn đọc, họ sẽ là người cung cấp cho ta nhiều tài liệu có tính xác thực”. Đúng vậy, nhờ những tài liệu này, suốt 12 năm (1990-2002) công tác tại Báo Phụ Nữ TP.HCM, anh đã có đến 11 lần nhận được giải thưởng của Hội Nhà báo.
Đồng tình với ý kiến này, nhà báo Thu Trang - thế hệ đi sau anh cũng viết phóng sự điều tra còn nhấn mạnh thêm: Lúc dấn thân điều tra về mảng tối của xã hội, thế giới tội phạm… đã không ít lần email bài cho tòa soạn, sau khi quyết định nhấn nút send, tôi đã ôm mặt khóc nức nở. Tôi nghĩ đến lúc báo phát hành, không chỉ bản thân mình mà ngay cả chồng con, bố mẹ cũng đã từng bị hăm dọa. Nhưng rồi chị không chùn tay, bởi chị biết đang hoạt động nghiệp vụ trong một môi trường tử tế, có các đồng nghiệp ủng hộ mình…
3. Những câu chuyện vui buồn một thuở được thế hệ đi trước kể lại. Và mọi người cùng chia sẻ, đồng cảm trong ấm áp. Ngoảnh lại đã thấy sự tiếp nối ở sinh nhật tuổi 40 của báo Phụ Nữ là một nỗ lực phi thường.
Sự thay da đổi thịt ấy là công sức đóng góp của nhiều thế hệ. Bài học tạo nên thành công là gì? Với câu hỏi đó, dì Mười Mai - người họa sĩ đầu tiên của Báo đã bước sang tuổi 90 ân cần nhắn nhủ: “Biết đoàn kết yêu thương như anh em trong nhà”.
Vâng, thưa thế hệ cựu trào, thế hệ tiếp nối nguyện tiếp tục giữ vững truyền thống đó - một truyền thống đã làm nên thương hiệu của Báo trong suốt 40 năm qua.
LÊ MINH QUỐC