Các thầy đồ ngày càng trẻ hơn

14/01/2025 - 11:02

PNO - Xuân về là dịp để các thầy đồ xuống phố cho chữ. Nhắc đến thầy đồ, mọi người dễ nghĩ đến hình ảnh những cụ già râu tóc bạc phơ. Nhưng hiện nay, các thầy đồ đang ngày càng trẻ.

Nhiều người trẻ học thư pháp

Vừa sang đầu tháng Chạp, thầy đồ Cung Trường (Tân Châu, An Giang) đã tất bật với công việc. Anh cho biết lượng đơn đặt hàng khá nhiều, đến nỗi anh phải từ chối bớt. Theo anh, khi viết thư pháp phải tịnh tâm, tỉ mỉ mới cho ra đời những tác phẩm có hồn. Không ít vị khách vì yêu mến nét chữ của anh mà vẫn quyết tâm “giữ chỗ”, chờ sau tết sẽ nhận hàng.

Thầy đồ Cung Trường trong một lần cho chữ - Ảnh do nhân vật cung cấp
Thầy đồ Cung Trường trong một lần cho chữ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ở tuổi 35, Cung Trường đã có đến 12-13 năm làm nghề. Nhiều năm qua, ở khu vực thư pháp của Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM có sự hiện diện của không ít thầy đồ trẻ. Một sự kiện thư pháp vừa diễn ra vào cuối tháng 11/2024 tại TPHCM đã quy tụ 350 thầy đồ ở 3 miền, phần lớn đều đang ở độ thanh xuân.

Có khoảng 20 năm theo đuổi bộ môn này, thầy đồ Trần Hồng Lĩnh (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp quận 8, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Chữ Việt, Cung văn hóa Lao động) cho biết: người trẻ ngày càng quan tâm đến văn hóa truyền thống. Các thầy đồ trẻ cũng bắt nhịp khá nhanh với xu hướng tiếp nhận của giới trẻ, từ đó tạo ra những sản phẩm thú vị. Nhiều thầy đồ đưa thư pháp vào những món đồ chơi được giới trẻ yêu thích hoặc các mô hình độc đáo.

Sau thời dịch bệnh, thư pháp càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng khi có nhiều video hướng dẫn viết trên các nền tảng. Thư pháp được yêu thích vì có thể giúp rèn luyện sự tĩnh tâm, tạo cảm xúc tích cực… Những phụ huynh có con em tính tình nóng nảy cũng thường gửi con đi học các lớp thư pháp. Đến nay, bộ môn này bắt đầu được các trường học đưa vào giảng dạy ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng hoặc được các địa phương tổ chức sân chơi, cuộc thi…

Sự phát triển của mạng xã hội cũng giúp thư pháp tiếp cận nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Không chỉ dừng lại ở việc làm nghề, nhiều thầy đồ trẻ còn tham gia giảng dạy. Cung Trường, Trần Hồng Lĩnh… đã đào tạo được hàng trăm học trò trong suốt nhiều năm qua. Công việc này cũng tương đối vất vả, bởi phải rèn cho người học sự tĩnh tâm. Người có năng khiếu có thể chỉ mất vài tháng nhưng cũng có những người phải tốn 2 năm mới có thể học được kỹ năng thuần thục, đòi hỏi các thầy đồ phải thật kiên nhẫn.

Sống được nhờ thư pháp

Vốn làm nghề sửa điện thoại di động nhưng chỉ sau vài tháng lên TPHCM để học viết thư pháp, Cung Trường đã có thể làm nghề. Các tác phẩm thư pháp của anh đăng trên mạng xã hội được nhiều người chú ý, đặt hàng.

Lớp học thư pháp của thầy đồ Cung Trường quy tụ nhiều bạn trẻ  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Lớp học thư pháp của thầy đồ Cung Trường quy tụ nhiều bạn trẻ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Không chỉ mùa tết, Cung Trường có thể làm nghề quanh năm. Anh thường đi biểu diễn viết thư pháp cho các chương trình nghệ thuật, cho chữ ở các chùa, viết theo đơn đặt hàng trong nhiều dịp đặc biệt (sinh nhật, mừng thọ, khai trương)… Đặc biệt, các tác phẩm của anh đã đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước, ra cả thế giới, là điều khiến anh rất tự hào.

Cung Trường cho hay, bên cạnh yếu tố nghệ thuật, thư pháp Việt Nam có thế mạnh là sử dụng chữ cái Latin nên dễ được khách hàng quốc tế tiếp nhận. Nhiều năm qua, anh đã có cuộc sống ổn định nhờ viết thư pháp. Mỗi ngày anh đều nhận được vài đơn đặt hàng. Để có được kết quả như hôm nay anh đã phải hết sức chú tâm, đầu tư cho tác phẩm. Anh nên duyên với vợ mình cũng nhờ một lần đi cho chữ ở chùa trong dịp lễ.

Thầy đồ Trần Hồng Lĩnh vốn là kỹ sư điện. Thời gian đầu, anh chỉ viết thư pháp như một đam mê. Đến năm 2016, anh quyết định dừng công việc kỹ sư để tập trung hoàn toàn cho thư pháp. Muốn tạo ra được nguyên liệu trong nước để cung cấp cho người viết thư pháp thay vì phải nhập từ nước ngoài, anh đã đánh liều mở xưởng sản xuất. May mắn, sản phẩm của anh nhanh chóng được đón nhận. Cơ sở sản xuất của anh hiện cũng đào tạo cho nhiều bạn trẻ muốn theo nghề. Theo Trần Hồng Lĩnh, có hơn 80% thầy đồ vẫn đang làm song song công việc khác với việc cho chữ. Tuy nhiên, một số ít đã sống được với thư pháp, là tín hiệu đáng mừng.

Hiện nay, Trần Hồng Lĩnh thường tổ chức những sự kiện để quy tụ thầy đồ trên khắp cả nước. Đây là dịp để mọi người giao lưu, học hỏi, truyền cảm hứng lẫn nhau; cho thấy sự tồn tại, phát triển của một cộng đồng ngày càng lớn mạnh. Từ đó, mọi người có thể cảm nhận rõ sức sống của thư pháp trong nhịp sống hiện nay.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI