Các tập đoàn tiếp tục mở rộng thị phần bán lẻ

13/08/2022 - 07:46

PNO - Sau các đợt dịch COVID-19, sức mua ở chợ truyền thống sa sút hẳn. Trong khi đó, các tập đoàn bán lẻ liên tục công bố mở rộng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Big C) vừa khai trương siêu thị Tops Market Moonlight ở TP. Thủ Đức với hệ thống thanh toán tự động. Đây là siêu thị mới của Central Retail sau khi chuyển đổi bảy siêu thị Big C thành Tops Market trong năm 2021. Cách bài trí các kệ hàng của Tops Market cũng thay đổi theo hướng hiện đại hơn. Ông Olivier Langlet - Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - cho hay, trong 5 năm tới, Central Retail sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Một siêu thị ở TP.Thủ Đức sử dụng hệ thống tính tiền tự động thay cho nhân viên thu ngân - ẢNH: N.C
Một siêu thị ở TP. Thủ Đức sử dụng hệ thống tính tiền tự động thay cho nhân viên thu ngân - Ảnh: N.C

Sau khi sở hữu đại siêu thị Emart, THACO cũng bắt tay vào việc mở rộng Emart thành chuỗi. Tại hội nghị khách hàng mới đây, ông Chun Byung Ki - Tổng Giám đốc THISO Retail (công ty thuộc Tập đoàn THACO) - cho biết, trong năm 2022, sẽ khai trương hai đại siêu thị Emart tại TP. Thủ Đức và Q.Gò Vấp. Theo kế hoạch, trong 5 năm tới, công ty sẽ mở thêm 20 siêu thị để đạt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2026.

Từ đầu năm 2022 đến nay, WinCommerce (WCM) thuộc Tập đoàn Masan cũng khai trương năm siêu thị WinMart và 301 siêu thị mini WinMart+, nâng tổng số lên 127 siêu thị WinMart và 2.873 siêu thị mini WinMart+. Theo kế hoạch, trong nửa cuối năm 2022, WCM sẽ khai trương 800 cửa hàng mới, trong đó có hơn 100 cửa hàng theo mô hình nhượng quyền. 

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng dự kiến mở thêm từ 3 - 5 siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại và 80 - 100 điểm bán lẻ nhỏ. 

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, nếu không tạo được sự khác biệt, không có nguồn cung ứng hàng hóa riêng, không có hệ thống canh tác riêng thì chuỗi siêu thị, cửa hàng của hệ thống bán lẻ hiện đại khó tạo được giá trị để thu hút khách hàng. Một số chuỗi cửa hàng tiện lợi vẫn chưa thực sự tiện lợi. Tiêu chuẩn về sự tiện lợi là gần nhà, đầy đủ hàng hóa, giá cả cạnh tranh…

“Hiện nay, các chuỗi nhà thuốc, cửa hàng mẹ và bé cũng đang được mở rộng khi được các quỹ đầu tư rót vốn. Tuy nhiên, không phải chuỗi nào cũng kinh doanh thành công. Chuỗi nào ôm đồm thì sẽ dễ thất bại, như G7 Mart từng thất bại, Phở 24 thu hẹp số cửa hàng. Cửa hàng tiện lợi thì phải tiện lợi đúng nghĩa” - ông Võ Văn Quang nhận định.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc marketing Công ty Harava - cho rằng, mô hình đại siêu thị có tiềm năng phát triển do kết hợp mua sắm với ẩm thực, giải trí và tích hợp nhiều tiện ích. Chẳng hạn, một số “ông lớn” công nghệ bán thêm thuốc tây và hàng gia dụng; WinMart có thêm gian hàng của Phúc Long, Techcombank; KingFood Mart có thêm gian hàng The Coffee House. Điều này cũng tạo sự khác biệt để thu hút khách và khai thác được lợi thế về điểm bán, giao hàng. Các chuỗi đang có xu hướng tận dụng lợi thế điểm bán của nhau để tiếp cận khách hàng nhanh, nhiều hơn, tiết kiệm chi phí vận chuyển, giao hàng. 

Trước việc một số đơn vị như Bách Hóa Xanh giảm bớt số cửa hàng bán lẻ, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng, họ nên thay đổi cách thức kinh doanh thay vì đóng cửa, bởi việc đóng cửa nhiều cửa hàng trong một thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI