Các tầng nấc trung gian đẩy giá các loại kit test COVID-19 lên cao

08/12/2021 - 22:51

PNO - Sở Y tế TPHCM kết luận giá sinh phẩm chẩn đoán test nhanh và RT-PCR thực tế thấp hơn nhiều so với giá trên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

Ngày 8/12, Sở Y tế TPHCM đã có báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng xét nghiệm test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2, RT-PCR tại thành phố.

Theo đó, từ ngày 5 đến 29/10, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã tiến hành kiểm tra độc lập và phối hợp với đoàn kiểm tra thuộc Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong sản xuất, nhập khẩu kinh doanh, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Các loại kit xét nghiệm nhanh COVID-19 được người dân sử dụng phổ biến hiện nay, Ảnh: Quốc Ngọc
Các loại kit xét nghiệm nhanh COVID-19 được người dân sử dụng phổ biến hiện nay - Ảnh: Quốc Ngọc

Báo cáo của Sở Y tế thành phố kết luận, giá bán sinh phẩm chẩn đoán các loại test nhanh và test kit RT-PCR trên thực tế vẫn thấp hơn nhiều so với giá mà các đơn vị đã công khai trên trang cổng thông tin điện tử https://dmec.moh.gov.vn của Bộ Y tế.

Việc mua bán qua các tầng nấc trung gian lòng vòng của các loại test nhanh từ công ty nhập khẩu trực tiếp đến các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm đã làm tăng giá dịch vụ, chi phí khám chữa bệnh.

Vấn đề mua sắm theo hình thức chỉ định thầu và chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách (ở đây là phòng, chống dịch) cũng chưa được kiểm tra đầy đủ tính hợp lệ cũng như năng lực nhà thầu. Do đó, có một số nhà thầu chưa thực hiện công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế, nhưng vẫn trúng thầu cung cấp test nhanh xét nghiệm kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2.

Sở cũng kết luận giá mua cùng một loại test nhanh tại các cơ sở y tế công lập có sự khác nhau về giá theo từng thời điểm. Giá thu của các cơ sở y tế công lập phụ thuộc vào kết quả đấu thầu. Hiện chưa có văn bản quy định giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện vi rút SARS-CoV-2 đối với cơ sở y tế tư nhân.

Đối với các cơ sở bản lẻ thuốc có kinh doanh test nhanh SARS-CoV-2, phần lớn chưa thực hiện việc công bố đầy đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế.

Sở Y tế TPHCM kiến nghị Bộ Y tế xem xét, hướng dẫn ngành y tế các tỉnh, thành việc thanh, quyết toán từ nguồn ngân sách nhà nước về kinh phí phòng, chống dịch đối với các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công... theo nội dung hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 của bộ.

Sở cũng kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu quy định bổ sung thêm một số trường hợp cần chỉ định xét nghiệm như người mắc bệnh mạn tính, bệnh nhân xạ trị, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, tái khám và lĩnh thuốc định kỳ cho bệnh mạn tính... nhằm đảm bảo những người bệnh này được miễn giảm chi phí xét nghiệm COVID-19.

Sở Y tế kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo lực lượng công an và quản lý thị trường tiếp tục hỗ trợ ngành y tế trong việc quản lý thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt việc mua bán thuốc, trang thiết bị y tế trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...). Đồng thời, UBND thành phố cần chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn phương án đề xuất xử lý nguồn thu của các cơ sở y tế công lập thực hiện xét nghiệm trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo của sở, tính đến ngày 23/9, có 60 đơn vị đủ điều kiện thực hiện test kit vật liệu di truyền (RT-PCR) xét nghiệm SARS-CoV-2.

Tổng số đơn vị nhập khẩu các loại xét nghiệm tại thành phố tính đến ngày 30/9 của Bộ Y tế là 26 đơn vị. Tổng số đơn vị kinh doanh test nhanh, test kit RT-PCR trên 50 đơn vị. Tổng số cơ sở bán lẻ thuốc có mua hoặc bán test nhanh là gần 400 cơ sở.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI