Các sông băng trên thế giới tan chảy với mức độ chóng mặt

22/04/2023 - 06:48

PNO - Báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc cho thấy các chỉ số biến đổi khí hậu một lần nữa đạt mức cao kỷ lục.

 

Thế giới ngày càng chứng kiến nhiều sông băng tan chảy.
Thế giới ngày càng chứng kiến nhiều sông băng tan chảy

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hiệp quốc cho biết 8 năm qua là thời kỳ nóng nhất từng được ghi nhận, trong khi nồng độ các khí nhà kính như carbon dioxide liên tục đạt mức cao kỷ lục.

WMO cho biết: "Băng biển ở Nam Cực đã giảm xuống mức thấp nhất từng báo cáo cùng với sự tan chảy của một số sông băng ở châu Âu".

Khoảng 40 sông băng trên thế giới, những sông băng được quan sát trong thời gian dài, đã chứng kiến ​​sự sụt giảm độ dày trung bình hơn 1,3m, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 - 10/2022.

Ở châu Âu, dãy núi Alps đã phá kỷ lục về sự tan chảy của sông băng, xuất phát do tuyết mùa đông rơi ít, sự xâm nhập của bụi Sahara vào tháng 3/2022 và các đợt nắng nóng từ tháng 5 - 9/2022. Sự biến mất của các sông băng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp nước ngọt cho con người và nông nghiệp.

Mực nước biển cũng đang ở mức cao kỷ lục, đã tăng trung bình 4,62mm mỗi năm từ năm 2013 - 2022, gấp đôi tốc độ hàng năm từ năm 1993 - 2002.

Nhiệt độ cao kỷ lục cũng được ghi nhận ở các đại dương - nơi có khoảng 90% nhiệt lượng bị giữ lại trên Trái đất bởi khí nhà kính. Báo cáo của WMO cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của những năm 1850 - 1900.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu cao kỷ lục trong 8 năm qua đã xảy ra, bất chấp tác động làm mát của hiện tượng thời tiết La Nina kéo dài trong gần một nửa thời kỳ đó.

Giám đốc WMO Petteri Taalas dự báo, thời tiết khắc nghiệt do khí thải nhà kính gây ra có thể tiếp tục kéo dài cho đến những năm 2060: "Chúng ta đã thải ra quá nhiều, đặc biệt là CO2 trong bầu khí quyển nên việc loại bỏ dần xu hướng tiêu cực này phải mất vài thập kỷ".

Thu Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI