Các siêu thị sẽ giao hàng xuyên tết

17/12/2024 - 16:53

PNO - Sau chuỗi ngày ảm đạm, gần đây các nhà bán lẻ tại TPHCM cho biết đã ghi nhận lượng khách đến mua sắm khởi sắc hơn, tập trung vào nhóm hàng đồ uống, trái cây và đồ trang trí Noel.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Central Retail Việt Nam (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market), sức mua ghi nhận nhích dần lên từng ngày, đặc biệt là những ngày cuối tuần. Trong đó, các mặt hàng như: bia rượu, nước ngọt, thịt nguội, trái cây, giỏ quà tết, đồ trang trí Noel… tiêu thụ tốt hơn cả.

Giỏ quà là nhóm hàng ghi nhận lượng bán ra tăng khả quan cho đến hiện tại
Giỏ quà là nhóm hàng ghi nhận lượng bán ra tăng khả quan cho đến hiện tại

Tương tự, tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, lượng khách mua sắm vào ngày cuối tuần cũng tăng hơn, tập trung vào nhóm hàng giỏ quà tặng, trong đó giỏ quà hàng nhãn riêng giá dưới 100.000 đồng/giỏ và giỏ quà gia vị giá từ 31.500 đồng thu hút sự chú ý nhiều nhất.

Theo đánh giá của Sở Công Thương TPHCM, hàng hóa tết trên địa bàn dồi dào, giá tốt do các doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã có kế hoạch chuẩn bị sớm, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.

“Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường của TPHCM đã dành hơn 22.000 tỉ đồng để chuẩn bị hàng tết, trong đó hơn 8.000 tỉ đồng chuẩn bị lương thực, thực phẩm thiết yếu” - ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Thương mại Sở Công Thương TPHCM - cho biết.

Theo ông, sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25 - 43% thị phần; bình quân mỗi tháng tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thủy hải sản… Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ.

Chẳng hạn Saigon Co.op chuẩn bị 12.000 tấn hàng hóa, tăng từ 30 - 50% theo từng nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Nhà bán lẻ này cũng dành phần lớn ngân sách để trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản,… còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết.

Hay như WinMart/WinMart+/WiN cho biết đã tăng khoảng 20% lượng hàng hóa cho dịp tết, thuộc nhóm gạo, dầu ăn, rau củ quả, thịt… cùng các sản phẩm đặc trưng và được tiêu thụ nhiều như bánh kẹo, nước giải khát.

Còn Central Retail Việt Nam cũng dự kiến sản lượng của nhóm hàng thực phẩm tươi sống cung ứng cho dịp tết năm nay tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Đặc biệt, Central Retail sẽ cùng hợp tác với các nhà cung cấp trên toàn quốc giao hàng xuyên tết, đảm bảo nguồn cung ứng cho cả trước và sau tết đầy đủ nhất, kể cả với các mặt hàng hàng thực phẩm tươi sống. Đáng chú ý, doanh nghiệp này còn áp dụng chương trình “khóa giá, không tăng giá bán dịp tết” với ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Ngoài ra, theo các nhà bán lẻ, để phục vụ người lao động thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua sắm tết sớm, họ sẽ thực hiện nhiều chương trình kích cầu, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... vào những ngày cận tết.

Riêng về việc mở cửa siêu thị, theo thống kê của Sở Công Thương, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart... hoạt động xuyên suốt tết.

Người tiêu dùng lạc quan hơn về tết 2025 nhưng vẫn lo lắng về chi tiêu

Theo cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab và Home Credit (công ty tài chính) vừa công bố, người tiêu dùng Việt Nam lạc quan hơn về tết 2025, khi hơn 84% người được hỏi cảm thấy tích cực hơn hoặc tương tự trong việc chi trả các khoản chi tiêu so với năm trước, phản ánh sự phục hồi khả quan của nền kinh tế. Sự tự tin này được thể hiện rõ nét qua việc gần một nửa (46%) cảm thấy hoàn toàn chủ động trong việc quản lý chi tiêu cá nhân, sẵn sàng cho một mùa sắm tết sung túc.

Kết quả này phù hợp với báo cáo "Khảo sát Người tiêu dùng tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2024" của công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế PwC tại Việt Nam. Theo đó, 63% dự kiến sẽ tăng chi tiêu cho các mặt hàng nhu yếu phẩm, tiếp theo là quần áo (52%) và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (48%), cho thấy bên cạnh việc chuẩn bị cho ngày tết, người dân cũng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

Bên cạnh sự lạc quan, cuộc khảo sát của Decision Lab và Home Credit cũng cho thấy khoảng 33% người Việt cảm thấy áp lực, lo lắng hoặc mệt mỏi khi nghĩ về tết. Điều này được chứng minh bởi 18% số người được hỏi cho biết họ không cảm thấy tự tin về việc mua sắm trong giai đoạn này.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI