Các shop thời trang: Giảm giá, xả hàng nhưng vẫn ế

08/10/2021 - 06:33

PNO - Sản phẩm thời trang vốn đổi mốt (mode, model, mẫu mã) liên tục theo tháng, trong khi các cửa hàng (shop) thời trang đã phải đóng cửa suốt 3-4 tháng qua. Do vậy, khi tái mở cửa, các chủ shop thời trang ở TP.HCM phải vội vàng bán tháo hàng lỗi mốt.

Thi nhau giảm giá

Tại Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (Q.1), các shop thời trang hiệu Topshop, H&M, Zara, Mango và các thương hiệu khác đã mở cửa trở lại. Khách vào trung tâm phải quét mã QR để khai báo y tế. Bên trong trung tâm, chủ các gian hàng đều tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh 5K. 

Rất nhiều shop đã treo bảng giảm giá để thu hút người mua. Topshop giảm 50% các sản phẩm thời trang mùa hè; H&M giảm giá 30% đối với sản phẩm giày boots, đồng thời có chương trình thu nhận quần áo cũ không còn sử dụng (bất kể thương hiệu nào) đổi một phiếu chiết khấu 15% cho một sản phẩm thời trang. Nhiều mẫu áo đầm, áo croptop, đầm sơ mi thời trang mùa hè của H&M có mức giá chỉ 100.000-300.000 đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, lượng khách đến mua sắm vẫn ít, mỗi shop chỉ lác đác 1-2 người. 

Nhiều cửa hàng thời trang giảm giá mạnh nhưng vẫn vắng khách - Ảnh: Thanh Hoa
Nhiều cửa hàng thời trang giảm giá mạnh nhưng vẫn vắng khách - Ảnh: Thanh Hoa

Tại các “phố thời trang” trên đường Nguyễn Trãi (Q.5), Cách Mạng Tháng Tám (Q.10), Lý Tự Trọng (Q.1), hầu hết các shop đã mở bán trở lại. Các hệ thống cửa hàng như Elise giảm giá 67%, Elly giảm giá 50%, Couple TX giảm giá 50%, thậm chí có cửa hàng treo bảng giảm giá đến 85% nhưng khách mua vẫn thưa thớt. 

Trong khi các shop bán đồ thời trang theo mùa phải giảm giá mạnh để giải quyết hàng tồn, lỗi mốt, các shop bán đồ thời trang công sở trong nước như An Phước, Việt Tiến, Ninomaxx, Mattana, PT2000 vẫn giữ nguyên giá. Thương hiệu thời trang nước ngoài Uniqlo không giảm giá nhưng tặng kèm sản phẩm trái cây sấy cho đơn hàng từ 999.000 đồng trở lên để giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm từ nông sản Việt. Thương hiệu Zara, Mango cũng không có chương trình khuyến mãi khi mở cửa kinh doanh trở lại. 

Nhu cầu của thị trường rất thấp

Ông Phạm Quang Anh - người sáng lập Công ty May mặc Dony - thông tin từ năm 2020 đến nay, đơn đặt hàng thời trang giảm rất mạnh. Một số thương hiệu lớn với quy mô 4-5 chuỗi cửa hàng từng bán rất chạy nhưng lượng đặt hàng đang giảm hơn 50% do chỉ có thể bán online. Các thương hiệu nhỏ hơn hoặc các shop bán đồ thời trang đại trà hầu như không có đơn hàng nào và phải đóng cửa hoàn toàn. Không ít chuỗi cửa hàng thời trang chuyển hướng sang thiết kế trang sức (vàng, bạc), phụ kiện để bù đắp vào doanh thu bán quần áo đang giảm sút.

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM -  ngay từ đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đã chuyển hướng và không tập trung chính vào các sản phẩm may mặc. Phần lớn DN đang cố gắng giải quyết các đơn hàng xuất khẩu để bù đắp lại sự ế ẩm của thị trường nội địa hoặc chuyển sang may khẩu trang vải, tạp dề, đế lót nồi xuất khẩu. 

Theo một lãnh đạo Công ty cổ phần May Nhà Bè, với những sản phẩm thời trang theo mùa, các DN phải giải quyết ngay số hàng lỗi mốt, lỗi thời, giảm giá hết mức có thể để thu được đồng nào hay đồng đó. Ngay cả với “hàng nằm” (mùa nào bán cũng được) đã bị dồn ứ nhiều tháng nên cũng cần bán gấp để giải phóng mặt bằng và để hàng không bị xuống cấp. 

Theo vị này, việc giảm giá chỉ giải quyết được lượng hàng tồn nhất thời. Hiện nay, thu nhập của người dân đang giảm nên sắp tới, DN sẽ khó bán được hàng mới. Trong khi đó, với lĩnh vực thời trang, nếu không bán được hàng mới thì sẽ lỗ do chi phí thuê mặt bằng cao. Hàng thời trang có đặc điểm là nếu khách có nhu cầu, họ sẽ mua mà không cần giảm giá; ngược lại, dù giảm giá, khách cũng không mua. Do đó, tùy phân khúc thị trường mà công ty định hướng giảm hay không giảm giá, thu hẹp hay mở rộng phạm vi hoạt động đối với từng loại hàng. Việc giảm giá lúc này giống như “muối bỏ biển”, kích cầu lúc này không có nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn, một sản phẩm có giá 700.000 đồng, khi giảm 20% thì giá còn 560.000 đồng, vẫn cao so với túi tiền của người mua. 

Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Anh cho rằng, sản phẩm giảm giá phần lớn là hàng tồn kho. Phải có cầu, mới kích thích để nhu cầu tăng; còn hiện nay, cầu không có nên không thể kích cầu. “Các DN dệt may phần lớn vay từ nhà cung cấp của họ, có đơn hàng để bán đều đều thì có vốn để gối đầu, đơn hàng tắc thì sẽ rất khó khăn. Hiện không ít DN đang cạn kiệt dòng tiền. Chắc chắn tới đây, khi thị trường mở cửa hoàn toàn, nhiều thương hiệu thời trang sẽ tái cấu trúc, thu gọn quy mô hoạt động, chỉ duy trì những sản phẩm chiến lược để tồn tại” - ông Phạm Quang Anh nhận định. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI