Trung Quốc
Tại Trung Quốc, tết Nguyên đán là dịp đặc biệt, mọi người cùng nhau kỷ niệm sự khởi đầu của một năm mới, gia đình quây quần bên nhau.
|
Sau giao thừa, người lớn sẽ tặng tiền lì xì cho trẻ em để chúc phúc và xua đuổi tà ma - Ảnh: Pixabay |
Trước tết khoảng nửa tháng, người dân chuẩn bị mua sắm thực phẩm, quần áo, và vật dụng gia đình. Đến ngày 23 tháng Chạp, tổng vệ sinh nhà cửa, theo quan niệm rằng việc dọn dẹp kỹ lưỡng giúp xua đi những điều cũ kỹ, đón may mắn và khởi đầu mới tốt lành. Người Trung Quốc trang trí nhà cửa với màu đỏ và vàng, biểu tượng cho may mắn và thịnh vượng.
Đêm giao thừa, các gia đình quây quần ăn bữa cơm truyền thống và chúc nhau những điều may mắn cho năm mới. Sau giao thừa, người lớn sẽ tặng tiền lì xì cho trẻ em để chúc phúc và xua đuổi tà ma. Ngày tết, người Trung Quốc mặc trang phục đỏ tươi để cầu mong cho một năm mới tràn đầy sức khỏe và an khang.
Sáng mùng Một tết, mọi người dậy sớm, mặc quần áo mới và đi thăm bà con, bạn bè, trao nhau những lời chúc tốt đẹp.
Đài Loan (Trung Quốc)
Tại Đài Loan, tết Nguyên đán là dịp lễ rất quan trọng, là dịp để gia đình đoàn tụ và vui vẻ bên nhau.
|
Vào ngày tết, khắp nơi ở Đài Loan, người dân trang trí lồng đèn đỏ - Ảnh: Pixabay |
Tết ở Đài Loan thường bắt đầu từ 30 tháng Chạp đến mùng 4 tháng Giêng. Ngày cuối cùng của năm âm lịch, mọi người sẽ cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên với gia đình. Vào ngày đầu tiên của năm mới họ sẽ đi lễ chùa, du xuân, tụ tập gặp gỡ làm các món ăn truyền thống và gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp.
Mông Cổ
Tết Nguyên đán ở Mông Cổ được gọi là tết Tsagaan Sar, nghĩa là "Mặt trăng trắng", được xác định theo lịch Mặt trăng của người Mông Cổ.
|
Vào ngày mùng Một tết, các gia đình mặc trang phục lễ hội và cùng nhau đón năm mới - Ảnh: nationaltoday |
Trước Tsagaan Sar, người Mông Cổ dọn dẹp và trang trí nhà cửa với các tranh ảnh, đèn lồng và các vật trang trí khác với quan niệm mang lại may mắn và thịnh vượng cho gia đình.
Vào đêm giao thừa, đèn được thắp sáng khắp nơi, người dân sẽ cúng gia tiên, ca hát, nhảy múa. Vào ngày mùng Một tết, các gia đình mặc trang phục lễ hội và cùng nhau đón năm mới. Người ta cũng đi chùa để cầu nguyện, bày tỏ lòng tôn kính với tổ tiên và các vị thần.
Vào những ngày đầu năm, người Mông Cổ sẽ mặc đồ truyền thống dân tộc, thường là màu trắng, biểu tượng của sự thuần khiết, đem lại sự may mắn.
Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ với các món ăn truyền thống như bánh Buuz (bánh bao kiểu Mông Cổ), mì xào, thịt băm, chả và các loại bánh ngọt.
Philippines
Năm 2012, Philippines công nhận tết Nguyên đán là ngày lễ chính thức. Tết Nguyên đán ở Philippines được tổ chức sôi động nhất ở Binondo - khu Chinatown lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới. Đây là khu phố được người Tây Ban Nha lập vào những năm 1590 ở Manila, dành cho người nhập cư Trung Quốc theo đạo Công giáo.
|
Múa lân mừng năm mới ở Philippines - Ảnh: lightoflove |
Món ăn truyền thống trong dịp tết ở Philippines là bánh gạo ngọt (tikoy), được bán sẵn rất nhiều ở chợ và cửa hàng tạp hóa. Món ăn mang ý nghĩa giúp gia đình gắn kết hơn.
Trước tết, người Philippines dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, quét hết những điều xui xẻo để nhường chỗ cho những điều may mắn trong năm.
Malaysia
Tết âm lịch là một trong những dịp lễ quan trọng nhất tại Malaysia, đất nước có người gốc Hoa chiếm 25% dân số. Tết Nguyên đán là dịp để người dân ở Malaysia có dịp đoàn tụ, quây quần.
|
Ngày tết, tại các khu phố người Hoa ở Malaysia, sắc đỏ tràn ngập - Ảnh: odynovotours |
Ngày tết, tại các khu phố người Hoa, sắc đỏ tràn ngập. Các trung tâm thương mại rực rỡ với câu đối đỏ, đèn lồng đỏ. Màn bắn pháo hoa chào năm mới tại tháp đôi Petronas cùng điệu múa lân, múa sư tử trở thành truyền thống. Vào ngày tết, người Malaysia đến chùa cầu bình an, chúc nhau những điều tốt lành và tặng lì xì may mắn.
Singapore
Các truyền thống đón năm mới tại Singapore, quốc gia đa phần là người gốc Hoa, được cho là có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc.
|
Tết Nguyên đán là một trong những dịp lễ quan trọng nhất của người Singapore - Ảnh: tajimaya |
Trước năm mới, người dân đảo quốc này thường quét dọn nhà cửa bằng lá tre. Người ta tin rằng điều này sẽ xua đuổi tà ma. Nhà cửa được trang hoàng bằng những chậu tắc và đèn lồng, câu đối... Vào đêm giao thừa, người Singapore cũng đón tất niên cùng gia đình, cùng nhau đón khoảnh khắc năm mới, trao nhau lì xì và chúc nhau những điều tốt đẹp.
Triều Tiên
Người dân Triều Tiên sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm để bày tỏ mong ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong năm mới. Mọi người mặc quần áo mới, cúng tổ tiên, chúc tết những người lớn tuổi. Họ cũng dán câu đối may mắn và cùng nhau ăn các món ăn truyền thống.
|
Người dân Triều Tiên tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm để bày tỏ mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn trong năm mới - Ảnh: belfasttelegraph |
Cùng với tết Đoan Ngọ và tết Trung thu, tết Nguyên đán là "lễ hội dân gian lớn của đất nước".
Hàn Quốc
Tết âm lịch của người Hàn Quốc theo tiếng Hàn gọi là Seol, là đại lễ quan trọng nhất trong năm. Vào ngày 30 tết, các gia đình đều dọn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm nước nóng để tẩy trần và đốt các thanh tre lúc giao thừa để xua đuổi tà ma (tục truyền, tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy).
|
Ngày đầu tiên của năm mới, người Hàn Quốc sẽ mặc Hanbok truyền thống - Ảnh: Pixabay |
Ngày mùng 1 tết Nguyên đán (tiếng Hàn gọi là Sollal) có ý nghĩa rất quan trọng vì là ngày đầu tiên của một năm mới, người Hàn Quốc sẽ mặc Hanbok truyền thống, dậy sớm để cúng tổ tiên, chúc mừng năm mới những người lớn tuổi trong gia đình và lì xì cho trẻ nhỏ.
Người Hàn Quốc coi màu trắng là hiện diện của sự may mắn, do vậy các câu đối và phong bì màu đỏ của lễ hội mùa xuân thường có màu trắng.
Bạch Vân