A-xít benzoic xuất hiện trong một số thực phẩm tự nhiên như quả mọng, các sản phẩm từ sữa, và như một chất bảo quản bổ sung trong thực phẩm chế biến như đồ nướng, kẹo, kem que, mứt, dưa chua và nước ngọt. Mặt khác, thành phần cũng được dùng để bảo quản mỹ phẩm và các mặt hàng chăm sóc cá nhân, như nước súc miệng.
Việc phơi nhiễm a-xít benzoic ở mức thấp không độc hại, nhưng phơi nhiễm liều cao có thể gây độc. Tuy nhiên, rất khó để tiêu thụ đủ a-xít benzoic đến mức gây tử vong.
|
a-xít benzoic và muối benzoat có thể gây nguy hiểm nếu tiếp xúc, tiêu thụ ở liều cao. |
Độ an toàn của a-xít benzoic đối với người
Ảnh hưởng của a-xít benzoic và muối Nartri Benzoat nhìn chung là giống nhau, chỉ khác biệt về khả năng hòa tan và giá thành. Con người thường tiếp xúc với a-xít benzoic trong thực phẩm, có chứa a-xít benzoic tự nhiên hoặc hóa chất thêm vào như một chất chống vi trùng. Benzoate không được phát hiện trong nước uống, và việc tiếp xúc qua đường hô hấp trong không khí xung quanh cũng rất ít.
Mặc dù thí nghiệm trên động vật cho thấy khả năng gây tử vong với liều lớn natri benzoate ở mức 2 gram/kg trọng lượng cơ thể, một người trưởng thành không thể ăn đủ thực phẩm chứa natri benzoate để chịu tác động tương tự.
Ở người, axit benzoic gây kích ứng nhẹ cho da và khó chịu ở mắt. Nghiên cứu cho thấy phụ gia này có thể gây phát ban, hen suyễn, viêm niêm mạc mũi hoặc sốc phản vệ khi tiếp xúc nhiều qua đường uống, trên da hoặc bằng đường hô hấp. Các triệu chứng xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc và biến mất trong vòng vài giờ. Phản ứng da ở những người khỏe mạnh nói chung là rất hiếm; chỉ từ 0,2-0,7%.
|
A-xít benzoic tự nhiên xuất hiện trong các loại quả mọng như mâm xôi, việt quốc, phúc bồn tử... |
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần lượt nghiên cứu về a-xít benzoic vào năm 1972 và 1996. Kết quả cho thấy không có ảnh hưởng bất lợi nào ở người sau một liều uống 10.000 mg hoặc sử dụng tối đa 1.000 mg/ngày trong khoảng thời gian 92 ngày.
Trong hai nghiên cứu trên, các tình nguyện viên đã được cung cấp lần lượt 1.000, 1.500, 2.000 hoặc 2.500 mg a-xít benzoic/ngày, trong năm ngày mỗi lần. Các triệu chứng ghi nhận bao gồm khó chịu, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, nóng rát và kích thích thực quản. Tuy nhiên, xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy không có bất thường về cân bằng máu, nước tiểu hoặc cân bằng nitơ.
Mặt khác, natri benzoate được sử dụng trong điều trị bệnh nhân bị tăng oxy máu, một tình trạng ảnh hưởng đến các enzyme trong chu trình urê, nhằm giúp bệnh nhân bài tiết nitơ. Liều điều trị 250 đến 500 mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày hiếm xảy ra tác dụng phụ; mà chủ yếu là chán ăn và nôn.
Những người có nguy cơ cao nhất khi tiếp xúc với acid benzoic bao gồm bệnh nhân mắc bệnh về gan, chẳng hạn xơ gan hoặc viêm gan, cũng như những người nhạy cảm với aspirin với các triệu chứng như kích ứng đường tiêu hóa, lên cơn hen suyễn, phát ban, ngứa và kích ứng mắt và niêm mạc.
Lý do vì a-xít benzoic làm tăng hoạt động gan, đặc biệt khi tiêu thụ cùng axit amin glycine, được tìm thấy trong thực phẩm giàu protein, thực phẩm chức năng và thuốc kháng axit. Trẻ em cũng có nguy cơ phản ứng cao hơn khi tiếp xúc với a-xít benzoic. Ngoài các triệu chứng như người lớn, trẻ có thể gia tăng rối loạn thần kinh và tăng động.
Các quốc gia quy định thế nào về a xít benzoic và muối benzoat
Trên trang chủ của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), a-xít benzoic được xếp vào nhóm chất bảo quản hóa học thuộc danh mục GRAS – Thường được công nhận là an toàn. Hàm lượng tối đa của chất này trong các loại thực phẩm là 0,1%, tương đương 1g/kg.
Ngoài ra, đối với một số quan điểm cho rằng muối benzoat và a-xít benzoic có thể tác dụng với Vitamin C (hay a-xít ascorbic) tạo thành benzen, vốn là một chất hữu cơ dạng vòng có khả năng gây ung thư, FDA khẳng định rằng trường hợp này rất hiểm xảy ra vì phản ứng chỉ xuất hiện trong điều kiện ánh sáng, nhiệt độ thích hợp.
Thực tế cho đến nay, FDA chỉ ghi nhận phản ứng trên ở các sản phẩm giải khát chứa đồng thời Vitamin C, tự nhiên hoặc dùng tăng nồng độ dinh dưỡng, và muối benzoat, dùng ngăn chặn nấm mốc, vi khuẩn, trong 5 trên 200 mẫu sản phẩm kiểm định và đã buộc các nhà sản xuất thay đổi thành phần.
|
Trong những điều kiện hiếm gặp, muối benzoat có thể phản ứng với vitamin C tạo ra benzen gây hại |
Tương tự, Liên minh châu Âu EU hạn chế chất bảo quản a-xít benzoic ở mức 0,1% đối với các nhóm thực phẩm và Ủy ban tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế Codex (CAC) cũng chấp nhận nhóm muối benzoat ở mức tổng cộng 1 g/kg.
Ngay tại Nhật Bản, bị cấm dùng trong tương ớt, nhưng a-xít benzoic và muối benzoat vẫn có thể hiện diện, tùy thuộc vào loại sản phẩm, chẳng hạn như 1g/kg đối với bơ margarine, 0,6g/kg đối với nhóm nước giải khác không cồn, nước tương và si rô, hay 2,5g/kg đối với sản phẩm trứng cá caviar.
Tại thị trường khổng lồ ở Trung Quốc, chất phụ gia bảo quản trên được quy định cụ thể theo từng nhóm mặt hàng, dao động từ 0,2g/kg (nước ngọt), cho đến 1 g/kg (các loại tương, dưa chua, mứt,…) hay thậm chí là 2g/kg (quy định riêng cho nước trái cây cô đặc dùng trong công nghiệp) nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của từng loại sản phẩm và độ tuổi trung bình của người tiêu dùng.
Nhìn chung, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2015, mỗi người có thể tiêu thụ đến 5 mg a-xít benzoic hoặc muối benzoat trên mỗi kg trọng lượng cơ thể/ngày.
|
Nếu quan sát kỹ nhãn của các sản phẩm có uy tín, bạn dễ dàng nhận ra rằng hằng ngày mình vẫn đang tiêu thụ chất bảo quản từ a-xít benzoic. |
Tấn Vĩ (Tổng hợp)