Các quốc gia đang phát triển sẽ được giúp đỡ hàng tỷ USD để chuyển đổi “xanh”

04/11/2021 - 11:42

PNO - Một liên minh mới tại COP26 đặt mục tiêu giúp một tỷ người tiếp cận năng lượng tái tạo thông qua những khoản đầu tư khổng lồ vào các nước đang phát triển và mới nổi.

Liên minh Năng lượng Toàn cầu cho Con người và Hành tinh (GEAPP) ra mắt hôm 2/11 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đặt mục tiêu huy động 100 tỷ USD tài trợ từ nhà nước và tư nhân để mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và tạo việc làm mới ở những nơi bị bỏ lại phía sau hoặc cần thêm hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi xanh.

Sáng kiến ​​được chính phủ Indonesia ủng hộ và ban lãnh đạo của liên minh có tham vọng thu hút sự tham gia của các quốc gia khác ở Đông Nam Á, bao gồm Philippines, Myanmar và Việt Nam.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói khi tán thành liên minh: “Sáng kiến ​​này tập hợp các bên liên quan quan trọng, gắn kết và đồng tạo ra một con đường bền vững cho các quốc gia của chúng ta và cho con cháu của chúng ta”.

Gói 10 tỷ USD hỗ trợ ban đầu được đưa ra từ nhiều đối tác từ thiện, các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính phát triển và chính phủ các quốc gia.

Các bộ trưởng tài chính thế giới tại COP26 ở Glasgow, Scotland vào ngày 3/11
Các bộ trưởng tài chính thế giới tại COP26 ở Glasgow, Scotland vào ngày 3/11

Cam kết được đưa ra ra khi trọng tâm của các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu toàn cầu tại COP26 ở Glasgow chuyển sang huy động lượng tài chính khổng lồ cần thiết để thúc đẩy tham vọng khí thải bằng 0 của thế giới.

Ước tính rằng sẽ cần hàng nghìn tỷ USD, phần lớn là từ các quốc gia nghèo hơn, để tránh sự gia tăng nhiệt thảm khốc và các tác động mà nó gây ra, bao gồm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng cao.

Nhiều sự xem xét và đàm phán tại hội nghị tập trung vào 100 tỷ USD mà các quốc gia phát triển hứa hẹn hàng năm để giúp các nước nghèo hơn đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu. Kể từ khi cam kết Paris được đưa ra vào năm 2015, số tiền đó liên tục giải ngân dưới hạn mức.

Các bộ trưởng tài chính tại COP26 đã thảo luận về cách sử dụng quỹ công thúc đẩy một lượng lớn tài chính tư nhân nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Một liên minh của các nhà đầu tư, ngân hàng và công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới đã liên kết dưới tên gọi “Liên minh tài chính Glasgow vì mức khí thải bằng 0”, giúp đảm bảo rằng số vốn 130 nghìn tỷ USD của họ được sử dụng để đạt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, đưa biến đổi khí hậu trở thành yếu tố quan trọng nhất trong việc ra quyết định tài chính toàn cầu.

Phó chủ tịch Chính sách & Chiến lược của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) - Danny Alexander - nói rằng, ngân hàng sẽ dành nguồn lực để giảm thiểu biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và các dự án khác giúp giảm lượng khí thải carbon. Đồng thời, tổ chức cũng giúp chuẩn bị cho các quốc gia ở châu Á ứng phó tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Alexander nói tại COP26: “Để chương trình nghị sự này có hiệu quả, chúng tôi cần thực sự hiểu các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình ở châu Á và xa hơn nữa thực sự cần gì. Đó là về tài chính, năng lực và hiểu rằng những thách thức rất khác nhau ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Vẫn còn 146 triệu người ở châu Á không được sử dụng điện. Bạn phải hiểu các bối cảnh khác nhau và những tiếng nói đó cần phải được lắng nghe một cách mạnh mẽ".

Tấn Vĩ (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI