Các quốc gia có nên áp dụng chiến lược “xóa sổ COVID-19”?

10/08/2021 - 14:32

PNO - Nhiều chuyên gia đặt ra nghi vấn về hiệu quả của chiến lược “xóa sổ COVID-19” mà một số quốc gia đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc và Úc, từng sử dụng để phòng chống dịch thành công cách đây hơn một năm, nay được tái áp dụng để đối phó với những làn sóng lây nhiễm mới.

Theo chiến dịch “zero COVID-19”, tức đưa số ca nhiễm về bằng 0 hay “xóa sổ COVID-19”, nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương thường chọn cách đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài, áp đặt các biện pháp cách ly nghiêm ngặt đối với những người đến từ các vùng dịch, đồng thời thực hiện chính sách truy vết nhanh, khoanh vùng và xét nghiệm trên diện rộng khi phát hiện các ca nhiễm mới.

Điển hình trong các nước áp dụng thành công chiến lược nói trên là Trung Quốc và Úc. Chiến lược này đã phát huy tác dụng tốt cho đến khi biến thể Delta xuất hiện.

Một con phố yên tĩnh ở Melbourne trong đợt phong tỏa lần thứ sáu của thành phố vào ngày 6/8
Một con phố yên tĩnh ở Melbourne trong đợt phong tỏa lần thứ 6 của thành phố vào ngày 6/8

Tại bang New South Wales - tâm dịch hiện nay của Úc, nơi có thành phố nhộn nhịp Sydney - nhà chức trách cho biết nếu đạt tỷ lệ tiêm chủng 50% thì bang này sẽ xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Đây là một sự thay đổi lớn so với những nỗ lực trước đây của Úc nhằm đưa số ca nhiễm COVID-19 xuống bằng 0.

“Tôi cho rằng Trung Quốc và Úc đã đánh giá quá cao tính toàn vẹn biên giới của họ trong cuộc chiến chống COVID-19. Chiến lược này có tác dụng rất tốt đối với chủng đầu tiên của coronavirus, nhưng chưa chắc đã hiệu quả với các biến chủng có tốc độ lây nhiễm nhanh sau này”, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm Dale Fisher - Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - nhận định.

Nghiên cứu cho thấy, biến thể Delta có khả năng lây truyền với tốc độ nhanh như bệnh thủy đậu và cao hơn từ 60-200% so với chủng ban đầu được xác định lần đầu tiên ở Vũ Hán.

Khi Delta xuất hiện ở Úc, nó đã làm bộc lộ một lỗ hổng lớn trong chiến lược chống dịch COVID-19 ở nước này - đó là việc triển khai tiêm vắc xin diễn ra khá chậm. Tính đến ngày 9/8, chỉ mới có 17% dân số 25 triệu người của Úc đã được tiêm ngừa đầy đủ - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 58% của Anh hay 50% của Mỹ - nghĩa là có rất ít khả năng miễn dịch trong cộng đồng để ngăn chặn sự lây lan của Delta.

Tại Trung Quốc, mới đây, nhà chức trách đã kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải nội địa và xét nghiệm hàng loạt sau khi phát hiện hơn 300 ca nhiễm mới tại hơn 20 thành phố.

Một khu phố ở Thượng Hải được phong tỏa sau khi phát hiện người dương tính với COVID-19 ở đây
Một khu phố ở Thượng Hải được phong tỏa sau khi phát hiện người nhiễm COVID-19 

Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm Ben Cowling - Đại học Hồng Kông - cho rằng, cách làm quen thuộc này sẽ sớm đưa cuộc sống ở Trung Quốc bình thường trở lại, nhưng “đây chưa phải là chiến lược hay nhất trong thời điểm hiện nay, và Trung Quốc sẽ có nguy cơ đối mặt với nhiều đợt bùng phát hơn trong những tháng tới”.

“Chiến lược "xóa sổ COVID-19" rõ ràng đã thành công ở một số nơi trên thế giới trong 18 tháng qua. Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ không có nước nào muốn áp dụng chiến lược này trong tương lai”, phó giáo sư Karen A. Grépin - Trường Y khoa công thuộc Đại học Hồng Kông - nhận định và cho rằng Trung Quốc nên đẩy mạnh tiêm ngừa bổ sung cho người dân để tăng khả năng miễn dịch cộng đồng.

Từ kinh nghiệm của Trung Quốc và Úc, các chuyên gia cũng cho rằng dù có áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt thì các nước cũng khó có thể loại bỏ hoàn toàn các biến thể nguy hiểm như Delta hoặc một biến thể khác.

“Cần phải cấp bách tiêm ngừa khi một quốc gia không có COVID-19, bởi vì trước sau gì thì quốc gia đó cũng có khả năng có ca nhiễm, vấn đề chỉ là thời gian. Các biện pháp ứng phó như phong tỏa hay xét nghiệm hàng loạt chỉ có tác dụng tức thời, nhưng lại gây ra nhiều tác động kinh tế và xã hội”, giáo sư Fisher giải thích.

“Mọi quốc gia cũng nên hình dung như lãnh thổ của mình đang có ca nhiễm và khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp tự bảo vệ như đeo khẩu trang trong các không gian kín và hạn chế tụ tập, như một cách sống chung lâu dài với đại dịch”, giáo sư Fisher cũng khuyến nghị.

Nhất Nguyên (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI