Các quốc đảo Nam Thái Bình Dương trước 'miếng bánh' từ Trung Quốc

09/08/2019 - 14:00

PNO - Trong vòng 10 năm trở lại đây, nguồn đầu tư từ Trung Quốc liên tục đổ vào các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương, đưa Bắc Kinh trở thành “chủ nợ” lớn nhất trong khu vực,

Trong vòng 10 năm trở lại đây, nguồn đầu tư từ Trung Quốc liên tục đổ vào các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương, đưa Bắc Kinh từ một quốc gia xa xôi trở thành “chủ nợ” lớn nhất trong khu vực, với những ưu thế mà nhiều quốc gia khác khó bắt kịp.

Cac quoc dao Nam Thai Binh Duong truoc 'mieng banh' tu Trung Quoc
Dù nhỏ bé, các quốc đảo Nam Thái Bình Dương chiếm vị trí chiến lược quan trọng và có tiếng nói bình đẳng tại nhiều tổ chức quốc tế

Vào buổi sáng sớm, mức thủy triều thấp trên đảo Savai’i của Samoa để lộ ra những tàn tích từ đường băng cũ của Mỹ từ Thế chiến II, vỡ nát qua hàng thập niên bị xói mòn, lốc xoáy và sóng thần. Gần đó, khu vực Asau cũng có một bến tàu bê tông được xây dựng từ những năm 1960. Nơi đây hiện đang được xem xét để trở thành cảng mới, do Trung Quốc phát triển. Theo nhà lãnh đạo Samoa - Masoe Serota Tufaga, việc Trung Quốc đề xuất xây dựng cơ sở có thể biến thành tài sản quân sự của mình là điều mà Mỹ và các đồng minh vốn thống trị vùng biển Nam Thái Bình Dương từ năm 1945 phải lo lắng.

Ngồi tại đồn điền dừa và ca-cao trên những ngọn đồi gần khu vực cảng, Tufaga nói, ông sẽ tuân thủ bất kỳ thỏa thuận nào của chính phủ đối với Bắc Kinh, mặc dù chính bản thân ông cũng lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, không chỉ trên đất nước mình.

Mỹ và các đồng minh, bao gồm Nhật Bản, Úc, New Zealand đang tích cực mở rộng hoạt động ngoại giao ở Thái Bình Dương nhằm chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc đảo nhỏ bé, đồng thời cảnh báo các quốc đảo về “miếng mồi” mà Bắc Kinh đưa ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết hôm 4/8: “Trung Quốc đang sử dụng “bẫy kinh tế” để gây bất ổn cho Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mỹ đang thảo luận với các đối tác để giải quyết nhu cầu an ninh cấp bách của khu vực”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bình luận gì về nhận xét trên, nhưng Trung Quốc từng nói rằng, sự hỗ trợ của họ được hoan nghênh ở Thái Bình Dương và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định tại một diễn đàn khu vực năm 2018 rằng, các hoạt động cho vay của Bắc Kinh không phải là “bẫy”.

Dù rất nhỏ bé so với khối đất liền, các quốc đảo Nam Thái Bình Dương kiểm soát những vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên, nối giữa châu Mỹ và châu Á. Trong Thế chiến II, các lực lượng Mỹ và đồng minh đã giành thắng lợi quan trọng trước quân đội đế quốc Nhật Bản tại Nam Thái Bình Dương, giúp xoay chuyển cục diện cuộc chiến. Mỗi quốc gia ở Nam Thái Bình Dương cũng giữ một phiếu bầu bình đẳng tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc. Nghĩa là nếu “nắm thóp” được nhiều quốc gia nhỏ, cơ hội để ý chí của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế trở thành hiện thực sẽ lớn hơn.

Sự phát triển của Trung Quốc tại Asau hoặc một cảng do Bắc Kinh tài trợ tại Vaiusu - địa điểm tiềm năng thứ hai, có nguy cơ dẫn đến một cuộc cạnh tranh ở khu vực đại dương lớn nhất thế giới. Nhật Bản vừa đầu tư hàng tỷ yên để mở rộng cảng thương mại Matautu tại Samoa, nối liền với khu công nghiệp. Isao Kishi - Tham tán kiêm Phó trưởng phái đoàn Đại sứ quán Nhật Bản ở Samoa - cho biết: Nhật Bản đã liên tục đầu tư vào khu vực Nam Thái Bình Dương và mở rộng cảng, nhằm mục đích cải thiện hòa bình và ổn định.

Nếu Mỹ và các đồng minh giành được quyền kiểm soát khu vực Nam Thái Bình Dương trong nửa sau thế kỷ XX thì ở phía ngược lại, Trung Quốc cũng có mối quan hệ lâu dài với nhiều hòn đảo. Theo dữ liệu điều tra dân số, khoảng 1/6 cư dân của quốc đảo Samoa mang dòng máu Hoa. Thủ tướng Tuilaepa Sailele Malielegaoi là người ủng hộ Bắc Kinh mạnh mẽ. Ông nói, các quốc gia Nam Thái Bình Dương nên tự trách mình về các vấn đề nợ nần và mô tả những khoản cho vay từ Trung Quốc là “bảo trợ”.

Nhìn trên phạm vi rộng, “bẫy nợ” của Trung Quốc không chỉ chụp xuống các quốc đảo nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương. Nhờ nguồn tiền khổng lồ, Trung Quốc đang dần “thâu tóm” các nước thông qua việc trở thành chủ nợ của các chính phủ. Từ những khoản tài trợ, hỗ trợ đầu tư, dự án kinh doanh được thiết lập ở các quốc gia, tiếng nói của Trung Quốc đang ngày càng có sức ép lên nhiều nước, thậm chí là với những nước lớn (hoặc từng được xem là rất lớn) ở khắp các châu lục. Ở thế con nợ, nhiều nước đã phải thỏa hiệp với Trung Quốc, ủng hộ các tuyên bố của Trung Quốc và đó chính là lúc Trung Quốc nắm được thế giới. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI