Việc tập thở đúng cách đã nhận được rất nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong vài năm qua, bên cạnh đó những người tập yoga và các nhà sư Phật giáo đã chú ý đến việc thở từ rất lâu rồi.
Hơi thở của bạn có đang cần phải cải thiện hay không?
Làm thế nào để bạn biết liệu cơ chế thở của bạn có đang hoạt động hay không? Dina Ceniza, giám đốc của phòng khám The Breathe ở Auckland, cho biết những dấu hiệu nhận biết bao gồm: “Thở dài, ngáp và ho nhiều đều là những dấu hiệu thấy được của kỹ thuật thở kém”.
“Rất nhiều người đang thở bằng miệng nhưng họ không thực sự nhận thức được điều đó. Thở nhanh hoặc thở to cũng là những dấu hiệu nhận biết. Nếu bạn đang ở bên cạnh ai đó và bạn có thể nghe thấy tiếng thở của họ thì việc đó báo hiệu rằng đang có gì đó không ổn" - bà nói thêm.
Hiểu về tăng thông khí mãn tính
Hầu hết chúng ta khi sinh ra đều hít thở đúng cách, cho đến khoảng 3 tuổi. Khi bước vào tuổi đi học, chúng ta bắt đầu có những giai đoạn thở “thẳng đứng”. Chúng ta bắt đầu hít thở nông hơn ở phần ngực trên chứ không hít xuống bụng, đó là cách chúng ta được thiết kế để thở khi đối mặt với những tình huống căng thẳng.
Dina chia sẻ nguyên do có thể là từ bất cứ điều gì: bệnh tật, căng thẳng, không hấp thụ được thức ăn hoặc tai nạn. Tới khi các tác nhân gây căng thẳng biến mất thì hơi thở của bạn mới trở lại bình thường.
Dina nói: “Lúc đó bạn sẽ thở nhiều hơn trước một chút, nhưng thay đổi không thực sự đáng chú ý. Mức không khí cơ thể bạn cần nay đã nhích lên một chút. Sau đó, bạn phải đối phó với nhiều căng thẳng hơn và nhịp thở của bạn tăng lên và giờ mức không khí cần lại cao hơn trước.
Việc này có thể dễ dàng dẫn đến giai đoạn mà hầu hết cả ngày bạn sẽ thở ngắn và nông. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta già đi, ít vận động hơn và dành nhiều thời gian hơn trên mạng.
Phương pháp Buteyko
Chính Dina là một ví dụ điển hình của một người đã thay đổi cuộc sống nhờ thở tốt hơn. Năm 2012, cô mắc bệnh hen suyễn nặng. Tháng nào cô cũng bị nhiễm trùng ngực và phải dùng thuốc kháng sinh liên tục. Cô chia sẻ: “Tôi lê bước như một bà già, đầy lo lắng và khó thở. Tôi đã sử dụng liều tối đa của tất cả các loại thuốc hít, sử dụng thuốc xịt mũi và thuốc kháng histamin. Tôi đã nghĩ, tôi thậm chí còn chưa đến 50, liệu sức khỏe có còn xuống dốc từ bây giờ trở đi không?”.
Một bác sĩ đa khoa đã đề nghị cô thử phương pháp Buteyko, một kỹ thuật thở được phát triển lần đầu tiên ở Nga vào những năm 1950 bởi Giáo sư Konstantin Buteyko.
Cô cười nói: “Việc này đã rất có tác dụng. Trong tuần đầu tiên tập luyện, tôi đã không cần ba trong số bốn loại thuốc của mình. Và sau vài tháng với sự hướng dẫn của bác sĩ, tôi đã không còn phải dùng cả thuốc cắt hen suyễn”.
Chia sẻ kiến thức
Tại phòng khám của Dina, cô xác định thói quen thở của bệnh nhân bằng cách sử dụng thán đồ, một dụng cụ đo nồng độ carbon dioxide trong không khí thở ra. Sau đó, cô sẽ cung cấp các buổi huấn luyện và hội thảo để phục hồi chức năng thở.
Cô nói rằng bạn không bao giờ quá già - hoặc quá trẻ - để cải thiện hơi thở của mình.
Làm thế nào để kiểm soát
Thở là một trong những hành động duy nhất chúng ta làm dưới sự kiểm soát cả có ý thức và vô thức trong hệ thống thần kinh tự trị của chúng ta. Vì thế nó là cửa ngõ vào hệ thống thần kinh của chúng ta.
Nhà vật lý trị liệu và huấn luyện viên hô hấp Emma Ferris cho biết: “Nhiều người trong chúng ta không biết rằng kiểu thở của mình có thể khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi hoặc khiến chúng ta cảm thấy an toàn, bình tĩnh và được che chở. Thay đổi thói quen thở của chúng ta có tác động rất lớn đến nhiều cơ quan trong cơ thể, cải thiện giấc ngủ và tiêu hóa, giảm đau và cải thiện tình trạng thường mệt mỏi”.
Cô cũng tổ chức khóa học online tên là “Hiệu ứng hơi thở, phương pháp giữ bình tĩnh cho người phụ nữ bận rộn” thường yêu cầu các thành viên thực hiện công việc hít thở theo cách phù hợp với thời khóa biểu của họ trong thời gian 30 ngày.
Cộng đồng trực tuyến của lớp học này tập trung vào việc thay đổi cách cơ thể phản ứng với căng thẳng để có thể cảm thấy an toàn. Đồng thời, cho mọi người thấy rằng bất kể chúng ta có đang trải qua điều gì trong cuộc sống bạn chỉ cần đứng dậy và thở chậm rãi để vượt qua mọi thứ.
Trang bị cho mình những công cụ giúp bạn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống
Emma cũng chia sẻ kỹ năng nín thở, giúp tăng khả năng chịu đựng carbon dioxide theo thời gian để giúp giảm cảm giác lo lắng và khó thở. Một kỹ thuật khác là thở bằng nến (vào bằng mũi và từ từ thở ra bằng đôi môi mím chặt), để tránh thở bằng ngực, đưa nồng độ CO2 trở lại bình thường và cũng làm mềm dây thanh quản của bạn – một kỹ năng hữu ích cho cả những người cần thuyết trình kinh doanh hoặc phải phát biểu trước đám đông.
Mặc dù phụ nữ có thể khó tập trung vào bản thân vì họ thường phải bận rộn chăm sóc gia đình, nhưng thông điệp chung từ khóa học của Emma là chúng ta phải chú tâm tới sức khỏe của chính mình trước rồi mới có thể giúp đỡ người khác.
Minh Chi