Phóng viên: Vài năm nay, số lượng phòng tranh có tăng nhưng cũng không ít nơi đã đóng cửa. Thị trường hiện nay đang thế nào, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Lý Đợi: Khoảng 10 năm trở lại, gallery mỹ thuật tăng về số lượng và cả chất lượng. Đã xuất hiện nhiều gallery được điều hành bởi những gia đình có tiềm lực tài chính và nhân sự trẻ có đi học bài bản. Đây là điều mà trước nay ít có. Nhưng do thị trường tác động, các gallery đang đối mặt muôn vàn khó khăn. Số gallery có thể sống, thu hồi vốn hoặc tái đầu tư bằng việc bán tranh và tổ chức sự kiện rất ít. Cả nước đang chỉ có khoảng 20 gallery chuyên nghiệp, trong đó có 5-7 nơi hoạt động hiệu quả, có thể chi phối thị trường. Đương nhiên, tôi không tính đến những phòng tranh bán cho khách du lịch, các nơi sao chép tranh.
|
Nhà nghiên cứu Lý Đợi cùng nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu tại triển lãm Nghe kể chuyện làng mình - Ảnh từ Facebook nhân vật |
* Vì sao các phòng tranh lại lâm vào thế khó như vậy?
- Cái khó đến từ 2 thực tế. Nếu là nhà sưu tập chuyên nghiệp, bạn nên mua tranh ở gallery để đảm bảo tranh thật, có thể xuất hóa đơn và đáp ứng các yêu cầu khác; nhưng bây giờ, người chơi tranh đã dần ít đến gallery để mua. Nếu có nhu cầu, họ sẽ lên Facebook nhắn tin trực tiếp hay đến thẳng nhà họa sĩ, không cần qua trung gian. Ngoài ra, các họa sĩ, các nhà ký gửi cũng không có nhu cầu bán qua gallery vì họ chủ động tìm được nhà sưu tập. Đó là chưa kể, giá tranh mua trực tiếp sẽ hời hơn chút đỉnh so với mua tại gallery.
Hiện nay, gallery ở Việt Nam hoạt động cũng chưa đúng định nghĩa về gallery thứ cấp, đa số mới chỉ là gallery sơ cấp, thuần bán tranh. Nếu là gallery thứ cấp, chuyên nghiệp thì khi một nhà sưu tập mua tranh từ gallery và sau đó có nhu cầu bán thì gallery đó phải có nhiệm vụ mua lại. Gallery tại Việt Nam chỉ đang mua đi bán lại, hoạt động không khác người môi giới là mấy. Đáng tiếc còn có hiện tượng tranh giả, nhái ngay tại các gallery dỏm. Một gallery chuyên nghiệp phải có trách nhiệm với tác phẩm và với nhà sưu tập. Thậm chí gallery phải tham gia vào quá trình làm trong sạch thị trường, giáo dục công chúng hay gọi rộng hơn là trách nhiệm cộng đồng.
* Các phòng tranh phải làm gì để có thể phát triển?
- Thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng 2.000 nhà sưu tập. Số lượng họa sĩ sống được nhờ bán tranh ngày càng nhiều. Với thị trường tiềm năng như vậy, cơ hội cho gallery rất lớn; nhưng để đi được đường dài, không phải đơn vị nào cũng làm được. Với đòi hỏi hiện tại của thị trường, gallery buộc phải có tiềm lực mạnh về kinh tế và trình độ người làm trong lĩnh vực phải được nâng cao hơn. Ngoài 2 yêu cầu này, gallery còn phải là một tổ chức nghệ thuật có “tinh thần văn nghệ”. Hiểu đúng tinh thần thì đó là cái tình, sự vui vẻ, biết kính trên nhường dưới trong giới hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung. Ví như một sự kiện triển lãm có danh họa Kim Bạch gần 90 tuổi đến tham dự nhưng các bạn trẻ không biết là ai để chào hỏi, ứng xử cho phù hợp. Sự thờ ơ, thiếu sự niềm nở cũng khiến các gallery phải đóng cửa.
* Nghĩa là bên cạnh các yếu tố buộc phải có như tài chính, kiến thức, các gallery mỹ thuật cần có những chuyên gia trong lĩnh vực để làm cầu nối?
- Thực tế đáng buồn là lực lượng này tại Việt Nam không nhiều. Trong 7 trụ cột của thị trường nghệ thuật gồm người sáng tạo, gallery, nhà sưu tập, đội ngũ truyền thông nói chung, đơn vị bảo hiểm, tài chính, đầu tư mạo hiểm thì ở trụ cột thứ tư, chúng ta rất thiếu. Trong thành tố truyền thông, chúng ta không có các nhà phê bình, chuyên gia đúng nghĩa. Chúng ta đang có những cá nhân kiêm nhiệm nhiều vai trò. Nếu các gallery phải chi tiền mời chuyên gia, tôi nghĩ họ chưa sẵn sàng và thực trạng thiếu nhân sự giỏi cũng là trở ngại lớn.
|
Công chúng xem triển lãm Gặp gỡ mùa thu tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM - ẢNH: DIỄM MI |
* Nhiều nhà đấu giá lớn trên thế giới đã đến Việt Nam, nhưng những “cái bắt tay” hợp tác lại chưa nhiều. Vì sao vậy thưa ông?
- Các gallery chuyên nghiệp sẽ bắt được những nhịp cầu quốc tế mà bất cứ thị trường mỹ thuật nào cũng mong muốn. Ví như họa sĩ muốn đem tranh ra quốc tế triển lãm, tự họ không thể làm nổi mà phải thông qua gallery. Gallery đó phải có người giỏi ngoại ngữ, biết cách thức xin các giấy phép chuyên dụng, có tài khoản ở nước ngoài để vay tiền tổ chức sự kiện hay chuyển tiền về sau khi bán được tranh...
Quốc tế đến Việt Nam là một phạm trù hoàn toàn khác. Cho đến nay, 10 nhà đấu giá lớn đều đến Việt Nam khảo sát, có đặt vấn đề, nhưng chưa thể mở một cuộc đấu giá đúng nghĩa. Cơ chế của Việt Nam chưa sẵn sàng cho một hoạt động đấu giá quốc tế như vậy. Việc một đơn vị chuyển 5 triệu USD đến Việt Nam làm triển lãm và tổ chức đấu giá, sau đó rút 5 triệu USD đi là câu chuyện tài chính phức tạp, cần phải thông qua nhiều khâu. Gallery là mắt xích rất quan trọng, nhưng trong câu chuyện này, vẫn chưa thể có lời giải nếu chưa có cơ chế.
Theo tôi, để gallery tại TPHCM hay Việt Nam hoạt động đúng chức năng, vai trò là câu chuyện còn xa, cần hội đủ nhiều yếu tố. Trước mắt, sẽ là tín hiệu đáng mừng nếu số gallery chất lượng trong nước ngày tăng lên, đủ “chăm sóc” được 2.000 nhà sưu tập trong nước. Sau đó, gallery làm được nhiệm vụ vươn ra quốc tế như các nước trong khu vực thì khi đó, thị trường mỹ thuật mới đủ mạnh, mới có thể trở thành 1 trong 8 lĩnh vực công nghiệp văn hóa mà TPHCM xác định phát triển từ nay đến năm 2030.
* Xin cảm ơn ông.
Diễm Mi (thực hiện)