Các ông bố trải nghiệm làm… mẹ

31/10/2014 - 16:48

PNO - PN - Với các gia đình Việt Nam, việc chăm con thường được mặc định cho người mẹ, nên bản thân các ông bố không nhận ra tính nhiêu khê của việc chăm sóc đó.

edf40wrjww2tblPage:Content

Các ông bố của giới showbiz lại càng không hiểu, vì tính đặc thù của công việc, chương trình truyền hình thực tế Bố ơi! Mình đi đâu thế? với bốn cặp bố con là diễn viên Trần Lực - Trần Tú (Bờm), MC Phan Anh - Bảo Anh (bé Bo), ca sĩ Hoàng Bách - Hoàng Minh (Tê giác), nhạc sĩ Minh Khang - Gia An (Suti) là hành trình mới mẻ, là bài học không chỉ cho các bé con mà còn cho chính các ông bố.

Cac ong bo trai nghiem lam… me

Đạo diễn - NSƯT Trần Lực: Các con mới là… sếp của tôi!

Sở hữu gương mặt điển trai từng làm lung lay trái tim hàng triệu khán giả một thời, không chỉ là diễn viên tài năng, Trần Lực còn rất mát tay với vai trò đạo diễn. Lùi vào hậu trường bởi sự bận rộn với các con nhỏ cũng như vai trò giám đốc một hãng phim tư nhân suốt một thời gian dài, đạo diễn của Chuyện nhà Mộc, Tết này ai đến xông nhà vừa tái xuất khán giả truyền hình, với vai trò khá lạ: tham gia một show truyền hình ăn khách phát trên sóng VTV3 vào 12g trưa thứ bảy, từ 1/11, Bố ơi! mình đi đâu thế?. Trải nghiệm trong show này đã khiến ông bố nổi tiếng nhận ra những cảm xúc mà trước đây mình chưa từng cảm nhận được…

* Điều gì đã khiến Trần Lực nhận lời tham gia chương trình này? Nhiều gia đình không muốn đưa con lên truyền hình, anh có băn khoăn gì không?

- Thứ nhất tôi là một ông bố. Tôi không phải là Trần Lực, không phải là gì đối với con tôi, chúng nó mới là… sếp của tôi. Tôi ở vai trò một ông bố vừa đưa con đi chơi chứ không suy nghĩ gì. Nhiều người kỹ tính muốn giấu hình ảnh của con nhưng với tôi thì không. Đây là một trải nghiệm mà tôi và con cần trải qua.

* Anh thấy đó là một trải nghiệm tuyệt vời?

- Tuyệt vời. Cậu bé tự tin hơn khi bước vào lớp 1. Trước đây, ở nhà sống trong nhung lụa, được sự bao bọc của cha mẹ và người thân, nhưng trong chương trình có ngã lăn ra cũng phải tự đứng dậy. Nhóc Bờm (Trần Tú) của tôi là một cậu bé rất nhiều chuyện, hay tán phét… nên nó khiến nhiều bạn bè rất mê.

* Ở Bố ơi! Mình đi đâu thế?, ông bố và các con không được sử dụng điện thoại, internet… Mà trong xã hội hiện đại, cảm giác như những phương tiện đó không thể thiếu, hai bố con anh trải qua những ngày đó như thế nào?

- Không có những cái này, bọn chúng chơi còn vui hơn nhiều. Bốn đứa trẻ buổi đầu lạ hoắc, khá là hằm hè, thế nhưng chỉ sau 30 giây, chúng đã quen nhau ngay. Đặc biệt khi về quê thậm chí điện còn không có, cơm bọn tôi nấu chán nhưng chúng vẫn ăn ngon miệng, ăn xong rồi lăn ra ngủ. Các ông bố cũng vậy, tâm sự với nhau về công việc, cuộc sống… Tôi thấy thiếu những thứ đó hình như cuộc sống còn hay hơn, ý nghĩa hơn.

Cac ong bo trai nghiem lam… me
Trần Lực và bé Bờm

* Người ta nói cha già con cọc, anh đã khá nhiều tuổi nhưng vẫn phải chăm con như thế, có lúc nào anh cảm thấy vất vả, khó khăn?

- Không phải chỉ trong chương trình này, trong cuộc sống hàng ngày cũng thế thôi, tôi luôn muốn tạo một không khí vui vẻ trong gia đình bằng cách chơi với các con. Đôi khi phải đặt mình vào vị trí của chúng. Nguyên tắc muốn chơi được với trẻ con là mình phải trẻ ra, cho nên với tôi, khoảng cách tuổi tác không có gì là cản trở cả. Những ông bố nhiều tuổi được trải nghiệm nhiều trong cuộc sống nên chuyện phải chăm con không vất vả, chỉ đơn giản là có những việc người bố không thể làm thay các bà mẹ thôi. Tuy nhiên, trong chương trình toàn các ông bố, mọi người sẽ thấy ông nào cũng vụng về hết thôi. Nói tóm lại là cứ yêu thương các con thì tuổi tác chẳng là gì…

* Xem ra anh có vẻ rất cưng chiều con cái?

- Tôi nghĩ ông bố nào cũng chiều con nhưng mỗi người một cách. Đối với tôi, con cái là tất cả, là cuộc sống của tôi nên chuyện chiều và yêu con là tất nhiên. Tôi có “tổng động viên” là bốn đứa. Cậu cả đã hai mấy tuổi, cô hai tên là Bông (bảy tuổi), anh Bờm (sáu tuổi), cuối cùng là anh út (ba tuổi). Nhà tôi lúc nào cũng như nhà trẻ, các cháu san sát nhau nên suốt ngày đánh nhau. Đông con thì rất vui nhưng cũng rất mệt. Với mỗi đứa con, lại phải có cách xử trí riêng. Như với con gái thì phải nhẹ nhàng, tinh tế. Còn với cậu Bờm, có tính cách hồn nhiên, tồ tồ thì mình phải nghĩ cách khác để gần gũi. Tôi có những lúc mà lời ru chia ba, tay thì bế cậu út, cậu hai với cô ba mỗi người nằm trong một cái nôi, hai chân bố đẩy hai nôi rồi à ơi ru con ngủ…

* Những khoảng thời gian như thế không biết có nhiều không? Với ba đứa trẻ, một ngày anh dành cho chúng bao nhiêu tiếng?

- Rất nhiều, vì làm sao một mình vợ tôi trông được, kể cả có người đến hỗ trợ cũng vậy thôi. Trẻ con khôn lắm, bố mẹ với chúng là trên hết. Như lũ trẻ nhà tôi, chúng nhất định không chịu để bác giúp việc ru ngủ, bao giờ cũng phải là bố. Hàng ngày, bình thường buổi sáng chúng tôi đánh thức các con dậy, cho chúng đánh răng, rửa mặt rồi đưa ra bến xe, bắt xe đi học. Sau đó, quay về nhà, đưa cậu út tới nhà trẻ. Buổi chiều, khoảng từ 17g là ba đứa về nhà. Mệt nhất là khoảng thời gian từ chiều đến tối. Bọn trẻ nhà tôi sống tình cảm lắm, về gặp nhau là đùa, nhiều khi đùa quá thành đánh nhau.

* Nhiều gia đình phàn nàn trẻ bây giờ thiếu kỹ năng sống. Anh có nghĩ bố mẹ nên ở gần con để dạy kỹ năng cho chúng, thay vì gửi con đến các trung tâm?

- Theo tôi, bố mẹ dạy là tốt nhất, chẳng gì bằng bố mẹ cả. Tôi phản đối chuyện đưa con đến trung tâm. Mặc dù người ta cũng yêu con đấy, nhưng người ta vẫn đưa công việc hay một lý do nào đấy lên hàng đầu. Với tôi, con cái là số một, nhưng tôi cũng để chúng tự lập mọi thứ, ngã tự dậy, đói tự ăn chứ không ép. Ép chúng nó quá thì cái gì cũng chậm, nhiều khi cả bố mẹ ở nhà mà 12g đêm mới được ngủ, nhưng riêng tôi ở nhà với ba đứa trẻ có khi 21g đã lên giường.

* Có bao giờ anh chị dũng cảm bỏ để con ở nhà rồi đi đâu đó vài ngày?

- Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ.

* Nhưng anh còn phải có thời gian “xông pha” kiếm tiền để nuôi gia đình?

- Đấy là chuyện bình thường. Mình sống cả đời, làm cả đời. Với mình làm việc chính là để nuôi các con. Với mình con là trên hết, không gì có thể đánh đổi được.

* Đó có phải lý do mà mấy năm nay anh ít làm phim không?

- Đó cũng là một lý do. Thực ra bây giờ công việc của tôi đã khác ngày xưa. Ngày trước tôi là nghệ sĩ, ai mời đóng phim thấy vai hay thì đóng. Nhưng từ khi có hãng phim tư nhân, tôi tập trung vào đấy rất nhiều, bên cạnh là ba đứa con nhỏ. Bây giờ tôi có thể sắp xếp thời gian đi được, nhưng đi lại nhớ các con lắm. Ngày xưa, tôi đi đóng phim có khi mấy tháng mới về. Lúc đấy là có cậu cả, mỗi lần về thấy con lớn hẳn ra, nhìn con mà ứa nước mắt vì khoảng thời gian nó trưởng thành, mình không chứng kiến được.

Chính vì cậu con cả bị thiệt thòi như thế nên với những đứa bé sau này tôi muốn dành thời gian cho con. Thật ra tôi rất bận. Khi bắt đầu tham gia chương trình "Bố ơi! Mình đi đâu thế?", bộ phim Đại ca U70 của hãng phim đang trong giai đoạn hậu kỳ - một giai đoạn cực kỳ quan trọng. Đáng lẽ tôi phải ngồi cùng đội âm thanh, hòa âm, dựng phim để kiểm soát cho sản phẩm thật tốt trước khi ra mắt công chúng. Nhưng vì "ông" con, tôi lại phải làm việc với ông đạo diễn và đành phải để mọi người ở nhà làm khi tham gia chương trình không được mang theo điện thoại. Thế nhưng, tôi phải đi để con tôi được trải nghiệm, được tiếp xúc với bên ngoài.

* Khá lâu không làm phim nào, một diễn viên nổi tiếng như anh có thấy nhớ?

- Nó cũng bão hòa dần. Bây giờ cuộc sống có nhiều việc. Và quan trọng là đi xa nhớ các con nên tôi không muốn đi. Hiện tại tôi đã chuẩn bị cho một bộ phim truyền hình 30 tập, kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết Gánh hàng hoa của nhà văn Khái Hưng. Đạo diễn Hà Sơn sẽ đảm nhận phim này. Bên cạnh đó tôi cũng có dự án về phim chiếu rạp, dự án này mới bắt đầu thôi nên nói trước bước không qua, để khi nào hòm hòm sẽ giới thiệu đến khán giả.

DUNG NHI (thực hiện)

Ca sĩ Hoàng Bách: Luôn cố gắng nhưng sao chăm con bằng vợ được!

Cac ong bo trai nghiem lam… me

Ban đầu khi nhận được lời mời của chương trình, tôi đã từ chối ngay vì không muốn mang con mình vào truyền hình thực tế, sợ ảnh hưởng đến bé Hoàng Minh (tên ở nhà là Tê giác, bảy tuổi). Nhưng, bà xã đã thuyết phục tôi tham gia. Bản thân tôi không tiết lộ trước với bé điều gì mà chỉ thông báo với bé rằng hai cha con sẽ đi du lịch và đặt ra một số yêu cầu với bé. Tê giác rất phấn khích vì lần đầu đi chơi mà chỉ có hai cha con.

Chương trình được quay rải rác trong ba tháng, mỗi lần quay khoảng hai - ba ngày. Tôi làm nghề mười mấy năm rồi nhưng lần đầu tiên được tham gia một chương trình bổ ích, hấp dẫn đến vậy. Ban đầu cũng có nhiều khó khăn lắm, chẳng hạn mình đang quen sống trong môi trường hiện đại, bỗng nhiên bị tước hết vật dụng liên hệ với thế giới bên ngoài, thậm chí bị thu luôn tiền bạc, quần áo, giấy tờ tùy thân để bắt đầu một cuộc sống mới. Con trai tôi rất khó chịu, thậm chí la làng khi bị tịch thu đồ chơi, Ipad… nhưng sau đó cũng quen dần và thậm chí bé đã chủ động mang rất ít đồ đi để có thể hòa mình vào chương trình. Chính điều đó đã cho chúng tôi nhận thức được rằng, cuộc sống không phụ thuộc vào công nghệ hay vật chất thoải mái nhường nào. Sau chương trình, nhận lại điện thoại và vật dụng, tôi cảm giác áp lực cuộc sống quay lại!

Lần đầu hai cha con đi riêng với nhau nên không thể tránh khỏi mâu thuẫn, dù trước đó tôi và con đã cùng có quy ước. Tuy nhiên, càng ngày chúng tôi càng hòa hợp, thay vì chỉ là sự ra lệnh, cãi vã như ban đầu. Hai cha con chia sẻ như những người bạn, những người đàn ông.

Đi xa và phải tự mình chăm sóc con trong mọi việc cũng là dịp để tôi hiểu hơn về vai trò của người mẹ - người vợ trong gia đình. Thật ra đây không phải lần đầu tôi ý thức về điều này, vì công việc hay đi xa nên tôi hiểu vợ tôi thực sự căng thẳng với bọn trẻ ở nhà. Tuy nhiên, khi tham gia "Bố ơi! Mình đi đâu thế?", tôi mới thực sự thấm thía sự vất vả của vợ. Chăm sóc con là việc làm cần bản lĩnh chứ không chỉ đơn giản là kỹ năng. Có bản lĩnh mới đủ bình tĩnh với con thay vì nổi nóng, mới không bị rối lên khi có nhiều việc phát sinh ngoài sự kiểm soát. Khó khăn nhưng nếu cố gắng thì đàn ông chúng tôi vẫn làm được chứ việc chăm sóc con không đơn thuần chỉ là chuyện của phụ nữ. Các ông bố cũng rất giỏi, tuy nhiên, có những việc mà chỉ phụ nữ mới làm hoàn hảo, còn đàn ông dẫu có cố cách mấy thì vẫn không sao bằng được.

 KHÁNH NGUYỄN (ghi)

Nhạc sĩ Minh Khang: Tôi ba lần rớt nước mắt cùng con

Cac ong bo trai nghiem lam… me

Đúng là tôi đã trải qua những cảm xúc mới mẻ và thật sự hiểu nhiều hơn vai trò làm cha khi tham gia chương trình "Bố ơi! Mình đi đâu thế?" cùng với con gái thứ hai. Thật ra, đầu tiên tôi nghĩ chương trình này quay trong nhiều tháng, mất quá nhiều thời gian, ảnh hưởng công việc, đồng thời lo lắng khi cho con tham gia những việc mà mình chưa ý thức hết những khó khăn có thể phát sinh. Nhưng, muốn rèn cho con có tính tự lập, tôi quyết định phải vượt qua thử thách đầu tiên về tâm lý này. Dù đã xác định như vậy, nhưng trên thực tế mọi thứ diễn tiến... quá khác với những gì tôi chuẩn bị, khiến tôi không ít lần muốn bỏ cuộc.

Ngay như chuyện vào bếp nấu ăn, thiệt tình là ở nhà tôi chưa hề làm lần nào, nên đã học cấp tốc trong ba ngày. Cứ tưởng chuyện này “nhỏ”, mình ắt sẽ làm “ngon ơ”, vậy rồi đứng trước cái bếp chỉ có hai cục đá và cái nồi chỏng chơ, tôi đã muốn... ngất ngư khi ráng nấu cho xong bữa cơm để hai cha con không bị đói. Thú thật, tôi đã ba lần rớt nước mắt khi vượt qua những thử thách cùng con. Tôi cố giấu điều này vì biết thế nào các máy quay cũng ghi lại (đàn ông vốn rất ngại bị... bộc lộ), nhưng những cảm xúc đến lúc ấy không thể nào kìm lại được. Nó đan xen nhiều thứ như sự tự hào, sung sướng, có cả thương và xót con nữa.

Tôi nhớ lúc con gái tôi bốc thăm trải nghiệm phải dọn chỗ ở ngoài chuồng bò, con bé khóc nức nở vì thấy hoàn cảnh của hai bố con lúc ấy so với mọi người cùng chơi là đáng thương nhất (cười). Tôi phải giải thích cho con hiểu rõ hoàn cảnh, những gì mình đang trải qua là điều mà nhiều người khác cũng đang sống và phải chấp nhận. Nhiều lần gia đình tôi đi làm từ thiện, có dẫn hai con đi để các bé hiểu và chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của người khác, nhưng đúng là chỉ có trải qua thực tế như thế thì con mới hiểu hết những gì mà mình thường cố nói với bé bằng lý thuyết.

Là một ông bố, tôi cũng như các đấng mày râu cùng trang lứa không xa lạ gì với cách nghĩ bây giờ bình đẳng giới, vai trò chăm sóc con không chỉ là của phụ nữ, đàn ông vẫn có những người làm rất tốt. Tuy nhiên, khi một mình đảm nhận điều này, tôi mới hay là không dễ chút nào, nhất là chăm sóc con gái mà không có mẹ ở bên.

Khi bé Suti... phải đi vệ sinh trong hoàn cảnh chỉ có một hố đất trong bụi rậm, hai tay bé níu thật chặt chân bố (khi tôi ngồi giữ), mà mặt mũi bé thì mếu máo, tôi bỗng thấy mình quả là một ông bố... hoàn hảo (cười). Hay trong một tập mà tôi bốc thăm vai trò ở nhà chăm sóc bốn đứa trẻ cho các ông bố khác ra biển đánh cá cả ngày trời, khỏi nói là tôi phải khốn khổ như thế nào khi chúng nghịch và quậy tưng khắp nơi. Những lúc ấy mới thấy đúng là “nhất vợ nhì trời”. Các ông bố nhìn cứ tưởng oách, có thể điều khiển được các con, nhưng bây giờ mới nhận ra rằng chính bọn trẻ mới là đạo diễn cho các ông bố và cho kịch bản chương trình.

CẨM LỆ (ghi)

MC Phan Anh: Những gì có được thật tuyệt vời

Cac ong bo trai nghiem lam… me

MC Phan Anh cho hay, khi ê kíp sản xuất mời tham gia "Bố ơi! Mình đi đâu thế?", anh không mặn mà lắm vì thấy mình và con gái không có nhiều điều hay để giúp chương trình hấp dẫn. Tuy nhiên MC này đã được các biên tập viên, đạo diễn của VFC thuyết phục. “Có thể họ nhìn thấy ở chúng tôi những nét riêng nào đó và sẽ mang tới cho khán giả những câu chuyện thú vị” - Phan Anh nói.

Ông bố của ba đứa con hé lộ thêm, anh đã trao đổi với vợ và con gái về việc tham gia chương trình nhưng ban đầu cô con gái kiên quyết không đồng ý, trong khi cậu em lại có vẻ rất thích thú. Dù vậy, cuối cùng thì Bảo Anh là người lên đường với bố để trải qua những thử thách hoàn toàn không thể ngờ tới. “Khi tham gia chương trình tôi chỉ nghĩ nó là một show truyền hình đơn giản như những show thực tế tôi từng xuất hiện. Thế nhưng vào cuộc mới thực sự ngỡ ngàng và phải dùng từ “khốc liệt” để miêu tả. Chăm sóc con trong những chuyến đi xa khiến tôi khá vất vì lóng ngóng, vụng về, tuy nhiên rốt cuộc mọi việc đều ổn” - Phan Anh chia sẻ. Anh tâm sự, những gì hai bố con có được sau hành trình thật sự là một món quà vô cùng quý giá mà anh có được.

Trước những băn khoăn liệu có sợ con sẽ bị ảnh hưởng khi tham gia show thực tế, Phan Anh chia sẻ: “Đó là điều tôi khá lo lắng và đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định cho cháu tham gia. Nhưng chúng tôi luôn nghĩ về những điều tích cực nhiều hơn, cái được từ chương trình, cho đến thời điểm này, tôi nhận thấy là vô giá và không dễ gì có được”.

 DUNG NHI (ghi)

Cac ong bo trai nghiem lam… me

Tâm trạng của các bà mẹ

Chị Thanh Thảo - vợ ca sĩ Hoàng Bách: Hai bố con đã hiểu nhau hơn

Tôi vốn là “fan” của chương trình Bố ơi! Mình đi đâu thế? phiên bản Hàn Quốc nên khi chương trình về Việt Nam, tôi đã khuyến khích hai bố con tham gia. Nhưng từ cảm giác háo hức, cổ vũ tôi dần chuyển sang… lo lắng. Ngày hai bố con lên đường ghi hình, tôi trông đứng trông ngồi, sốt ruột vì chương trình tịch thu hết điện thoại không cho liên lạc.

Anh Bách nấu ăn rất giỏi, tôi không lo lắng lắm về khoản chăm sóc con của anh, nhưng tôi không biết bé Tê giác có thích nghi được hay không, trong khi thử thách mỗi ngày một khó. Hai bố con - đều nóng tính như nhau - chưa từng ở bên cạnh nhau nhiều ngày mà không có mẹ chăm sóc. Điều kiện ăn ở cũng quá khắc nghiệt, tôi cứ lo hai bố con bỏ cuộc. Nhưng không ngờ là con trai rất hào hứng được trải nghiệm. Điều ý nghĩa nhất là sau chương trình, hai bố con đã hiểu nhau hơn.

Người mẫu Thúy Hạnh - vợ nhạc sĩ Minh Khang: Dạy “bí kíp” nấu ăn trong ba ngày

Trước khi đồng ý tham gia chương trình, chúng tôi đã bàn bạc với nhau rất kỹ xem hai bố con có đủ sức “lên đường” thử thách nhiều ngày mà không có mẹ hay không. Trước giờ, anh Khang chưa từng vào bếp. Tôi phải dành ra ba ngày dạy anh nấu ăn “cơ bản”, cách nêm nếm những món ăn phổ biến: canh, cá kho, thịt kho, trứng chiên…

Tôi không biết chương trình sẽ cung cấp những nguyên liệu gì nên chỉ hướng dẫn “tổng quát” chứ cũng không dám dạy những món “tủ” con gái thích. Tôi cũng phải làm công tác tư tưởng cho bé Suti (Lê Gia An, sáu tuổi), để bé phải hỗ trợ bố trong mọi hoàn cảnh, không được nhõng nhẽo. Biết là thử thách của chương trình không hề dễ dàng nhưng không ngờ có nhiều thử thách khiến bố Khang xót con, muốn… bỏ cuộc ngay sau đợt ghi hình đầu tiên. Sức khỏe của anh cũng không tốt như nhiều người nhưng bé thì cứ líu lo kể chuyện. Vậy là hai bố con lại lên đường! 

Chuyện bên lề 

Đòi không được, quay sang… phân bì

Để ghi hình, Ban tổ chức (BTC) bố trí đến 13 máy quay, bám sát từng bước chân của các cặp bố con. Ngày đầu tiên, khi các cặp bố con bị đánh thức từ 5g sáng và di chuyển từ nội thành TP.HCM đến H.Hóc Môn, đúng như format, khi bước vào cuộc chơi, tất cả các bé đều bị BTC tịch thu tất cả các đồ chơi, phương tiện máy móc, liên lạc. Đây chính là “khâu” gian nan đầu tiên mà các ông bố gặp phải khi bước vào chương trình, vì các cậu bé hết năn nỉ ỉ ôi, đến khóc lóc vật vã để đòi cho bằng được món đồ chơi của mình, không cho “người lạ” lấy đi. Tê giác - con trai ca sĩ Hoàng Bách, sau khi “bất lực” vì phải giao nộp tất cả đồ chơi, liền chỉ sang camera của nhân viên quay phim và hỏi: Tại sao tịch thu máy móc đồ chơi của con mà không tịch thu đồ chơi của chú ấy?

Không cho ở chuồng bò, không thèm ngủ

Khi đến ngôi làng ở H.Hóc Môn để trải nghiệm cuộc sống thôn quê đúng nghĩa, BTC đã bố trí sẵn bốn ngôi nhà trong làng cho bốn cặp bố con, nhưng cố ý tạo sự chênh lệch về tiện nghi của các nhà. Trong đó, có nhà thật mát mẻ, sang trọng, nhưng cũng có nhà rất dơ dáy và ở cạnh chuồng bò. Nếu như cặp bố con bốc thăm trúng ngôi nhà cạnh chuồng bò vất vả bao nhiêu để dọn dẹp ngôi nhà và ông bố phải khổ sở dỗ cho con cưng chịu ngủ, thì bé Bờm - con trai của diễn viên Trần Lực lại nằng nặc đòi cho được căn nhà ngay chuồng bò đó. BTC không thể chấp nhận đề nghị của cậu bé thích bò này.

“Phẫn uất”, bé Bờm suốt đêm không chịu ngủ mà cứ đi vòng vòng xung quanh, khiến các cameraman cũng bở hơi tai theo. Lại là cậu bé Bờm này, khi cắp rổ đi xin thức ăn của người dân quanh làng theo yêu cầu của BTC, đã làm đủ trò, từ múa đến hát. Cậu bé thích ăn thịt heo nên đến nhà nào cũng chỉ xin thịt heo mà không thèm xin thứ khác. Kết quả: rổ của cậu chỉ toàn... rau mà không có miếng thịt nào vì người dân không có thịt để cho.

VÕ HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI