|
Đoàn Việt Nam nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hiệp quốc (CLCS) - Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Chiều 18/7, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Việt Nam nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực giữa Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói:
Quan điểm của Việt Nam được nêu rõ trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc Việt Nam nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực giữa Biển Đông.
Để thể hiện thiện chí và tinh thần trách nhiệm của mình, Việt Nam đã thông báo với các nước liên quan về vấn đề này qua kênh ngoại giao. Các cuộc trao đổi đều diễn ra trong không khí chân thành, hữu nghị và thẳng thắn.
Các nước đều ghi nhận và tôn trọng quyền của Việt Nam về việc nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực giữa Biển Đông phù hợp với quy định Điều 76 của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng |
Bà Hằng cho biết, trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực giữa Biển Đông, Việt Nam khẳng định việc nộp Hồ sơ không ảnh hưởng đến việc phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia ven biển liên quan ở Biển Đông trên cơ sở UNCLOS.
Đồng thời khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và các quyền của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông được xác lập phù hợp với UNCLOS.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Việt Nam cam kết sẵn sàng giải quyết và kiểm soát các tranh chấp, bất đồng về chủ quyền lãnh thổ liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các tranh chấp về phân định biển giữa Việt Nam và các quốc gia ven biển liên quan ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, đồng thời cùng các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và phát triển bền vững ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”.
M.Tâm