Các nước ráo riết “chạy đua” sản xuất vắc-xin COVID-19

26/08/2020 - 09:00

PNO - Vắc xin SARS-CoV-2 hiện đang được nghiên cứu khắp thế giới, với kỳ vọng sẽ có loại tung ra thị trường trong thời gian kỷ lục nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Hơn 150 loại vắc-xin phòng vi-rút 

SARS-CoV-2 hiện đang được nghiên cứu khắp thế giới, với kỳ vọng sẽ có loại tung ra thị trường trong thời gian kỷ lục nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng toàn cầu. Nhiều nỗ lực đang được ráo riết tiến hành để giúp điều đó trở nên khả thi. 

Đáng kể là sáng kiến mang tên “Chiến dịch siêu thần tốc” (Warp Speed) của chính phủ Hoa Kỳ, cam kết chi 10 tỷ USD để đạt mục tiêu phát triển và cung cấp 300 triệu liều vắc-xin COVID-19 an toàn, hiệu quả vào tháng 1/2021. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng theo sát các nỗ lực phát triển vắc-xin toàn cầu, hướng tới cung cấp 2 tỷ liều vào cuối năm 2021.

Tình nguyện viên Melissa Harting (Harpersville, New York) đang được tiêm trong chương trình nghiên cứu vắc-xin COVID-19 do Công ty Moderna và Viện Y tế quốc gia phát triển - Ảnh: AP
Tình nguyện viên Melissa Harting (Harpersville, New York) đang được tiêm trong chương trình nghiên cứu vắc-xin COVID-19 do Công ty Moderna và Viện Y tế quốc gia phát triển - Ảnh: AP

Tám vắc-xin triển vọng đang ở giai đoạn ba

Về cơ bản, tất cả các loại vắc-xin ứng viên đều giống nhau về cơ chế “hướng dẫn” hệ miễn dịch cơ thể xây dựng hệ thống “phòng thủ” mạnh hơn để chống lại vi-rút lây nhiễm tự nhiên. Thông thường phải mất 10-15 năm để một vắc-xin mới có thể lưu hành chính thức. Vắc-xin buộc phải trải qua một quá trình thử nghiệm lâm sàng nhiều giai đoạn. Bắt đầu bằng cách kiểm tra tính an toàn và theo dõi hòng chắc chắn rằng chúng có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch trong một nhóm nhỏ người khỏe mạnh. Giai đoạn thứ hai mở rộng nhóm thử nghiệm, bao gồm các nhóm nhiều khả năng mắc bệnh hơn hòng đánh giá hiệu quả vắc-xin. Giai đoạn thứ ba mở rộng phạm vi lên đến hàng ngàn người để củng cố tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin. Giai đoạn này khá quan trọng vì đáp ứng miễn dịch có thể thay đổi tùy theo độ tuổi, chủng tộc hoặc tình trạng sức khỏe cơ bản. Sau các bước này, vắc-xin mới được chuyển đến cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt cho phép lưu hành trên thị trường.

Chưa hết, ngay sau khi được cấp phép, vắc-xin còn đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình sản xuất, bảo quản, phân phối và chi phí. Đó là chưa kể ngoài đáp ứng nhu cầu, vắc-xin còn được cân nhắc dùng cho quần thể nào trước. Chính vì vậy, nhiều vắc-xin còn phải xem xét ở “giai đoạn bốn”. Các nhà phát triển đang cố gắng “nén” quá trình đó đối với SARS-CoV-2 bằng cách chạy đồng thời các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng hứa sẽ ưu tiên phê duyệt trong thời gian ngắn nhất có thể.

Bắt buộc mọi người tiêm vắc-xin 

Theo các chuyên gia, trong tương lai khi có vắc-xin COVID-19, nhiều khả năng mọi người dân đều buộc phải chủng ngừa nếu muốn đến cơ quan, tham dự sự kiện thể thao, hớt tóc, gội đầu, sử dụng phương tiện giao thông công cộng hay thậm chí có được một chỗ ngồi tại nhà hàng. Và chắc chắn để được nhập cảnh, mỗi người cũng sẽ cần giấy chứng nhận đã được tiêm vắc-xin.

Ủy ban Cố vấn thực hành tiêm chủng (ACIP, Hoa Kỳ) đưa ra khuyến nghị phải tiêm vắc-xin COVID-19 cho cả trẻ em lẫn người lớn. Một số chuyên gia cho rằng khi vắc-xin COVID-19 được lưu hành, các bang sẽ yêu cầu ngành công nghiệp nhắm mục tiêu tiêm cho người lao động, đặc biệt là đối tượng “công nhân thiết yếu”. 

Ngay cả công chúng cũng có thể được khuyến khích đi tiêm chủng. Cũng giống như hiện nay, tất cả hành khách phải xuất trình giấy kiểm tra COVID-19 âm tính để lên các chuyến bay. 

Hiện có 8 loại vắc-xin được đánh giá triển vọng cao đang ở giai đoạn ba. Hoa Kỳ có 2 “ứng viên” là mRNA-1273 do Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Massachusetts) phối hợp với Viện Y tế quốc gia phát triển và vắc-xin BNT162b2 do Công ty Dược phẩm Pfizer (New York) phối hợp với Công ty Công nghệ sinh học BioNTech của Đức. 
Anh quốc có ChAdOx1 nCoV-19 
do Đại học Oxford phối hợp với Công ty Dược phẩm sinh học AstraZeneca. 
Trung Quốc có 3 “ứng viên”, gồm CoronaVac do Công ty Dược phẩm sinh học Sinovac phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Butantan của Brazil; vắc-xin 
Ad5-nCoV do Công ty Dược phẩm sinh học CanSino phát triển và một vắc-xin chưa đặt tên do Công ty Dược phẩm quốc doanh Sinopharm phối hợp với Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán. 
Úc có Bacillus Calmette-Guerin BRACE do Viện Nghiên cứu sức khỏe nhi đồng Murdoch phối hợp với Đại học Melbourne.
Vắc-xin “đình đám” Sputnik V của Nga do Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh quốc gia Gamaleya phát triển, được Nga cho phép sử dụng rộng rãi và tuyên bố đây là vắc-xin COVID-19 được cấp đăng ký lưu hành đầu tiên trên thị trường. Tuy nhiên, WHO liệt kê Sputnik V chỉ đang thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn một.

Nam Anh (theo National Geographic)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI