Các nước nghèo nhất thế giới chưa tiêm một liều vắc-xin nào cho người dân

16/03/2021 - 11:56

PNO - Theo số liệu của Liên minh Tiêm chủng Nhân dân (PVA), tính đến đầu tháng Ba, ít nhất 47 quốc gia nghèo nhất thế giới chưa tiến hành tiêm bất kỳ mũi vắc-xin COVID-19 nào cho người dân trong nước. Các nước nghèo tiếp tục bị bỏ rơi lại phía sau trong khi các nước giàu không ngừng đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng toàn quốc.

Công ty giao nhận dược phẩm Zipline bắt đầu phân phối những liều vắc-xin đầu tiên của COVAX ở Ghana bằng máy bay không người lái - Ảnh: Zipline
Công ty giao nhận dược phẩm Zipline bắt đầu phân phối những liều vắc-xin đầu tiên của COVAX ở Ghana bằng máy bay không người lái - Ảnh: Zipline

Theo Liên minh Vắc-xin Nhân dân (PVA) - một tổ chức vận động bao gồm Oxfam, Liên minh Công đoàn Quốc tế và ActionAid - các nước giàu trung bình mỗi giây tiêm vắc-xin COVID-19 cho một người trong suốt tháng 1 và tháng 2, trong khi phần lớn các nước nghèo nhất thế giới vẫn chưa thể tiến hành tiêm chủng cho người dân trong nước. Ngoài ra, các nước nghèo cũng phải đối mặt với "tình trạng thiếu nghiêm trọng" oxy và các nguồn cung cấp y tế để đối phó với căn bệnh COVID-19.

Vắc-xin đổ về các nước giàu

Để ngăn các nước giàu “chiếm đoạt” một lượng vắc-xin quan trọng, các nhóm vận động, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã khởi động chương trình COVAX từ tháng 4/2020. Mục tiêu của COVAX là các quốc gia đăng ký để tiếp cận một tỷ lệ ngang nhau sản phẩm của các hãng dược có vắc-xin thành công, nói cách khác là các nước giàu và các nước nghèo cùng chia sẻ lượng vắc-xin COVID-19 sẵn có.

Các công ty hậu thuẫn sáng kiến ​​này cho biết: "Đối với các quốc gia thu nhập thấp được tài trợ, COVAX thực sự là một con đường sống còn và là cách khả thi duy nhất để công dân của họ được tiếp cận với vắc-xin COVID-19”.

Ted Schrecker, giáo sư về chính sách y tế toàn cầu Trường Y Đại học Newcastle (Anh), nói với Business Insider rằng bất chấp nỗ lực phối hợp quốc tế, COVAC vẫn thiếu nguồn tài trợ nghiêm trọng.

COVAX đã thực hiện chuyến giao hàng đầu tiên đến Ghana vào tháng Hai. Tuy nhiên, ngay cả khi các liều thuốc được mua thông qua COVAX để triển khai đến các nước nghèo, chương trình này sẽ chỉ có thể tiêm chủng cho 3% dân số trong nước cho đến giữa năm 2021, và cao nhất là 20% cho đến cuối năm 2021, theo tính toán của PVA.

Cũng theo PVA, tính đến ngày 4/3, ít nhất 47 trong số 79 quốc gia thu nhập thấp nhất thế giới chưa tiêm được mũi vắc-xin nào cho người dân của mình. Để so sánh, có thể nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Joe Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ có đủ vắc-xin cho mọi người lớn ở Mỹ đến thời điểm cuối tháng Năm.

Trong suốt thời gian đại dịch, các nhóm vận động, đặc biệt là liên minh PVA, đã đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại về "chủ nghĩa dân tộc vắc-xin". Đó là khi các nước giàu tích trữ vắc-xin, trong khi các nước nghèo hơn phải giành giật để có được nguồn dự trữ của riêng mình.

Hồi tháng Hai, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - cho biết các nước giàu chỉ chiếm 16% dân số thế giới đã mua 60% nguồn cung cấp vắc-xin sẵn có.

Tạm đình chỉ bằng sáng chế để tăng tốc sản xuất vắc-xin COVID-19?

Liên minh PVA cho biết các liều vắc-xin cần được sản xuất ở các khu vực khác nhau, có giá cả phải chăng, được phân bổ trên toàn cầu và triển khai rộng rãi miễn phí tại các cộng đồng địa phương. "Cho đến nay, thế giới đang thất bại trên cả bốn mặt trận trên”, PVA kết luận.

Liên minh vận động vắc-xin PVA nói thêm rằng các nhà sản xuất vắc-xin trên toàn thế giới sẽ sẵn sàng sản xuất vắc-xin COVID-19 nếu các công ty dược phẩm độc quyền vắc-xin chia sẻ công nghệ và chuyên môn của họ. Suhaib Siddiqi, cựu Giám đốc về hóa chất tại hãng dược Moderna, cho biết một nhà máy hiện đại có thể bắt đầu sản xuất vắc-xin trong vòng 4 tháng nếu được cung cấp bản thiết kế và tư vấn kỹ thuật.

Nick Dearden, Giám đốc Global Justice Now, cho biết: “Thật đáng phẫn nộ khi các nhà máy sản xuất vắc-xin phải tạm thời đóng cửa, không thể sản xuất vắc-xin COVID-19 vì các nước giàu ưu tiên cấp bằng sáng chế cho một số công ty dược phẩm, bất chấp an nguy của người dân trên toàn thế giới”. Ông kêu gọi các công ty dược phẩm đình chỉ bằng sáng chế vắc-xin COVID-19 của họ, để vắc-xin có thể được sản xuất nhanh hơn.

Gabriela Bucher, Giám đốc điều hành Oxfam International, cho biết: "Bằng cách cho phép một nhóm nhỏ các công ty dược phẩm quyết định ai sống và ai chết, các quốc gia giàu có đang kéo dài tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu chưa từng có và đặt vô số mạng sống trước nguy hiểm”.

Alison Copeland, giáo sư địa lý nhân văn Đại học Newcastle, nói với Business Insider: “Để kiểm soát virus, chúng ta cần khả năng miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới, vì vậy từ 60% đến 72% dân số toàn cầu cần được chủng ngừa”. Ông hy vọng điều đó “sẽ đủ động lực để các nước giàu ra tay giúp đỡ”.

Tô Châu (theo Business Insider)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI