Theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ Oxfam, một nhóm các quốc gia giàu có đại diện cho 13% dân số toàn cầu đã mua hơn một nửa số liều vắc-xin COVID-19 hứa hẹn sản xuất trong tương lai.
Các nước giàu gom vắc-xin
Oxfam phân tích giao dịch của các nhà sản xuất dược phẩm sở hữu năm ứng viên vắc-xin hàng đầu - hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm giai đoạn cuối - dựa trên dữ liệu do Công ty phân tích Airfinity thu thập. Robert Silverman - đại diện tổ chức Oxfam Mỹ cho biết: “Việc tiếp cận với vắc-xin không nên phụ thuộc vào nơi bạn sống hoặc bạn có bao nhiêu tiền. Quá trình phát triển và phê duyệt vắc-xin an toàn, hiệu quả là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là đảm bảo vắc-xin có sẵn với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người bởi COVID-19 xuất hiện ở mọi nơi”.
|
Vắc-xin của Đại học Queensland (Úc) đang thử nghiệm lâm sàng là một trong chín loại vắc-xin được hỗ trợ bởi sáng kiến COVAX - Ảnh: AAP |
Năm loại vắc-xin trong phân tích thuộc các hãng AstraZeneca, Gamaleya/Sputnik, Moderna, Pfizer và Sinovac. Oxfam tính toán năng lực sản xuất tổng hợp của 5 ứng viên vắc-xin này là 5,9 tỷ liều, đủ cho 3 tỷ người với hai liều mỗi người. Các hợp đồng cung ứng cho đến nay đã đạt 5,3 tỷ liều, trong đó 2,7 tỷ (51%) thuộc về các quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực phát triển, bao gồm Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu, Úc, đặc khu Hồng Kông và Ma Cao, Nhật Bản, Thụy Sĩ và Israel. 2,6 tỷ liều còn lại nằm ở các nước đang phát triển bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Brazil, Indonesia và Mexico cùng những nước khác.
Do đó, Oxfam và các tổ chức khác đang kêu gọi “vắc-xin cho mọi người”, phân phối công bằng dựa trên nhu cầu. Oxfam cho biết: “Điều này sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu các tập đoàn dược phẩm cho phép sản xuất vắc-xin một cách rộng rãi nhất có thể bằng cách tự do chia sẻ kiến thức của họ về các bằng sáng chế, thay vì bảo vệ độc quyền của họ và bán cho người trả giá cao nhất”. Đồng thời, tổ chức ước tính rằng chi phí để cung cấp vắc-xin cho tất cả mọi người trên trái đất thấp hơn 1% tổn thất dự kiến của COVID-19 lên nền kinh tế toàn cầu.
Trở ngại cho hàng rào miễn dịch thế giới
Chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin là khi các chính phủ ký thỏa thuận với nhà sản xuất dược phẩm để cung cấp vắc-xin cho quốc gia của họ trước khi chào bán cho các nước khác. Mặc dù chính phủ thực hiện những thỏa thuận này để bảo vệ công dân của họ, nhưng mặt trái của nó tạo ra vấn đề về nguồn cung khiến các nước nghèo hơn không thể tiếp cận với vắc-xin kịp thời.
Ngoài ra, bởi vì không ai biết loại vắc-xin nào sẽ hiệu quả, một số quốc gia giàu có đang bảo hiểm rủi ro bằng cách mua một lượng lớn vắc-xin, trước khi các nhà khoa học hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng và chứng minh vắc-xin đó là an toàn hoặc hiệu quả.
Với “chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin” ngày càng trở thành mối quan tâm, một số tổ chức quốc tế (bao gồm cả Tổ chức Y tế thế giới - WHO) đã thiết lập Sáng kiến tiếp cận vắc-xin COVID-19 toàn cầu (COVAX). Cho đến nay, ít nhất 172 quốc gia đã đăng ký tham gia sáng kiến này và các thành viên bắt đầu nộp tiền vào quỹ để hỗ trợ nghiên cứu vắc-xin từ ngày 9/10. Nhưng có một số ngoại lệ đáng chú ý là Mỹ chọn không tham gia kế hoạch, Nga cũng không tham gia và Trung Quốc chưa đưa ra cam kết.
WHO thúc đẩy tất cả các quốc gia ủng hộ sáng kiến COVAX. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, đây là “cách nhanh nhất để chấm dứt đại dịch này”. Thách thức đầu tiên, là COVAX không ngăn cản các quốc gia thành viên ký kết thỏa thuận độc lập của mình với nhà sản xuất dược phẩm, điều mà Anh, Canada và Úc đã làm. Kẽ hở này có thể gây thêm căng thẳng nguồn cung cấp vốn đang hạn chế, đồng thời tiếp tục đẩy giá lên cao, có khả năng khiến chúng trở nên khó khả thi đối với nhiều quốc gia nghèo. Mặt khác, trong khi một số nhà sản xuất đã cam kết cung cấp vắc-xin trên cơ sở phi lợi nhuận, những nhà sản xuất khác thì không.
Vấn đề thứ hai, là cam kết cho 2 tỷ liều vào cuối năm 2021 là quá nhỏ. Khi chia cho tất cả các quốc gia đã đăng ký COVAX, điều đó có nghĩa là mỗi quốc gia sẽ nhận về nguồn cung chẳng đủ nhu cầu.
Vấn đề thứ ba, COVAX không đặt tất cả nguồn lực của mình vào một hướng đầu tư - thông qua việc hỗ trợ 9 loại vắc-xin đang phát triển và đánh giá 9 loại vắc-xin khác để dự phòng, nghĩa là 2 tỷ liều chế phẩm vào năm 2021 có thể sẽ được lấy từ nhiều nhà sản xuất. Do đó, một số chính phủ có thể không hài lòng với loại vắc-xin mà họ được phân bổ theo kế hoạch, đặc biệt nếu một loại vắc-xin có vẻ hiệu quả hơn những loại vắc-xin khác, hoặc được sản xuất bởi quốc gia có độ tin tưởng thấp.
Vắc-xin COVID-19 có thể sẽ là cách duy nhất để thế giới quay trở lại cuộc sống bình thường. Bản thân COVAX là không đủ và “chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin” là một trở ngại nhãn tiền. Chúng ta cần một cam kết toàn cầu và khuôn khổ về cách các chính phủ nhanh chóng nâng cấp sản xuất, phân phối vắc-xin một cách an toàn, hiệu quả, công bằng.
Tấn Vĩ (theo AFP, The Conversation)