Các nước đứng trước câu hỏi khó: Bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19 hay không?

16/11/2021 - 06:23

PNO - Nhiều nước bắt đầu đưa ra những hạn chế cho bộ phận dân số từ chối tiêm vắc xin COVID-19, đồng thời xem xét bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên y tế, công vụ và một số ngành nghề riêng biệt. Dù vậy, không phải lúc nào các mũi tiêm cũng được ủng hộ.

Xu hướng tiêm chủng bắt buộc

Đầu tháng 11, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chi tiết về một kế hoạch buộc các công ty lớn phải tiêm vắc xin COVID-19 cho toàn bộ nhân viên vào tháng 1/2022 hoặc phải xét nghiệm hằng tuần. Tuy một tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ cho rằng, những yêu cầu này đối với các doanh nghiệp tư nhân là “lạm quyền”, và gây ra “những lo ngại nghiêm trọng về hiến pháp” nhưng một số tiểu bang và thành phố đã tự áp dụng các yêu cầu về tiêm chủng và kết quả cho thấy dấu hiệu khả quan. 

Điều phối viên Ứng phó với Coronavirus của Nhà Trắng Jeff Zient cho biết: “Các yêu cầu về chủng ngừa đã giúp giảm gần 40% số lượng người Mỹ từ 12 tuổi trở lên không được tiêm chủng - từ khoảng 100 triệu người hồi tháng Bảy xuống dưới 60 triệu người vào đầu tháng 11”. Song song đó, công nhân và nhân viên của các nhà thầu liên bang sẽ được yêu cầu tiêm phòng. Người lao động trong các cơ sở y tế thuộc chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia Medicare và chương trình hỗ trợ chi phí điều trị y tế Medicaid, bao gồm cả bệnh viện và trung tâm chăm sóc y tế, cũng sẽ phải tiêm chủng đầy đủ. 

Ngày càng có nhiều nước áp dụng chính sách tiêm chủng bắt buộc để bảo vệ sức khỏe của người dân. Trong ảnh: Một nhà hàng ở Los Angeles, Mỹ dán thông báo yêu cầu thực khách phải chứng minh đã tiêm chủng đầy đủ - ẢNH: GETTY IMAGES/AP
Ngày càng có nhiều nước áp dụng chính sách tiêm chủng bắt buộc để bảo vệ sức khỏe của người dân. Trong ảnh: Một nhà hàng ở Los Angeles, Mỹ dán thông báo yêu cầu thực khách phải chứng minh đã tiêm chủng đầy đủ - Ảnh: GETTY IMAGES/AP

Trên khắp thế giới, nhiều chính phủ đã bắt buộc tiêm phòng COVID-19 đối với nhân viên y tế và các nhóm có nguy cơ cao do sự gia tăng về số ca nhiễm mang biến thể Delta và tốc độ tiêm chủng chậm. Ngày càng có nhiều quốc gia bắt buộc phải tiêm phòng đối với công chức và người lao động như Canada, Costa Rica, Đan Mạch, Ý, Latvia...

Vào đầu tháng 11, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid thông báo rằng việc tiêm chủng bắt buộc sẽ có hiệu lực tại các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe công cộng từ tháng 4/2022. Bằng cách đặt ra thời hạn khá xa, ông Javid kỳ vọng sẽ giảm thiểu các trường hợp nhân viên y tế chống lại yêu cầu tiêm chủng, khiến Hệ thống Y tế quốc gia (NHS) có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự vào giữa mùa đông. 

Mạnh mẽ hơn, hai quốc gia Indonesia và Turkmenistan bắt buộc tiêm phòng COVID-19 cho tất cả người trưởng thành và cảnh báo rằng bất kỳ ai từ chối tiêm chủng đều có thể bị phạt tiền, không được nhận trợ cấp xã hội hoặc các dịch vụ hỗ trợ khác của chính phủ.

Cây gậy hay củ cà rốt?

Khác với làn sóng khuyến khích tiêm chủng vào những tháng trước, khi số ca nhiễm COVID-19 đạt mức kỷ lục mới, nhiều chính phủ bắt đầu đặt ra giới hạn đối với sự di chuyển của những người chưa tiêm chủng. Áo có thể là quốc gia đầu tiên đưa ra biện pháp mạnh mẽ nhất như phong tỏa đối với những người chưa tiêm đủ hai liều vắc xin hoặc chưa từng bị nhiễm và đã lành bệnh. Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg nói trong cuộc họp báo hôm 12/11: “Chúng tôi muốn bật đèn xanh cho việc phong tỏa toàn quốc đối với những người chưa được tiêm chủng”. Hiện chỉ có 64% dân số ở Áo tiêm chủng đầy đủ, một tỷ lệ được xem là thấp nhất tại Tây Âu, ngoại trừ Liechtenstein. 

Tương tự, khi làn sóng lây nhiễm thứ tư diễn ra ở Đức, Sachsen trở thành bang đầu tiên đưa ra các quy tắc 2G bắt buộc - cách ly những người đủ điều kiện nhưng từ chối tiêm chủng khỏi nhiều lĩnh vực của đời sống công cộng. Theo quy định mới, chỉ những người đã tiêm vắc xin đầy đủ hoặc khỏi bệnh trong vòng 6 tháng mới được phép vào nhà hàng, câu lạc bộ hoặc quán bar. Chỉ trẻ em và những người không thể tiêm vắc xin vì lý do sức khỏe mới được miễn trừ bởi quy định mới. Berlin cũng sẽ áp dụng các quy tắc 2G từ ngày 15/11, theo sau là các bang Brandenburg, Baden-Württemberg và Bavaria.

Ở Úc, nơi 83% người từ 16 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ, nhiều bang và vùng lãnh thổ cũng cấm những người chưa tiêm chủng tham gia các hoạt động như đi ăn ngoài trời và dự các buổi hòa nhạc. Tại Singapore, chính phủ hiện chi trả toàn bộ chi phí điều trị COVID-19 cho tất cả người dân cũng như thường trú nhân và người có thị thực dài hạn, trừ khi họ có kết quả dương tính ngay sau khi trở về từ nước ngoài. Tuy nhiên, từ ngày 8/12, chính phủ sẽ “bắt đầu tính phí điều trị đối với các bệnh nhân COVID-19 không chủng ngừa”, với hóa đơn có thể lên đến 18.000 USD/trường hợp.

Có thể thấy, thế giới đang phân thành hai. Một nửa là những người đã chủng ngừa hoặc từng nhiễm COVID-19 và đã lành bệnh, nửa còn lại là những người chưa tiêm chủng, chưa nhiễm bệnh. Cần nhớ, việc tiêm chủng không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn góp phần hạ thấp khả năng lây nhiễm, giảm tải áp lực cho hệ thống y tế quốc gia. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý là vắc xin là chưa đủ để ngăn chặn hoàn toàn đại dịch, vì vậy, song song đó là áp dụng việc duy trì giãn cách và các biện pháp an toàn phòng chống dịch bệnh khác. 

Linh La (theo Reuters, NY Times, France24, DW, The Guardian)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI