Các nước đua nhau hỗ trợ tiền, miễn phí nhà trẻ để cải thiện tỉ lệ sinh

11/08/2024 - 07:53

PNO - Các quốc gia đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm trên toàn thế giới. Tuy nhiên những phương án này đều không hiệu quả.

Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục

Số liệu thống kê của Guardian cho thấy hầu hết các quốc gia đều có tỷ lệ sinh dưới mức trung bình, tức là dưới 2,1 trẻ em trên một phụ nữ.

Cụ thể, vào ngày 11/7, Liên hiệp quốc từng công bố Triển vọng dân số thế giới năm 2024 ở 237 quốc gia, dự báo đến năm 2100. Báo cáo cho biết "phụ nữ ngày nay sinh ít hơn trung bình 1 con so với khoảng năm 1990", dân số thế giới hiện dự kiến ​​sẽ đạt đỉnh vào khoảng 10,3 tỷ vào giữa những năm 2080 (tăng từ khoảng 8,2 tỷ ngày nay), trước khi bắt đầu giảm.

Các nước phát triển đối mặt tỷ lệ sinh thấp kỷ lục - Ảnh: Getty Images.
Các nước phát triển đối mặt tỷ lệ sinh thấp kỷ lục - Ảnh: Getty Images.

Tương tự, Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME) của Đại học Washington, cũng phát hiện ra rằng thế giới đang tiến gần đến "tương lai sinh sản thấp". Theo IHME đến năm 2050, hơn 3/4 các quốc gia sẽ có tỷ lệ sinh thấp hơn hiện tại.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), nơi tỷ lệ sinh hiện đã giảm xuống còn 0,865, khiến nhiều trường học phải đóng cửa vì không đủ học sinh. Tại Nhật Bản, tỷ lệ sinh chỉ ở mức 1,21, điều này làm doanh số bán sản phẩm chống són tiểu cho người lớn đã vượt xa doanh số bán tã lót.

Tiến sĩ Liz Allen, nhà nhân khẩu học và giảng viên tại trung tâm nghiên cứu xã hội của Đại học Quốc gia Úc, cho biết: Nếu như suy giảm sinh sản vào những năm 1970 là do thuốc tránh thai, thì hiện tại những thay đổi xã hội về bình đẳng giới, khi phụ nữ ngày càng được giáo dục, có việc làm ổn định khiến họ không còn mặn mà với việc sinh con.

Có những người thậm chí quyết định không muốn có con. Có những phụ nữ trì hoãn việc sinh con, và do đó sinh ít hơn vì khả năng sinh sản giảm sau tuổi 35.

Loạt biện pháp hỗ trợ nhưng chưa hiệu quả

Hiện tại, các nước phát triển và đang phát triển đang tìm mọi cách để tăng khả năng sinh sản ở phụ nữ.

Hầu hết các nước có tỷ lệ sinh thấp đều cung cấp các chế độ nghỉ thai sản hấp dẫn. Nhiều quốc gia còn có chế độ trợ cấp chăm sóc trẻ em, trợ cấp tài chính cho gia đình và sắp xếp giờ làm việc linh hoạt cho các ông bố, bà mẹ, theo Liên hiệp quốc.

Các nước đưa ra loạt chính sách hỗ trợ sinh sản hấp dẫn nhưng chưa hiệu quả - Ảnh: Getty Images
Các nước đưa ra loạt chính sách hỗ trợ sinh sản hấp dẫn nhưng chưa hiệu quả - Ảnh: Getty Images

Nhưng điều đáng buồn là ngay cả các quốc gia Bắc Âu, các nước nổi tiếng là bình đẳng giới, dẫu có chế độ nghỉ phép chăm sóc con cái và mạng lưới dịch vụ xã hội phát triển như vậy, vẫn đang phải đối mặt với tình trạng sinh sản giảm.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, chính phủ đã điều chỉnh chính sách từ “chính sách 1 con” đã thay đổi trở thành “chính sách 3 con" và giảm khả năng tiếp cận phá thai, để đảo ngược tỷ lệ sinh giảm.

Các chính trị gia Nhật Bản cũng đang cố gắng thúc đẩy tỷ lệ sinh bằng trợ cấp tiền, nhà trẻ miễn phí và hỗ trợ các phương pháp điều trị sinh sản. Còn chính phủ Hàn Quốc thậm chí còn mạnh tay chi hơn 200 tỷ USD, để hỗ trợ các gia đình sinh con.

Tuy nhiên, các biện pháp này đều tỏ ra không hiệu quả.

Jennifer Sciubba, nhà nhân khẩu học người Mỹ lý giải nguyên do, cho biết phụ nữ hiện đang theo đuổi chuỗi thành công - được giáo dục, có công việc tốt, có nhà, một khoản tiết kiệm - nên hầu hết đều muốn hoãn việc sinh con.

Và khi mọi người có nhiều tiền hơn, họ càng muốn có những thứ khác trong cuộc sống mà con cái có thể làm họ mất tập trung - đi ăn một bữa ngon, du lịch, có một kỳ nghỉ đúng nghĩa.

Do đó, dù tiền thưởng cho trẻ sơ sinh có khả năng làm tăng tỷ lệ sinh tạm thời khoảng 2%. Hay các chính sách khác, bao gồm chăm sóc trẻ em và chế độ nghỉ phép chăm sóc con tốt hơn, đều có thể có tác dụng đôi chút, nhưng chúng không giải quyết được vấn đề.

Các chuyên gia đánh giá 3 yếu tố quan trọng nhất liên quan đến quyết định sinh sản của phụ nữ vẫn là kinh tế, sự bảo đảm công việc và “có một người để yêu”.

Thu Hương (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI