Các nước có nhiều chính sách, công cụ hỗ trợ người già làm việc

21/10/2024 - 06:49

PNO - Ở nhiều nước, người cao tuổi tìm việc đang ngày càng trở nên phổ biến. Do đó, chính phủ các nước rất quan tâm xây dựng chính sách xã hội, thiết kế các ứng dụng (app) tìm việc cho đối tượng này.

Ở Nhật Bản, ứng dụng làm việc tại chỗ Timee đã giúp hàng ngàn người về hưu ổn định tài chính. Nhờ ứng dụng này, một phụ nữ 70 tuổi ở quận Itabashi, Tokyo hằng ngày di chuyển từ nơi làm việc này sang nơi làm việc khác. Bà đăng ký ứng dụng Timee đầu năm 2023.

Ứng dụng này kết nối những người điều hành nhà hàng và các doanh nghiệp khác với những người sẵn sàng làm việc theo ca. Người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động bán thời gian với người tìm việc và Timee sẽ nhận được 30% tiền môi giới.

Thông qua Timee, người phụ nữ trên đã làm 480 ca, trung bình 4 giờ/ngày, công việc thường là rửa chén dĩa hoặc dọn dẹp cho nhà hàng, đóng gói rau cho siêu thị. Bà nói với tờ Asahi Shimbun: “Tôi không thể sống sót chỉ bằng trợ cấp an sinh xã hội. Tôi rất vui vì mình có thể làm việc. Tôi muốn làm việc thêm 10 năm nữa”.

Thu nhập của bà khoảng 100.000 yên (680 USD) mỗi tháng. Bà dự định đăng ký thêm nhiều ứng dụng khác để tìm kiếm những lời mời làm việc tốt hơn. Mỗi lần nộp đơn, bà lại làm việc cho một công ty mới tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và lịch trình của mình trong ngày.

Theo dữ liệu từ ứng dụng Timee, chỉ trong tháng 3/2024, có tới 51.000 người từ 65 tuổi trở lên đăng ký ứng dụng này. Ayaka Kato - phát ngôn viên của Timee - tiết lộ, ứng dụng này ngày càng thu hút đông người đăng ký là do có đông người cao tuổi mong muốn giữ liên lạc với xã hội và duy trì sức khỏe. Bà Kato nhận xét: “Các nhà tuyển dụng không thể đánh giá khả năng của mọi người chỉ dựa vào độ tuổi của họ”.

Một phụ nữ tìm việc  qua ứng dụng việc làm Timee đang lau bàn trong một nhà hàng ở quận Minato, Tokyo, Nhật Bản vào tháng 7/2024  - ẢNH: AKIHITO OGAWA  (Asahi Shimbun)
Một phụ nữ tìm việc qua ứng dụng việc làm Timee đang lau bàn trong một nhà hàng ở quận Minato, Tokyo, Nhật Bản vào tháng 7/2024 - ẢNH: AKIHITO OGAWA (Asahi Shimbun)

Tương tự, ở Hàn Quốc, một lực lượng người cao tuổi hùng hậu cũng đang tràn vào thị trường việc làm. Bà Choi Seoung-hee - 66 tuổi, ở quận Dongdaemun, TP Seoul - là một trong những “N-jobber”. Đây là tên gọi chung cho nhóm người làm nhiều công việc sau tuổi nghỉ hưu.

Sau 33 năm làm viên chức giáo dục, hiện bà làm trợ lý giáo viên của một trung tâm dịch vụ việc làm dành cho người cao tuổi ở Seoul, đồng thời làm người kể chuyện ở trường mẫu giáo, người giao hàng với tổng thu nhập tương đương với những nhân viên văn phòng trẻ. Bà bộc bạch: “Công việc giúp tôi vượt qua những suy nghĩ tiêu cực về thu nhập sau khi nghỉ hưu”.

Theo chính quyền TP Seoul, năm 2023, có 10.397 người cao tuổi đăng ký tìm việc và đã có 4.292 người tìm được việc làm. Trong số đó, người trên 75 tuổi chiếm 14% và người trên 80 tuổi chiếm 3,2%. Những người lao động từ 60-69 tuổi chiếm hơn một nửa lực lượng lao động cao tuổi do tìm được việc làm dễ hơn phần còn lại.

Chính quyền nhiều địa phương tại Hàn Quốc - bao gồm thủ đô Seoul - có kế hoạch tăng số lượng công việc phù hợp do số người lao động tự do cao tuổi gia tăng.

Chẳng hạn, chính quyền TP Seoul đặt mục tiêu tăng số đầu việc đi bộ giao hàng từ 250 lên 1.000 chỗ. Jung Sang-hoon - người đứng đầu Văn phòng Chính sách phúc lợi TP Seoul - cho biết: “Chúng tôi sẽ mở rộng việc làm trong khu vực công để bất kỳ người cao tuổi khỏe mạnh nào cũng đều có thể làm việc”. Văn phòng này còn có ý định tạo ra một môi trường thân thiện, nơi người cao tuổi có thể làm việc mà không phải e ngại.

Theo báo cáo khảo sát năm 2022 về việc làm sau khi nghỉ hưu do trang web tuyển dụng 51job.com công bố, 68% người cao tuổi ở Trung Quốc có mong muốn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu, trong đó 30% đi làm do áp lực kinh tế.

Theo Guan Xinping - giáo sư Đại học Nam Khai, Trung Quốc - cả người già và người trẻ đều cần được trao quyền cạnh tranh bình đẳng trên thị trường việc làm.

Hiện tại, có rất nhiều công việc mà người trẻ không muốn làm nhưng lại rất cần trong xã hội và nên được phát triển, như dịch vụ phúc lợi, dịch vụ gia đình, dịch vụ kết hôn và tang lễ, dịch vụ chăm sóc người già, dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật… Người lao động cao tuổi có thể lấp đầy các khoảng trống này.

Từ ngày 1/1/2025, tuổi nghỉ hưu theo luật định của Trung Quốc sẽ được cộng thêm dần để tăng từ 60 lên 63 tuổi ở nam và từ 55 lên 58 tuổi ở nữ tùy loại hình việc làm. Ở Singapore, chính phủ sẽ tăng dần tuổi nghỉ hưu lên 65 vào năm 2030 và giới hạn tuổi tái tuyển dụng lên 70.

Linh La (theo Asahi, CNA, Straits Times, Korea Joongang Daily, Global Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI