Các nước châu Á khuyến khích phát triển điện mặt trời

11/06/2024 - 06:11

PNO - Trung Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất năng lượng sạch, nhất là năng lượng mặt trời.

Chính phủ Trung Quốc xem việc ưu tiên đầu tư cho năng lượng mặt trời như giải pháp để giải quyết ô nhiễm không khí, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng…

Từ năm 1996, Trung Quốc triển khai chương trình Ánh sáng (Brightness Program), thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời và gió. Đầu những năm 2000, Trung Quốc tập trung vào sản xuất điện để xuất khẩu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính phủ nước này dành những gói tín dụng kèm các cơ chế ưu đãi tài chính cho năng lượng sạch; cho phép nối lưới và hỗ trợ truyền tải điện từ các dự án điện mặt trời, trợ cấp bằng nhiều hình thức với giá trị tương đương 50% tổng vốn đầu tư các dự án điện sạch trong đô thị và 70% cho các dự án tương tự ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, nông dân nghèo ở nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc như Sơn Đông còn xem việc lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời như một cách đầu tư để kiếm tiền bởi nguồn điện từ mái nhà không chỉ giúp các chủ hộ đủ điện dùng trong sinh hoạt mà còn dư thừa để bán. Tiền bán điện này cao hơn cả lãi suất ngân hàng.

Một vấn đề khó tránh khỏi đối với nguồn điện mặt trời khi đưa lên hệ thống là các trạm biến áp không có khả năng hấp thụ mọi lượng điện thừa từ các hộ gia đình. Chính phủ Trung Quốc đối phó bằng chính sách khuyến khích các hộ hoặc chính các doanh nghiệp cung ứng, lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời đầu tư vào hệ thống biến áp.

Hàn Quốc cũng là quốc gia có tới 85% nguồn năng lượng tái tạo là điện mặt trời. Từ năm 1987, Quốc hội nước này đã có đạo luật khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, sau đó ban hành hàng loạt các chính sách, chương trình để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng này.

Từ năm 2020, Chính phủ Hàn Quốc bắt buộc có ít nhất 30% điện sử dụng tại các tòa nhà công cộng là năng lượng tái tạo. Cũng từ năm 2020, Chính phủ nước này triển khai chương trình trợ cấp ưu đãi cho các hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời, mức hỗ trợ sẽ theo vùng miền. Họ cũng đề ra chương trình thử nghiệm hệ thống điện mặt trời mái nhà ở các làng nghề nông nghiệp với mục tiêu 400.000 hộ được lắp đặt điện mặt trời vào năm 2030.

Ở Nhật Bản, sau sự cố rò rỉ phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 do động đất và sóng thần, Chính phủ nước này quyết định thay đổi cơ cấu nguồn điện, trong đó dừng vận hành một số nhà máy điện hạt nhân, không phát triển nhà máy điện hạt nhân mới, tập trung phát triển nhiệt điện và năng lượng tái tạo.

Trước đó, vào năm 2008, những gia đình ở Nhật Bản cải tạo nhà, chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời được vay tối đa 5 triệu yên, tương đương gần 5.000 USD. Chính phủ Nhật Bản cũng có chính sách giảm giá bán các tấm pin năng lượng mặt trời, đồng thời mua điện năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường.

Quốc hội nước này cũng ban hành Luật Trợ giá (FiT), qua đó khuyến khích người dân tự sản xuất điện mặt trời tại nhà, xây dựng các trung tâm điện mặt trời lớn, tập trung.

Nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á cũng có những chính sách phát triển điện tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI