Các nước châu Á đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca dù châu Âu còn do dự

22/03/2021 - 15:45

PNO - Nhiều quốc gia châu Á đang đẩy nhanh việc triển khai vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca giữa lúc niềm tin vào sự an toàn của vắc-xin suy giảm ở châu Âu.

Sau một thời gian ngắn ngừng sử dụng do lo ngại báo cáo về đông máu, nhiều quốc gia châu Âu đã tiếp tục sử dụng vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca trong các chương trình tiêm chủng theo khuyến nghị của cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu.

Vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca là công cụ quan trọng để đẩy lùi đại dịch ở các nước đang phát triển
Vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca là công cụ quan trọng để đẩy lùi đại dịch ở các nước đang phát triển

Hôm 22/3, hãng AstraZeneca đưa ra tuyên bố sản phẩm vắc-xin có hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 trung bình 79%; đồng thời đạt hiệu quả đến 100% trong việc ngăn ngừa ca bệnh nặng và tử vong, trong một thử nghiệm lâm sàng trên 30.000 tình nguyện viên ở Mỹ. Một ban giám sát an toàn dữ liệu độc lập cũng xác định không có lo ngại về an toàn sức khỏe đối với người tiêm. 

Sản phẩm của AstraZeneca là một trong những loại vắc-xin COVID-19 đầu tiên và rẻ nhất được phát triển và tung ra thị trường với số lượng lớn, với vai trò như mũi nhọn chính của chương trình tiêm chủng ở hầu hết các nước đang phát triển.

Nhưng việc đình chỉ ngắn hạn đã làm dấy lên lo ngại rằng việc chậm triển khai tiêm chủng có thể làm tổn hại đến cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch, khi các ca nhiễm COVID-19 tái gia tăng ở một số quốc gia, áp đảo các hệ thống chăm sóc sức khỏe và làm tổn thương nền kinh tế.

Thủ tướng Thái Lan trở thành người đầu tiên trong nước được tiêm vắc-xin AstraZeneca sau khi việc triển khai vắc-xin này tạm thời bị tạm dừng do lo ngại về an toàn. Indonesia cũng quay lại sử dụng vắc-xin AstraZeneca vào thứ Hai 22/3 sau khi tạm đình chỉ tiêm chủng vào tuần trước.

Dù vậy Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia cảnh báo không sử dụng vắc-xin cho những người bị rối loạn đông máu.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (68 tuổi) có kế hoạch tiêm chủng vào thứ Ba 23/3 sau khi chính phủ quyết định vắc-xin AstraZeneca có thể được sử dụng cho người lớn tuổi.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhận liều vắc-xin AstraZeneca COVID-19 đầu tiên vào thứ Sáu 19/3, nói rằng ông "không cảm thấy gì lạ".

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha là người đầu tiên được tiêm chủng vaccine của AstraZeneca - Ảnh: AFP
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha được tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát được công bố hôm 22/3 cho thấy hơn 50% người dân ở bảy quốc gia lớn của châu Âu cảm thấy vắc-xin không an toàn. Hôm 18/3, Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu tái khẳng định loại vắc-xin này có hiệu quả và không liên quan đến sự gia tăng nguy cơ đông máu nói chung.

Nhiều nước châu Á phụ thuộc rất nhiều vào vắc-xin AstraZeneca để chấm dứt đại dịch, vì vắc-xin này đang được sử dụng trong các chương trình tiêm chủng ở Úc, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ...

Một số quốc gia có thể phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung. Một nguồn tin của Reuters tiết lộ, Ấn Độ - quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất sau Mỹ và Brazil - tìm cách trì hoãn việc cung cấp vắc-xin cho các nước khác, vì bản thân nước này đang phải đối mặt với sự gia tăng ca nhiễm.

Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nơi sản xuất vắc-xin AstraZeneca, đã nói với Brazil, Ả Rập Xê-út và Ma-rốc rằng nguồn cung cấp thêm sẽ bị trì hoãn do nhu cầu tăng cao trong nước.

Úc, quốc gia mới chỉ tiêm chủng 1% dân số cho đến nay, cũng đang tăng tốc tiêm chủng sau khi cơ quan quản lý dược phẩm của nước này cho phép công ty dược CSL sản xuất vắc-xin AstraZeneca tại địa phương. Trong vòng 12 tuần, CSL dự kiến ​​đạt công suất 1 triệu liều vắc-xin mỗi tuần.

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI