Các nước căng thẳng thương mại, doanh nghiệp Việt nên làm gì?

09/02/2025 - 06:42

PNO - Căng thẳng thương mại thế giới đang gia tăng. Chính phủ Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và đang nghiên cứu lại động thái tương tự với Canada, Mexico. Trong bối cảnh đó, hàng Việt vào thị trường Mỹ sẽ thuận lợi hơn.

“Cuộc chiến” thuế quan Mỹ - Trung đang leo thang khi phía Mỹ dự kiến tăng thêm 10% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ tháng 2/2025, nâng tổng mức thuế lên 35%. Mỹ đã hoãn tăng thuế với các đối tác thương mại lớn khác như Canada và Mexico nhưng nguy cơ này còn nguyên nếu các bên không đạt được thỏa thuận mới.

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng - trong bối cảnh đó, hàng hóa từ các nước này vào thị trường Mỹ sẽ có giá đắt đỏ hơn. Khi đó, hàng hóa Việt Nam có thể là một trong các nguồn thay thế mà các nhà nhập khẩu Mỹ nhắm đến, có thể gồm hàng điện tử, nội thất, dệt may, giày da, thủy sản và rau củ quả. Năm 2024, Việt Nam đã xuất siêu 104 tỉ USD vào Mỹ, đứng thứ năm trong danh sách các đối tác thương mại của nước này.

Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nước.  Ảnh chụp tại công ty Nón Sơn
Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nước. Ảnh chụp tại công ty Nón Sơn

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM - cho biết, việc xuất khẩu của ngành dệt may đang có nhiều tín hiệu khả quan, phần lớn doanh nghiệp (DN) thành viên của hội đã nhận đủ đơn hàng cho quý I/2025 và đang tích cực chuẩn bị cho quý II. Dự báo kim ngạch của ngành năm 2025 tăng trưởng khoảng 15 - 20% so với năm 2024. Nếu Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu cao với hàng hóa một số nước, việc xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ sẽ thuận lợi hơn, lợi nhuận cũng tốt hơn.

Ông phân tích, việc đồng nhân dân tệ mất giá so với USD giúp các DN Việt nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu từ Trung Quốc với giá tốt, giúp giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Các DN Việt Nam có thể giành thêm thị phần trên thị trường Mỹ nhờ giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra từ từ và có giới hạn dựa trên thị trường xuất khẩu mục tiêu, năng lực sản xuất và trình độ nhân công của DN Việt.

“Để tận dụng tối đa cơ hội này, các DN Việt cần có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, bao gồm đầu tư công nghệ mới, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Các DN cũng cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm để giảm thiểu rủi ro”.

Ông Phạm Xuân Hồng


Theo ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) - hiện nay, gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chịu thuế, tuy nhiên số đơn hàng vẫn thưa thớt, thậm chí chỉ bằng 1/5 so với trước dịch COVID-19. Dù vậy, tiềm năng xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ vẫn rất lớn, nhất là trong giai đoạn đang xảy ra căng thẳng thương mại giữa Mỹ với một số nước. Nếu kinh tế Mỹ phục hồi, người tiêu dùng tăng chi tiêu trở lại, đơn hàng có thể sẽ tăng. Ông cho rằng, nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu cao với Trung Quốc và một số nước khác thì DN Việt chắc chắn được hưởng lợi. Dù vậy, DN Việt vẫn nên nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời cũng cần tránh phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty gỗ VAM Furniture - cho rằng trong ngắn hạn, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và một số nước có thể sẽ tạo cơ hội cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, chính phủ và DN Trung Quốc rất linh hoạt. Họ sẽ trả đũa bằng cách đánh thuế cao với hàng hóa từ Mỹ, đồng thời chuyển cơ sở sản xuất sang các nước khác để tiếp tục xuất khẩu hàng sang Mỹ với mức thuế thấp hơn. Chỉ riêng năm 2022, các công ty Trung Quốc đã tăng đầu tư vào Mexico với quy mô hàng tỉ USD. Ông nhận định, khi hệ thống sản xuất của Trung Quốc dịch chuyển sang các nước khác, DN nội địa sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt. Do đó, DN cần có sự chuẩn bị để ứng phó.

Ông Phạm Xuân Hồng phân tích thêm, ở khía cạnh khác, căng thẳng thương mại leo thang khiến nội tệ của nhiều nước mất giá so với USD, làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, đẩy giá thành sản xuất lên cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Căng thẳng thương mại cũng khiến các nhà nhập khẩu có xu hướng thay đổi hành vi đặt hàng, như chia nhỏ đơn hàng thành các lô nhỏ hơn, ngắn hạn hơn, theo tháng hoặc quý. Do đó, các DN cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các DN Việt.

“Việc Mỹ áp mức thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và có thể với cả hàng hóa từ Canada, Mexico khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Với những lợi thế cạnh tranh như môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam được dự báo sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi các DN chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi các nước trên. Đây là cơ hội vàng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực”.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI