Các nước Bắc Cực cam kết chống lại sự nóng lên toàn cầu

21/05/2021 - 07:52

PNO - Ngày 20/5, các nước Bắc Cực đã cam kết chống lại sự nóng lên toàn cầu, vốn đang diễn ra nhanh hơn gấp ba lần ở vùng Viễn Bắc và cam kết duy trì hòa bình trong khu vực.

Trái đất nóng lên nhanh chóng, các nguồn tài nguyên chưa được khai thác, các tuyến hàng hải mới và tương lai dân số địa phương là những vấn đề hàng đầu được thảo luận tại chương trình nghị sự khi ngoại trưởng các nước giáp Bắc Cực tập trung tại Reykjavik, Iceland.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với những người đồng cấp Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga và Thụy Điển tại Hội đồng Bắc Cực: "Chúng tôi cam kết thúc đẩy một khu vực Bắc Cực hòa bình, hợp tác về khí hậu, môi trường, khoa học và an toàn".

Ngoại trưởng các nước tham dự cuộc họp trong cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ 12 của Hội đồng Bắc Cực tại Phòng hòa nhạc Harpa ở Reykjavik, Iceland,
Ngoại trưởng các nước tham dự cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực ở Reykjavik, Iceland, ngày 20/5

Ông Antony Blinken nói thêm: "Bắc Cực là khu vực cạnh tranh chiến lược đã thu hút sự chú ý của thế giới nhưng pháp quyền phải được đảm bảo để nó vẫn là một khu vực không có xung đột, nơi các quốc gia hành động có trách nhiệm (đề cập đến việc các nước đang tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực)".

Hội đồng Bắc Cực được thành lập cách đây 25 năm để giải quyết các vấn đề về môi trường và các lĩnh vực hợp tác quốc tế, nhiệm vụ của nó không bao gồm vấn đề an ninh quân sự.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tập trung vào cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu và nhận được sự đồng tình của các quan chức đồng cấp.

“Khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa lâu dài nghiêm trọng nhất với sự ấm lên ở Bắc Cực nhanh hơn ba lần so với bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh” - Bộ trưởng Ngoại giao Canada Marc Garneau nói với Hội đồng.

Dữ liệu đáng báo động sau khi một phần báo cáo do Chương trình giám sát và đánh giá Bắc Cực (AMAP) công bố cảnh báo về nguy cơ biển băng trong khu vực biến mất hoàn toàn vào mùa hè.

Việc thông qua một tuyên bố chung ngày 20/5 đã diễn ra không gặp bất kỳ trở ngại nào, cũng như thỏa thuận về một kế hoạch chiến lược 10 năm lần đầu tiên trong lịch sử của Hội đồng Bắc Cực.

Ngoài các quốc gia giáp với Bắc Cực, Hội đồng còn bao gồm sáu tổ chức đại diện cho các dân tộc bản địa trong khu vực và 13 quốc gia quan sát viên.

Thu Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI