Các nhãn hàng thời trang cao cấp nhắm đến khách hàng tuổi teen

28/05/2023 - 16:36

PNO - Nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, chọn những ngôi sao trẻ K-pop làm gương mặt đại diện với mục đích đẩy mạnh thương hiệu đường phố và hình ảnh thương hiệu trẻ trung hơn.

Chuyện các hãng thời trang xa xỉ chọn đối tượng khách hàng là những người trẻ tuổi không phải là mới nhưng gần đây thanh thiếu niên, học sinh cấp 2,3 đã trở thành "mục tiêu sinh lợi mới" cho các thương hiệu này.

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều thanh thiếu niên mua hàng cao cấp, từ các sản phẩm làm đẹp và giày dép sang trọng giá "mềm" cho đến túi xách, đồng hồ và đồ trang sức đắt tiền hơn.

“Là một fan hâm mộ của Dior, tôi muốn trải nghiệm thương hiệu này” - Lee Kyung-min, một học sinh trung học có mặt tại sự kiện pop-up do nhà mốt Pháp Dior tổ chức để quảng bá dòng nước hoa mới ở Seoul vào tuần trước cho biết.

“Là học sinh, tôi chỉ có thể mua mỹ phẩm và những món đồ da nhỏ. Nhưng tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ có được một chiếc túi Dior. Tôi muốn khẳng định mình là một 'cô gái Dior'" - cô nói thêm.

Ca sĩ Hyein trở thành gương mặt đại diện cho những thương hiệu nổi tiếng
Ca sĩ Hyein trở thành gương mặt đại diện cho những thương hiệu nổi tiếng

Trào lưu mới của giới trẻ

Trên YouTube, có một xu hướng là các YouTuber tuổi teen chia sẻ những cuộc mua sắm của họ. Đa số tự giới thiệu mình là học sinh cấp 2, cấp 3, mê thời trang xa xỉ.

Xu hướng “chuyến đi xa xỉ” để giới thiệu những cuộc mua sắm cao cấp của những người ở độ tuổi 20 và 30 trước đây hiện đã lan rộng đến thanh thiếu niên, với hình ảnh các cô cậu học trò khoe những món hàng mới mua từ những thương hiệu xa xỉ như Chanel, Bvlgari, Cartier...

Một trong những video được giới trẻ Hàn Quốc xem nhiều nhất là cảnh một học sinh trung học chia sẻ cuộc mua sắm trị giá 10 triệu won (7.500 USD) để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 18 của mình.

“Vì tôi vẫn còn là học sinh nên tôi không có nhiều nơi để đi với chiếc túi này" - YouTuber nói trong video và mở hộp chiếc túi Dior, hiện có giá 5 triệu won. “Cha mẹ không cho phép tôi mang những chiếc túi sang trọng khi đi cùng bạn bè. Tôi chỉ đeo chúng khi đi chơi với bố mẹ thôi”.

Cùng với xu hướng hàng xa xỉ ngày càng thu hút người tiêu dùng trẻ, ngành thời trang đang dự báo những người dưới 20 tuổi sẽ trở thành nhóm tiêu dùng chính cho hàng xa xỉ.

Theo một báo cáo vào tháng 1 năm nay của công ty tư vấn Bain & Company, người tiêu dùng thế hệ Z (những người sinh từ giữa đến cuối những năm 1990) đang mua các mặt hàng xa xỉ sớm hơn khoảng 3 đến 5 năm so với thế hệ thiên niên kỷ (sinh từ 1981 đến 1996). “Chi tiêu của Gen Z và thậm chí cả Gen Alpha trẻ hơn sẽ tăng nhanh gấp 3 lần so với các thế hệ khác cho đến năm 2030, chiếm 1/3 thị trường”-  báo cáo cho biết.

Báo cáo dự đoán các thế hệ trẻ - bao gồm Gen Y, Z và Alpha - sẽ trở thành “những người mua hàng xa xỉ lớn nhất”, chiếm 80% lượng mua hàng toàn cầu vào năm 2030.

Để thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi, ngành công nghiệp xa xỉ đang áp dụng chiến lược tập trung vào giới trẻ, tích cực xây dựng hình ảnh thương hiệu là những nhãn hiệu trẻ trung, dễ tiếp cận. Tích cực tham gia vào các phương tiện truyền thông xã hội là một động thái nhằm mở ra cơ sở mua sắm hàng xa xỉ cho những khách hàng trẻ tuổi.

Gucci là một trong những hãng thời trang cao cấp đầu tiên ra mắt các phòng trưng bày ảo của riêng họ ở Zepeto, một nền tảng đa dạng phổ biến trong giới trẻ. (Zepeto)
Gucci là một trong những hãng thời trang cao cấp đầu tiên ra mắt các phòng trưng bày ảo ở Zepeto, một nền tảng đa dạng phổ biến trong giới trẻ

Chiến lược cho tương lai 

Ngoài việc chọn giới trẻ làm khách hàng tiềm năng, các hãng thời trang cao cấp cũng đang bắt tay với nhiều thương hiệu bình dân hơn trong nỗ lực tiêu thụ trên thị trường càng nhiều càng tốt. Điển hình là sự hợp tác của Louis Vuitton với nhãn hiệu thời trang đường phố Supreme vào năm 2017 đã báo hiệu một bước chuyển mình cho thương hiệu. Nó chỉ ra chiến lược mới của hãng thời trang xa xỉ nhằm phục vụ những khách hàng trẻ tuổi hơn nhiều, tiếp theo là Tiffany & Co. và Gucci hay Nike và Adidas...

Dựa trên sự phổ biến bùng nổ của K-pop trên toàn thế giới và lượng người hâm mộ đông đảo chưa từng có, các thương hiệu cũng đang ngày càng chọn các thần tượng K-pop, bao gồm cả các thành viên tuổi teen, làm gương mặt đại diện mới cho họ.

Nổi bật là nhóm Blackpink - hiện tượng K-pop được biết đến khắp toàn cầu với các thành viên đều ở độ tuổi 20 - đã gây ấn tượng mạnh với ngành công nghiệp thời trang sau khi tất cả các thành viên được mời làm đại sứ thương hiệu cho Chanel, Dior, Bvlgari và Celine.

Gần đây, một nhóm nhạc nữ khác có tên NewJeans cũng trở thành cái tên được ưa chuộng trong các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Louis Vuitton và Burberry. 5 thành viên đều đang ở độ tuổi thiếu niên, từ 15 đến 19.

Lee Eun-hee, giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha cho biết: “Người tiêu dùng luôn theo đuổi hình ảnh trẻ trung. Vì thế, các thương hiệu có thể xây dựng hình ảnh như vậy cho mình bằng cách để các ngôi sao K-pop trẻ đại diện cho nhãn hiệu. Ngoài ra, điều này cho thấy nhóm người tiêu dùng của các thương hiệu đang ngày càng trẻ hóa".

Nữ giáo sư nói thêm rằng các thương hiệu thời trang đang hấp dẫn thanh thiếu niên bằng chiến lược dài hạn bởi vì họ sẽ trở thành người tiêu dùng tiềm năng trong tương lai rất gần. “Hiện tại, có thể họ không phải là những người chi tiêu nhiều, nhưng rất có khả năng họ sẽ trở thành những người tiêu dùng sinh lợi trong tương lai. Các thương hiệu muốn xây dựng mối quan hệ với họ càng sớm càng tốt" - cô nói.

Trọng Trí (theo Korea Hearld)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI