Các nhà sản xuất Nhật Bản báo động tình trạng hàng giả lan tràn trong và ngoài nước

06/01/2025 - 06:56

PNO - Các thương hiệu Nhật Bản, từ Canon đến Meiji đang cảnh báo người tiêu dùng trong và ngoài nước về hàng giả, đặc biệt là khi mọi người mua hàng thông qua quảng cáo trên mạng xã hội hoặc các nền tảng thương mại điện tử lớn.

Omron cảnh báo về các sản phẩm giả đang được bán tại Nhật Bản và các thị trường nước ngoài bao gồm Singapore thông qua các quảng cáo giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội. ẢNH: OMRON HEALTHCARE
Omron cảnh báo về các sản phẩm giả đang được bán tại Nhật Bản và nhiều thị trường nước ngoài bao gồm Singapore thông qua các quảng cáo giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội - Ảnh: Omron Healthcare/ Straits Times

Hàng giả tràn lan

Những mặt hàng giả mạo thường được quảng bá thông qua quảng cáo trên mạng xã hội với mức giá hời, hoặc đi cùng các chương trình khuyến mại có thời hạn, đồng thời liên kết đến một trang web trông như thật khi người mua nhấp chuột vào.

Ngoài ra, một số người bán buôn cũng lợi dụng các biện pháp kiểm tra lỏng lẻo được cung cấp trên những nền tảng thương mại điện tử để bán hàng giả.

Các công ty đưa ra nhiều cảnh báo về những rủi ro sức khỏe khi sử dụng hoặc tiêu thụ các sản phẩm giả mạo - vốn ngày càng trở nên tinh vi hơn.

Trước đây, hàng giả chỉ tập trung vào ngành thời trang, nhưng trong năm qua, hàng giả đã xuất hiện trong nhiều ngành công nghiệp, từ sô cô la đến các thiết bị lọc nước và chăm sóc sức khỏe.

Mặc dù nguồn gốc của chúng rất khó truy tìm, nhưng các nhà chức trách Nhật Bản lưu ý rằng chúng chủ yếu được sản xuất và bán bởi các tập đoàn từ Trung Quốc hoặc khu vực Đông Nam Á.

Vấn đề này lan rộng đến mức hàng giả Nhật Bản đã xuất hiện ở các thị trường châu Á khác. Tổ chức Thương mại Đối ngoại Nhật Bản đã ký một thỏa thuận vào ngày 20/12 với các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam để xác định và truy quét hàng giả Nhật Bản đang được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu tại hải quan.

Những nỗ lực liên chính phủ này bổ sung cho các nỗ lực của từng công ty nhằm cảnh báo người tiêu dùng về việc mua hàng giả.

Omron, một nhà sản xuất các thiết bị theo dõi sức khỏe như máy đo huyết áp, là một trong những công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Công ty này đã bị Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng Nhật Bản khuyến cáo trong một thông tư vào tháng 8/2024, sau một loạt khiếu nại từ những người vô tình mua phải hàng giả trong nước.

Những người tiêu dùng này đã mua phải hàng giả với mức chiết khấu cực cao, từ các trang web không liên kết với Omron.

Một phát ngôn viên của công ty có trụ sở tại Kyoto nói với The Straits Times rằng hàng giả cũng đã xuất hiện ở nước ngoài, với công ty nhận được khoảng 150 khiếu nại mỗi tháng. Theo bà, Philippines là thị trường khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Bà cũng cho biết các thị trường khu vực khác bị ảnh hưởng bao gồm Thái Lan, Malaysia và Singapore, đồng thời nói thêm rằng Omron đã cảnh báo các cơ quan giám sát trong nước tương ứng, chẳng hạn như Cơ quan Khoa học Y tế Singapore, về các sự cố.

Thiếu sự kiểm soát

Mặc dù các nền tảng truyền thông xã hội đã cam kết giải quyết quảng cáo lừa đảo thông qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt, nhưng họ vẫn gặp khó khăn trong việc lọc ra những quảng cáo này một cách hiệu quả, do khối lượng lớn quảng cáo xuất hiện trên các trang web.

Điều này xảy ra khi một số thương nhân hàng giả khai thác các công cụ quảng cáo bằng cách bắt chước chính xác các doanh nghiệp, sản phẩm hoặc người nổi tiếng hợp pháp.

Cơ quan chức năng ở Nhật Bản đã tăng cường cảnh báo, với Văn phòng Sáng chế Nhật Bản phát động một chiến dịch vào năm 2024 để cảnh báo về hàng giả.

Trong chiến dịch của mình, Văn phòng Sáng chế Nhật Bản cho biết một chiến thuật phổ biến của những người cung cấp hàng giả là thu hút người tiêu dùng thông qua các khoản chiết khấu lớn khi mua số lượng nhiều hoặc chỉ bán trong thời gian có hạn.

Điều này sẽ khiến họ nhấp vào một trang web bắt chước trang web thực, hoặc giả mạo là nhà bán lẻ được ủy quyền bằng cách hiển thị logo thương hiệu.

Trang web thường có tên miền giả không liên quan đến trang web chính thức và không an toàn - với đường dẫn không bắt đầu bằng “https://”, đồng thời cung cấp các tùy chọn phương thức thanh toán hạn chế.

Hàng giả cũng có thể xuất hiện trên một nền tảng thương mại điện tử lớn. Dù vậy vẫn có những dấu hiệu dễ nhận biết, chẳng hạn như các khoản giảm giá sâu do các thương gia ẩn danh cung cấp mà thông tin liên hệ của họ không dễ tìm.

Cơ quan này cho biết chỉ vì một sản phẩm phản ánh logo thương hiệu hoặc số sê-ri không đồng nghĩa sản phẩm đó là hàng thật.

Linh La (theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI