Các nhà máy đốt rác phát điện ở TPHCM vì sao chậm trễ?

25/03/2022 - 07:24

PNO - Theo kế hoạch, cuối năm 2021, các nhà máy đốt rác phát điện ở TPHCM sẽ vận hành, xử lý hơn một nửa lượng rác thải trên toàn thành phố. Nhưng do vướng thủ tục, đến nay, nhiều dự án vẫn chưa xác định được cụ thể thời gian hoàn thành.

Không chịu nổi mùi hôi 

Với lượng rác thải sinh hoạt xấp xỉ 10.000 tấn/ngày, nhiều năm qua, ngành môi trường TPHCM đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm giảm ô nhiễm, như phân loại rác tại nguồn, tăng năng suất xử lý rác của các đơn vị và đặc biệt là phát triển công nghệ đốt rác phát điện.

Đến nay, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án nhà máy đốt rác phát điện vẫn chưa được phê duyệt nên Vietstar vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý còn lại để triển khai xây dựng
Đến nay, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án nhà máy đốt rác phát điện vẫn chưa được phê duyệt nên Vietstar vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý còn lại để triển khai xây dựng

Năm 2019, ba dự án nhà máy theo công nghệ đốt rác phát điện ở TPHCM đã được khởi công, dự kiến xử lý 6.000 tấn rác/ngày mà không cần phân loại rác tại nguồn, gồm nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar nằm trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, xã Thái Mỹ, H.Củ Chi; nhà máy xử lý 2.000 tấn/ngày của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, cũng nằm trong khu này; nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi ở xã Phước Hiệp, H.Củ Chi. Hứa hẹn sẽ vận hành cuối năm 2021 nhưng đến đầu tháng 3/2022, các nhà máy đốt rác phát điện vẫn chưa hoàn thành. 

Đang bơi xuồng cắt cỏ gần nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần Vietstar, ông Trần Hữu V. - 57 tuổi, ở thôn Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ - ngao ngán: “Mùi rác thúi ghê lắm. Dân ở đây đã quen mùi mà còn không chịu nổi, huống hồ người khác”. Ông V. là công nhân bảo trì của khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Theo ông, việc thành lập khu này đã giúp phần lớn người dân xã Thái Mỹ có việc làm ổn định nhưng đổi lại, chất lượng sống bị giảm sút: “Nước kênh đen ngòm, mùi hôi khiến bữa ăn không còn ngon miệng, đang ngủ ngon bỗng giật mình vì gió hắt mùi thúi vô muốn ngạt thở”. 

Sống gần bãi rác, quanh năm chịu cảnh hôi thối, ô nhiễm khiến người dân thôn Mỹ Khánh A phải từ chối tiếp khách ở nhà. “Dọn thức ăn lên mà mùi hôi tanh từ bãi rác cứ xộc vô, ngại lắm. Khách không quen, ngửi mùi đó là đau đầu. Tôi có mấy người thân sống ở trung tâm thành phố, cuối tuần họ hay về Củ Chi nghỉ dưỡng. Nhiều lần, họ ngỏ ý vô thăm nhà nhưng tôi đành từ chối và nói thật là nhà mình gần bãi rác” - ông V. kể.

Năm 2018, người dân xã Thái Mỹ đã phản ánh với chính quyền về mùi hôi, được trả lời là sẽ có các dự án đốt rác phát điện thay cho kiểu phân loại, ủ thành phân và chôn lấp, tái chế như lâu nay. Ông V. và người dân trong xã rất mừng, chờ mong từng ngày nhưng đã bốn năm qua, chưa có nhà máy nào chính thức hoạt động và họ vẫn từng ngày, từng giờ sống chung với ô nhiễm.

Vẫn đang chờ thủ tục

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Vietstar, hiện công ty đã hoàn thiện lắp đặt và vận hành ba dây chuyền phân loại rác với công nghệ tiên tiến. Công ty cũng đã làm đường dẫn vào nhà máy đốt rác phát điện với bề rộng 27m, đấu vào đường số 1, đồng thời san lấp mặt bằng 45.000m2, xây nền hạ cho các tuyến đường nội bộ trong nhà máy, đóng hơn 2.000 tim cọc cho nhà, ký hợp đồng và trả tiền đặt cọc cho các thiết bị chính yếu nhập từ nước ngoài.

Vietstar cũng đã hoàn thành thủ tục thẩm định công nghệ, quyết định chủ trương đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường và đang triển khai các thủ tục pháp lý còn lại. Tuy nhiên, đến nay, UBND TPHCM chưa phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 nên Vietstar vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý còn lại để triển khai xây dựng.

Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa được khởi công vào tháng 10/2019 nhưng đến nay, cũng chỉ mới xong phần san lấp mặt bằng, xây tường rào và tập kết sắt thép, vật tư trên khu đất dự kiến xây nhà máy. Theo đại diện công ty này, dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay đã gây khó khăn trong việc xuất nhập cảnh, làm chậm tiến độ đàm phán cũng như việc đến Việt Nam của các đối tác cũng như chuyên gia công nghệ, xây dựng.

Nguồn vốn cũng là một trong những khó khăn của Tâm Sinh Nghĩa trong quá trình triển khai dự án. Theo đó, dự án này có tổng mức đầu tư 4.976 tỷ đồng. Để đảm bảo về vốn và tiến độ, công ty đã lập hồ sơ vay vốn ngân hàng. Phía ngân hàng yêu cầu công ty cung cấp phụ lục hợp đồng xử lý rác của dự án đúng với công suất 2.000 tấn/ngày nhưng đến nay, phụ lục hợp đồng giữa Tâm Sinh Nghĩa với Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vẫn chưa được ký kết.

“Việc đảm bảo nguồn vốn cho dự án là rất quan trọng và cấp bách. Công ty đã hoàn thành gần như toàn bộ yêu cầu được nêu trong quyết định chủ trương đầu tư của UBND TPHCM năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa ký kết được phụ lục hợp đồng để bổ sung vào hồ sơ vay vốn” - đại diện Công ty Tâm Sinh Nghĩa chia sẻ.

Đại diện Công ty cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi cho biết, do dịch COVID-19, đối tác châu Âu chưa xác định thời gian cung cấp công nghệ, thi công lắp đặt trang thiết bị nên tiến độ xây dựng nhà máy bị chậm. Ngoài ra, tháng 7/2021, Tasco Củ Chi đã có văn bản đề xuất cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đặt hàng để công ty đầu tư xây dựng nhà máy công suất 3.000 tấn/ngày nhưng đến nay, đề xuất trên vẫn chưa được chấp thuận. Đến nay, trong các thủ tục cần thiết, Tasco Củ Chi chỉ mới được duyệt đồ án quy hoạch xây dựng 1/500, chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý còn lại.

Không thể chờ thêm được nữa 

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu - chủ đầu tư dự án nhà máy tái chế và xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước, H.Bình Chánh - hiện công ty đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị xử lý tại nhà máy và dự án đã đủ điều kiện để vận hành thử nghiệm theo văn bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành vào tháng 7/2021, thời gian vận hành thử nghiệm là sáu tháng kể từ ngày được chấp thuận vận hành thử nghiệm. 

Tuy nhiên, do chất thải thu gom không đủ số lượng, chủng loại nên chưa thể vận hành thử được. Công ty đã làm hồ sơ xin gia hạn việc thử nghiệm và dự kiến sẽ hoàn thành việc thử nghiệm vào quý II/2022 để vận hành chính thức vào quý III/2022. Cuối năm 2021, Mộc An Châu đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM , xin nâng công suất nhà máy từ 500 tấn/ngày lên 3.500 tấn/ngày và hiện vẫn đang chờ được phê duyệt.

Được biết, ngoài các thủ tục liên quan đến xây dựng, các chủ đầu tư nhà máy đốt rác phát điện còn phải chờ các cơ quan có thẩm quyền chuyển hồ sơ dự án đến Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án quy hoạch điện VIII. Đại diện Công ty Tâm Sinh Nghĩa cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điện VIII, công ty sẽ trình Bộ Xây dựng thẩm định các hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Khi hồ sơ thiết kế được Bộ Xây dựng thẩm định đạt yêu cầu, Sở Xây dựng sẽ cấp giấy phép xây dựng chính thức cho dự án. Nhà máy sẽ được xây dựng trong thời gian 18 tháng kể từ khi được cấp phép xây dựng, sau đó vận hành thử hai tháng và đưa vào hoạt động…

Giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá - chuyên gia môi trường - cho rằng, đốt rác phát điện sẽ giải quyết được áp lực xử lý rác thải sinh hoạt ở TPHCM : “Chúng ta chậm rồi, không thể chờ nữa”. Theo ông, lượng rác thải sinh hoạt ở TPHCM xấp xỉ 10.000 tấn/ngày và dự báo mỗi năm, sẽ tăng thêm 10%. Công nghệ đốt rác phát điện mang lại rất nhiều lợi ích như xử lý được nhiều rác thải hơn, tạo ra nguồn điện sinh hoạt, giảm được diện tích sử dụng đất và giảm phát thải ra môi trường. Ông cho rằng, UBND TPHCM và các bộ, ngành cần thảo gỡ những vướng mắc trong thủ tục hành chính để các dự án được triển khai thuận lợi. 

TPHCM ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

Theo báo cáo của Sở Công thương vừa trình UBND TPHCM , TPHCM không có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng khác như: thủy điện, điện gió, đồng thời hạn chế về quỹ đất nên sẽ ưu tiên phát triển hai nguồn năng lượng sạch (năng lượng tái tạo) là năng lượng điện mặt trời mái nhà và năng lượng điện từ chất thải rắn (rác thải).

Sở Công thương TPHCM cho biết, trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà nối lưới tại thành phố tăng rất nhanh qua từng năm. Đặc biệt, kể từ khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời vào năm 2017 và khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Cụ thể, vào năm 2013 thành phố mới chỉ có 200KWp nối lưới được lắp đặt cho các hộ dân tại xã đảo Thạnh An, H.Cần Giờ, thì năm 2019 công suất đã lên hơn 69MWp. Trong năm 2020, trên địa bàn thành phố đã phát triển thêm 8.762 hệ thống với công suất 299,93MWp, tăng 358,49% so với cùng kỳ năm trước đó. Tính đến cuối năm 2020, thành phố đã lắp đặt tổng cộng khoảng 14.249 công trình với công suất lắp đặt khoảng 361,98MWp.

Thời gian qua, thành phố cũng đã kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện với mong muốn có những nhà máy xử lý rác thông minh, vừa xử lý rác, vừa tạo năng lượng an toàn cho môi trường. 

Dự kiến, sắp tới lãnh đạo UBND TPHCM sẽ có buổi làm việc với Đại sứ Mỹ liên quan đến vấn đề phát triển năng lượng sạch. Các chuyên gia về nguồn năng lượng sạch mong muốn qua buổi làm việc này, Đại sứ Mỹ sẽ quan tâm, hỗ trợ TPHCM về công nghệ, nhân lực, tài chính để phát triển nguồn năng lượng sạch góp phần giảm khí thải nhà kính và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Quốc Ngọc - Hoàng Lâm


Tuyết Dân - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI