Các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi miễn áp dụng tạm thời quyền sở hữu trí tuệ vắc-xin COVID-19

24/04/2021 - 12:24

PNO - Hôm thứ Sáu (23/4), các nhà lập pháp và các tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ đã gây áp lực lên chính quyền của Tổng thống Biden, yêu cầu ủng hộ việc miễn áp đặt quyền sở hữu trí tuệ tạm thời đối với vắc-xin COVID-19, nhằm giúp các nước nghèo có cơ hội tiếp cận vắc-xin dễ dàng hơn và sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Đến nay, Mỹ và một số nước lớn khác vẫn ngăn cản các cuộc đàm phán tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan đến một đề xuất do Ấn Độ và Nam Phi khởi xướng, được 100 thành viên WTO ủng hộ. Theo đề xuất này, các công ty dược phẩm đang nghiên cứu và sản xuất các loại vắc-xin COVID-19 nên từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo điều kiện để các nước đang phát triển sản xuất các loại vắc-xin này, nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan và bùng phát của dịch bệnh trên thế giới.

Các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi miễn trừ tạm thời quyền phát minh vắc-xin COVID-19
Các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi miễn trừ tạm thời quyền phát minh vắc-xin COVID-19 - Ảnh: Reuters

Những người ủng hộ đang thúc đẩy chính phủ Mỹ đồng thuận với đề xuất nói trên trước cuộc họp chính thức tiếp theo của WTO về vấn đề này, dự kiến diễn ra vào ngày 5/5.

Theo một nguồn tin nhanh về vấn đề này, được chia sẻ với Reuters, các quan chức thương mại Hoa Kỳ hiện cũng đã nhận ra rằng “cần phải làm gì đó, chẳng hạn như tạm thời miễn trừ việc tuân thủ Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) hay thực hiện một số giải pháp khác”.

Một nguồn tin khác thì cho biết chính quyền Mỹ cũng đang lo ngại tình hình bùng phát dịch COVID-19 ngày càng trầm trọng ở Ấn Độ và các nước có thu nhập thấp khác có thể làm suy yếu những tiến bộ mà Mỹ đã đạt.

Đại diện Thương mại Mỹ - Katherine Tai - hiện chưa đưa ra bình luận về các kiến ​​nghị hoặc các bình luận mới đây liên quan chủ đề nói trên.

Tuần trước, bà Tai đã ví tình hình đại dịch COVID-19 đã đẩy các nước kém phát triển vào khoảng cách rất lớn với các nước phát triển trong việc tiếp cận với vắc-xin, cũng không khác với những gì mà họ đã phải trải qua khi không có đủ thuốc men để chống chọi trong cuộc khủng hoảng AIDS. Tuy cho rằng đây là một thực tế “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, nhưng bà Tai cũng đã ngưng ủng hộ việc miễn trừ áp dụng TRIPS.

Hiện, Phòng Thương mại Mỹ và các công ty dược phẩm lớn như Pfizer và BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson cũng phản đối việc miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin COVID-19.

Những người phản đối cho rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ có thể làm giảm tính an toàn của vắc-xin trên thế giới và cho rằng các vấn đề khác, chẳng hạn như cải thiện hệ thống phân phối vắc-xin, nên là những ưu tiên cấp bách hơn.

Nhất Nguyên (theo CAN, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI