Các nhà làm hoạt hình và kỹ xảo Việt nói lý do kỹ xảo phim Việt dở

08/04/2024 - 19:38

PNO - Ngày 8/4, tọa đàm bàn về hoạt hình và kỹ xảo trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TPHCM đã nhận được nhiều quan tâm của người trong nghề.

Những năm gần đây, ngành kỹ xảo (VFX) Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn. Số lượng các studio tăng vọt, ê kíp người Việt có tên trong khâu hậu kỳ VFX của các phim bom tấn lớn. Vì vậy, buổi tọa đàm "Hoạt hình và kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu" diễn ra chiều ngày 8/4 trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TPHCM đã nhận được nhiều quan tâm của người trong nghề.

Buổi tọa đàm có mặt các khách mời diễn giả là những nhân vật tiên phong ngành này tại Việt Nam như các ông Lê Anh Dy - CEO blankNegatives - Chủ tịch VAVA; Đinh Trí Dũng - Giám đốc Học viện MAAC - Phó Chủ tịch VAVA; Thierry Nguyen – đồng sáng lập Badclay Studio - CEO của AIOI Studios, Phó Chủ tịch VAVA; Phan Tuấn Anh, đồng sáng lập và là CEO của Animost; Ming Pan - Giám đốc sáng tạo / Nhà sản xuất VFX của MIXEL MEDIA; bà Julia Vũ - giám đốc Học viện Sconnect.

Ông Ming Pan giới thiệu sản phẩm của mình tại tọa đàm
Ông Ming Pan giới thiệu sản phẩm của mình tại tọa đàm

Tính đến nay, Việt Nam có 102 studio làm hoạt hình và kỹ xảo, trong đó ở phía Nam là 68 studio. Các diễn giả nhận định lợi thế của ngành nghề này tại Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài là có nhiều nhân tài, lực lượng trẻ hùng hậu, chi phí thấp. Hiện nay, có nhiều học viện đào tạo ngành này nên dễ tuyển dụng.

Có một nghịch lý hiện nay là trong khi đội ngũ làm kỹ xảo trong nước gây tiếng vang với những sản phẩm nước ngoài thì kỹ xảo trong những phim Việt luôn bị chê. Giải thích lý do, ông Lê Anh Dy - CEO blankNegatives cho rằng: “Do ngân sách. Các khách hàng đã xem kỹ xảo xịn nhưng không biết để làm vậy đòi hỏi chi phí rất cao. Không có nhiều tiền thì chất lượng chỉ đến đó. Nhưng có thể bù lại bằng kịch bản, câu chuyện hay”.

Ông Thierry Nguyễn không đồng tình việc kịch bản cứu kỹ xảo vì “Kịch bản tốt thì kỹ xảo giúp mọi thứ tốt hơn lên nhưng nếu cốt truyện dở, không để lại ấn tượng gì cho người xem thì VFX cũng như vô hình. Khách hàng phải hiểu VFX không đơn giản là bấm vài cái nút, rê chuột là ra kết quả”.

Một bạn trẻ  đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm
Một bạn trẻ đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm

Trước câu hỏi của một khán giả về kinh phí làm VFX, ông Thierry Nguyen khuyên “Nên khôn khéo chọn VFX phù hợp, coi lại số lượng cần bao nhiêu. Khi viết kịch bản phải biết bao nhiêu phần quay kỹ xảo. Kinh phí cho 20.000 shot rất tốn kém, do đó nên coi lại phim thuộc thể loại gì, có thể thành công không”.

Ngoài khó khăn về chi phí, ngành này còn đang gặp khó trong công tác đào tạo. Ông Thierry Nguyen so sánh: "Ở Pháp, học ngành này rất tốn kém, kéo dài 3-5 năm. Còn ở Việt Nam, người trẻ chỉ muốn học tại chỗ để làm cho nhanh với thời gian học tối đa 2 năm”.

Ông Phan Tuần Anh than thở: “Đã trầy trật tìm nhân tài nhưng tìm được người phù hợp rồi giữ họ ở lại lâu càng khó hơn, nhất là những nhân sự lõi của studio. Ngành này khó tìm người có kinh nghiệm nên các studio phải cố gắng đãi ngộ thật tốt để giữ chân họ”.

Ông Lê Anh Dy khuyên: Các bạn trẻ muốn đi theo ngành hãy cho mình thời gian đủ lâu, ít nhất 2 năm. Nếu làm studio này 1 năm rồi nhảy qua studio khác làm thì học không đủ sâu, tốn công cho cả 2 bên”.

Gần đây, việc ứng dụng AI đang đe dọa nhiều ngành nghề nên vấn đề này cũng được đưa ra tại tọa đàm. Ông Lê Anh Dy tỏ ra không quá lo lắng điều này. Ông nói “Tôi vẫn dùng AI trong những công việc lặp đi lặp lại. các thao tác tách ảnh, xóa phông, AI làm rất nhanh và giúp tăng tốc quá trình làm việc. Nếu chúng ta không nhập liệu thì AI không làm được, vì vậy chúng ta cần học cách sử dụng AI để ra lệnh cho đúng”.

Tin-ảnh:H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI