Các nhà khoa học “sinh nghề, tử nghiệp” - Bài 2: Giấc mơ trường sinh

06/03/2013 - 06:50

PNO - PN - Tháng 4/1928, tin nhà khoa học Alexander Bogdanov qua đời được loan báo. Ông là một nhân vật gây nhiều tranh cãi tại đất nước của mình cũng như ở phương Tây, nhưng không ai có thể quên được việc ông là một trong những nhà khoa học...

Alexander Bogdanov vốn là một người cộng sản kỳ cựu, là bạn chiến đấu của Lenin nhưng đã rời khỏi đảng Cộng sản trước khi cuộc Cách mạng tháng Mười diễn ra. Tuy nhiên, không vì thế mà Lenin đánh mất sự quý trọng người bạn tài năng này. Hơn ai hết, Bogdanov luôn được nhớ đến như một nhà khoa học kỳ tài. Thời kỳ sau đó, Stalin cũng hết lòng tôn trọng ông. Ngay cả khi rời khỏi đảng, Bogdanov vẫn luôn là người ủng hộ nhiệt tình cho chủ nghĩa xã hội, luôn đả kích sự chia rẽ nội bộ, thói quan liêu trong đảng. Vì thế, không ít nhân vật có thế lực trong đảng lúc đó đã xem ông như kẻ thù.

Cac nha khoa hoc “sinh nghe, tu nghiep” - Bai 2: Giac mo truong sinh

Lenin (phải) chơi cờ với Bogdanov (ảnh: internet)

“Những nhà khoa học điên rồ”

Bogdanov đã tách mình khỏi chính trị để toàn tâm toàn ý cho khoa học và triết học. Tại tang lễ của Bogdanov, những nhà lãnh đạo Liên Xô đã hết lời ca ngợi sự uyên bác của ông cũng như đánh giá cao lòng can đảm của một người đã hiến dâng cuộc đời cho khoa học.

“Những nhà khoa học điên rồ” là danh xưng mà thế giới phương Tây lúc đó gọi các nhà khoa học Liên Xô với các công trình tưởng như phi thực tế, nói một cách khác là “không tưởng”. Có thể nói, Alexander Bogdanov là người đứng đầu danh sách đó. Ông thành công trong rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, dù có không ít lần thất bại. Công trình đáng nói nhất của ông là phương pháp truyền máu, điều mà sau này nhiều nhà khoa học vẫn còn tiếp tục nghiên cứu để tìm ra hiệu quả tối ưu nhất.

Bogdanov không bao giờ được nhà nước Liên Xô lúc ấy cấp đủ tiền để phát triển và thử nghiệm những lý thuyết khoa học của ông, kể cả công trình nghiên cứu về truyền máu. Tuy nhiên, không vì thế mà ông nản lòng. Ông đã làm mọi cách để hoàn thiện công trình này và đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Trong những năm trước cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, Bogdanov viết nhiều cuốn sách theo góc nhìn của một triết gia. Cuốn sách ông tâm đắc nhất là Ngôi sao màu đỏ, trong đó ông tưởng tượng ra những người trên hành tinh Martian có thể sống trường sinh nhờ phát minh ra kỹ thuật truyền máu. Nói cách khác, đó là ý tưởng thay dòng máu đã bị lão hóa bằng dòng máu mới, trẻ trung hơn.

Ước mơ dang dở

Năm 1924, Bogdanov bắt đầu những thử nghiệm về việc truyền máu, nói đúng hơn là “thay máu”, với hy vọng sẽ kéo dài tuổi thọ của con người. Một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất lý thuyết này của Bogdanov là Maria Ulianova, chị của Lenin. Bà tình nguyện trở thành một trong những người tham gia trực tiếp vào việc truyền máu. Tuy nhiên, Bogdanov đã dùng chính con người mình để thử nghiệm. Sau 11 lần truyền máu như thế, trong sổ tay của mình, ông đã bày tỏ sự hài lòng khi cho là đã cải thiện đáng kể về thị lực, chặn đứng việc hói đầu cùng nhiều triệu chứng khác trong cơ thể. Nói chung, Bogdanov tin là cơ thể mình đang bắt đầu được “trẻ hóa” và việc tìm ra phương pháp để con người tiến đến việc trường sinh là hoàn toàn có thể.

Cac nha khoa hoc “sinh nghe, tu nghiep” - Bai 2: Giac mo truong sinh

Nhà khoa học Alexander Bogdanov và giấc mơ trường sinh (ảnh: internet)

Không chỉ riêng Bogdanov mà nhiều người quen biết ông cũng nhận ra điều đó. Leonid Krasin, người bạn thân của Bogdanov từ thời trước Cách mạng, đã viết thư cho vợ mình như sau: “Bogdanov có vẻ như trẻ hơn bảy tuổi, mà không, anh phải nói là anh ấy trẻ hơn 10 tuổi sau những lần truyền máu này”. Hào hứng với những kết quả ban đầu, năm 1925 Bogdanov thành lập Viện nghiên cứu về máu. Cho đến nay, viện này vẫn còn tồn tại và được mang tên ông.

Thông tin về công trình của Bogdanov lan đến phương Tây nhưng không nhà khoa học nào của phương Tây cho rằng đó là một công trình đáng tin cậy. Nhiều người nói, đó chỉ là một cách tuyên truyền của nhà nước Liên Xô nhằm tô đậm tính ưu việt về khoa học của mình.

Thế nhưng, Bogdanov vẫn tự tin đeo đuổi giấc mơ trường sinh. Tiếc là giấc mơ đó đã đột ngột tắt lịm sau một sự cố. Trong một lần truyền máu như thế, ông đã dùng phải máu của một sinh viên đang mắc bệnh sốt rét và lao phổi. Bogdanov chết nhưng thật diệu kỳ, người sinh viên đó sau khi được truyền máu của Bogdanov không chỉ sống mà còn hoàn toàn khỏi bệnh.

Sau cái chết của Bogdanov, giới khoa học phương Tây lại có dịp chỉ trích phương pháp của ông, thậm chí có người - như Loren Graham - cho rằng Bogdanov đã tự vẫn vì những lý do mang tính chính trị. Họ đưa ra giả thuyết đó dựa vào những lá thư Bogdanov viết trước khi chết. Tuy nhiên, bất chấp những dư luận trái chiều về Bogdanov, các nhà khoa học chân chính vẫn đánh giá cao lý thuyết về truyền máu của ông, vốn chưa được biết nhiều ở phương Tây giai đoạn đó.

Sau cái chết của Bogdanov, Viện nghiên cứu về máu mà ông thành lập vẫn tiếp tục hoạt động. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, đã có nhiều trung tâm truyền máu được thiết lập trên khắp Liên Xô và nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thành lập hệ thống ngân hàng máu. Cuối cùng, giới khoa học cũng nhận ra tầm quan trọng và tính đúng đắn của những công trình nghiên cứu về máu của Bogdanov. Tuy nhiên, không ai nghĩ đến việc tìm cách trường sinh qua việc “thay máu” như Bogdanov.

THIỆN NGA

Đón đọc kỳ tới: Cú nhảy từ tháp Eiffel

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI