Các nhà khoa học “sinh nghề, tử nghiệp” - Bài 1: Nữ nhi… không thường tình

04/03/2013 - 07:35

PNO - PN - Là người tiên phong trong nghiên cứu phóng xạ hạt nhân, phát hiện nguyên tố hóa học Polonium và Radium, bà Marie Curie (ảnh) đã dành gần nửa đời người tìm hiểu và ứng dụng đồng vị phóng xạ để trị các khối u ác tính. Tuy...

Nói đến nhà khoa học Pháp gốc Ba Lan Marie Sklodowska Curie là nói đến một “người đặc biệt”. Bà là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được trao giải Nobel, cũng là người duy nhất cho tới nay được Viện Hàn lâm hoàng gia Thụy Điển tôn vinh hai lần trong hai lĩnh vực khoa học khác nhau. Bà là nữ giáo sư đầu tiên giảng dạy tại Đại học Paris (nay là trường Sorbonne lừng danh). Vinh dự hơn, bà là người phụ nữ đầu tiên có tro cốt đặt trong điện Panthéon theo quyết định của Tổng thống François Mitterrand. Lễ cải táng diễn ra ngày 20/4/1995 có mặt Tổng thống Ba Lan Lech Valesa. Panthéon là nơi an nghỉ cuối cùng của những người có công trạng đặc biệt với nước Pháp.

Cac nha khoa hoc “sinh nghe, tu nghiep” - Bai 1: Nu nhi… khong thuong tinh

Bà Marie Curie (ảnh: internet)

Luôn nhớ cội nguồn

Maria Salomea Skłodowska chào đời ngày 7/11/1867 tại Warsaw, lúc đó thuộc vương quốc Ba Lan nằm trong đế chế Nga, nay là thủ đô Ba Lan. Là con út trong một gia đình tri thức (cha là giáo sư toán và vật lý, mẹ là giáo viên tiểu học), Maria có năm anh chị em. Bà học xuất sắc tất cả các môn từ lúc còn bé. Năm 16 tuổi, tốt nghiệp cấp III với tấm huy chương vàng, bà học trường “đại học bay” - một cơ sở giáo dục hoạt động ngầm của Ba Lan, nhằm chống lại đế chế Nga.

Năm 1891, bà theo người chị cả đến Paris, ghi danh vào khoa vật lý, Trường đại học Paris với tên Marie Sklodowska. Điều kiện học hành rất vất vả, do vừa học vừa làm, nên không ít lần bà bị ngất vì đói và giá rét nhưng vẫn đậu thủ khoa cử nhân vật lý (năm 1893). Một năm sau, bà đỗ á khoa cử nhân toán.

Bà gặp ông Pierre Curie, lớn hơn bà tám tuổi, trưởng phòng thực tập nghiên cứu Trường cao đẳng Hóa lý công nghiệp thành phố Paris năm 1894. Lúc bấy giờ cả hai đang cùng nghiên cứu đặc tính hiện tượng từ của sắt, thép. Niềm đam mê khoa học đã gắn kết hai người với nhau, tình đồng nghiệp trở thành tình yêu đôi lứa.

Vốn là một người nặng lòng với quê hương, Marie (tên thường dùng của bà tại Pháp) thoạt đầu từ chối lời cầu hôn của Pierre vì kế hoạch của bà là quay về nghiên cứu khoa học tại Ba Lan. Tưởng chừng chàng bỏ cuộc, nào ngờ Pierre tuyên bố sẵn sàng theo nàng về Ba Lan, từ bỏ sự nghiệp khoa học, đi dạy tiếng Pháp để kiếm sống.

Mùa hè năm 1894, Marie hồi hương, những tưởng sẽ dễ dàng kiếm việc làm như ý nhưng bà bị trường đại học Krakow từ chối chỉ vì bà là... phụ nữ. Marie vỡ mộng. Lá thư thắm thiết sau đó của Pierre đã thuyết phục được bà quay lại Paris để học lên tiến sĩ. Ngược lại, bà cũng thuyết phục Pierre viết luận án tiến sĩ về từ tính.

Năm 1895 đánh dấu sự kiện lớn trong đời Marie. Bà đồng ý kết hôn với người yêu. Sau đó, Pierre Curie đạt học vị tiến sĩ, được giữ lại trường với chức danh giáo sư. Những người thân tấm tắc khen “Marie là phát hiện lớn nhất” của Pierre.

Được nhập tịch Pháp với tên mới Marie Sklodowska Curie, bà vẫn không quên cội nguồn của mình. Khi có hai cô con gái, bà dạy con tiếng Ba Lan và thường xuyên dẫn con về thăm quê ngoại để có sự gắn bó với nguồn gốc Ba Lan. Bà đã thể hiện mạnh mẽ tình yêu dành cho quê nhà ngay khi phát hiện được nguyên tố hóa học mới đầu tiên vào năm 1898, bà đã đặt tên nó là Polonium để tri ân quê hương mình.

Cac nha khoa hoc “sinh nghe, tu nghiep” - Bai 1: Nu nhi… khong thuong tinh

Vợ chồng nhà Curie trong phòng thí nghiệm (ảnh: internet)

Bản lĩnh nữ nhi

Vào cuối thế kỷ XIX, không riêng gì nước Pháp mà khắp châu Âu, nam giới thống trị trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là nghiên cứu khoa học. Bà Marie đã nhận thức rõ điều đó ngay từ lúc mới đặt chân đến thủ đô ánh sáng Paris. Trong số 1.825 sinh viên khoa vật lý của Trường đại học Paris năm 1891 chỉ có 23 nữ sinh viên, trong đó có cô nữ sinh Ba Lan Marie Salomea Sklodowska. Tất cả không phải là người bản xứ bởi đơn giản thời đó môn vật lý không được giảng dạy trong các trường trung học nữ của Pháp.

Cũng vì mang thân phận nữ nhi, Marie Curie suýt bị gạt khỏi danh sách đề cử giải Nobel vật lý năm 1903. Lúc đó ai cũng biết vợ chồng nhà Curie cùng với nhà vật lý lỗi lạc người Pháp Henri Becquerel (người phát hiện tia phát siêu lân quang gọi là tia Becquerel) chia nhau phần thưởng giải Nobel. Nhưng ít ai biết khi làm danh sách đề cử, Viện Hàn lâm khoa học Pháp - vốn nổi tiếng là Vương quốc của đàn ông - chỉ nêu tên hai ông Pierre Curie và Henri Becquerel, dù trong nghiên cứu tiên phong về phóng xạ hạt nhân có công lớn của nữ tiến sĩ vật lý Marie Curie (đậu hạng xuất sắc cùng năm).

Sau này, hồ sơ của Ủy ban Nobel Thụy Điển cho biết, nhờ tiết lộ của một thành viên của ủy ban mà ông Pierre Curie biết tên vợ mình bị gạt ra từ Pháp. Ông đã dùng uy tín cá nhân để can thiệp, đưa tên Marie Curie vào giờ chót. Ông Pierre qua đời năm 1906 trong một tai nạn giao thông hy hữu là bị xe ngựa đè chết. Không phụ lòng tin tưởng của chồng, bà Marie vẫn theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.

Tám năm sau khi đoạt giải Nobel Vật lý, ngày 8/11/1911, bà lại được trao giải Nobel Hóa học vì “có công phát hiện hai nguyên tố hóa học mới là Polonium và Radium”. Như vậy, bà trở thành nhà khoa học nữ đầu tiên và duy nhất cho đến nay được trao hai giải Nobel ở hai lĩnh vực khoa học khác nhau. Thế nhưng, không như lần đầu, báo chí Pháp đã phớt lờ sự kiện quan trọng này. Lý do là trước đó bốn ngày, bà góa phụ Marie Curie dính vào cái gọi là “scandal Langevin”. Paul Langevin là nhà vật lý Pháp nổi tiếng với lý thuyết từ tính. Ông đã có vợ con nhưng có một thời gian ngắn “quan hệ trên mức tình cảm” với bà Marie. Chuyện đổ bể, một số tờ báo cực hữu, bài ngoại và thù ghét phụ nữ chỉ trích bà là người đàn bà Ba Lan xấu xa “phá hoại gia cang người Pháp”.

Nỗi đau này chưa nguôi, bà nhận thêm một cú sốc: ban tổ chức giải Nobel gợi ý khuyên bà không nên đến Thụy Điển nhận giải vì vụ scandal vừa kể. Bất chấp dư luận, ngày 10/12/1911 bà vẫn đến Stockholm nhận giải cùng với chị ruột Bronya và con gái Irène.

Cac nha khoa hoc “sinh nghe, tu nghiep” - Bai 1: Nu nhi… khong thuong tinh

Mộ của bà Marie Curie ở điện Panthéon (ảnh: internet)

Họa vô đơn chí

Có thể nói, năm 1911 đã xảy ra nhiều chuyện đau buồn đối với bà Marie Curie. Sau scandal tình ái, bà được chẩn đoán mắc bệnh suy thận cấp phải mổ. Trong thời gian dưỡng bệnh kéo dài với cả nỗi đau tinh thần lẫn thể xác, bà không hề biết đang có một nguy cơ khác rình rập mạng sống của mình.

Lúc mới sinh Irène (năm 1897), gia đình Curie rất khó khăn, hai vợ chồng vừa đi dạy vừa nghiên cứu phóng xạ hạt nhân uranium trong một trại tồi tàn ở phía sau trường đại học. Trại này trước kia là nơi thực tập mổ xẻ của sinh viên trường y, hệ thống thông gió sơ sài. Hai vợ chồng bị phơi nhiễm phóng xạ hàng ngày mà không hề biết cái giá phải trả sau này, vì lúc đó đâu ai biết tác hại thực sự của phóng xạ.

Nhà hóa học Đức Willhem Ostwald khi đến thăm “phòng thí nghiệm” của vợ chồng nhà Curie đã buột miệng: “Phòng thí nghiệm này giống như chuồng thú và kho chứa khoai tây. Nếu tôi không thấy tận mắt thì tưởng người ta bịa chuyện để lừa tôi”.

Sau hơn 10 năm miệt mài nghiên cứu phóng xạ và bị phơi nhiễm đặc biệt ở mắt và tai, sức khỏe bà Marie suy sụp nghiêm trọng. Người ta phát hiện bà mắc bệnh ung thư bạch cầu. Ngày 29/6/1934, bà vào viện điều dưỡng Sancellemoz ở Passy (tỉnh Haute-Savoie) trị bệnh và qua đời tại đó năm ngày sau, hưởng thọ 67 tuổi.

Mãi đến năm 1995, khảo nghiệm tro cốt vợ chồng nhà Curie trước khi cải táng vào điện Panthéon, người ta mới phát hiện dấu vết phóng xạ Radium 226.

TRỌNG NGHĨA
Đón đọc kỳ tới: Giấc mơ trường sinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI