Các nhà khoa học nghiên cứu sự bùng phát dịch COVID-19 ở chồn tại châu Âu

03/08/2020 - 06:00

PNO - Dịch COVID-19 bùng phát gần đây tại các trang trại nuôi chồn ở Tây Ban Nha và Hà Lan, khiến các nhà khoa học bắt đầu đi sâu nghiên cứu cách thức các loài động vật bị nhiễm bệnh và đánh giá liệu chúng có khả năng lan truyền virus trở lại cho người hay không.

Chính quyền Tây Ban Nha và Hà Lan đã tiêu hủy hơn 1 triệu con chồn trong các trang trại chăn nuôi sau khi phát hiện ổ dịch COVID-19. Kể từ lúc dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái, nhiều chuyên gia từng nhận định virus gây ra đại dịch bắt nguồn từ động vật, có thể là dơi, và sau đó lây từ người sang người như cách thức mà các loại virus khác lan truyền trong quá khứ.

Cho đến nay, một số động vật bao gồm mèo, hổ và chó được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 từ người nhưng chưa có trường hợp nào ghi nhận chúng lây truyền trở lại cho con người.

Các nhà khoa học nghiên cứu sự bùng phát dịch COVID-19 ở chồn tại châu Âu.
Các nhà khoa học nghiên cứu sự bùng phát dịch COVID-19 ở chồn tại châu Âu

Theo các chuyên gia, những con chồn trong các trang trại ở Hà Lan và Tây Ban Nha nhiều khả năng bị lây virus từ những công nhân nhiễm bệnh. Song song với đó, chính phủ Hà Lan và một nhà nghiên cứu cho biết, có cơ sở đáng tin cậy cho rằng một số công nhân khác sau đó đã nhiễm bệnh từ những con chồn. Hiện, các nhà khoa học đang khám phá xem liệu trường hợp trên có thực sự xảy ra hay không và mức độ đe dọa của sự lây lan này như thế nào.

Joaquín Olona, Giám đốc nông nghiệp và môi trường địa phương cho biết, vụ dịch tại trang trại chồn Tây Ban Nha gần La Puebla de Valverde, một ngôi làng gồm 500 người, được phát hiện sau khi 7/14 nhân viên, bao gồm cả chủ sở hữu, đã xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 vào cuối tháng 5. Đáng chú ý, sau đó 2 nhân viên khác được báo cáo nhiễm bệnh ngay cả khi trang trại ngừng hoạt động. Hiện, hơn 92.000 con chồn đã được tiêu hủy, ước tính cứ 10 con chồn thì có 9 con đã nhiễm virus.

Trước đó, hơn 1,1 triệu con chồn tại 26 trang trại ở Hà Lan cũng bị tiêu hủy. Ngày 28/7, chính phủ nước này tiếp tục công bố thêm trang trại nuôi chồn thứ 27 bị nhiễm bệnh và sẽ sớm có kế hoạch giải quyết chúng. Sau loạt ổ dịch bùng phát, 2 quốc gia châu Âu đã thắt chặt các quy trình kiểm tra vệ sinh tại các trang trại chồn và cấm vận chuyển chúng đến gần các tòa nhà. 

Nhân viên y tế Hà Lan tiêu hủy chồn tại một trang trại có 2 nhân công nhiễm COVID-19
Nhân viên y tế Hà Lan tiêu hủy chồn tại một trang trại có 2 nhân công nhiễm COVID-19 - Ảnh: AFP

Giáo sư Wim van der Poel, bác sĩ thú y chuyên nghiên cứu virus tại Đại học Wageningen, đã xác định chủng virus ở chồn tương tự chủng virus lây lan ở người. “Chúng tôi cho rằng rất có thể virus từ động vật sẽ được truyền trở lại cho người một lần nữa, và đó dường như đã xảy ra với ít nhất 2 trong số các công nhân (ở Tây Ban Nha) bị nhiễm bệnh.” - giáo sư Wim van der Poel nói.

Richard Ostfeld, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hệ sinh thái Cary ở Millbrook, New York, nhấn mạnh nếu được xác nhận, 2 công nhân trên là những trường hợp đầu tiên ghi nhận sự lây truyền virus từ động vật sang người.

“Với những bằng chứng về sự lây truyền từ chồn sang người mới đây, chúng tôi chắc chắn cần quan tâm nhiều hơn đến khả năng các loại vật nuôi có thể truyền bệnh sang chúng ta.” - Richard Ostfeld nói.

Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng cho biết một số loại virus corona gây bệnh cho động vật có thể lây sang người và sau đó lây lan giữa người với người, nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra.

Cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Sức khỏe động vật Thế giới có trụ sở tại Paris đang tích cực nghiên cứu việc lây truyền virus giữa động vật và người. 

Trung Quốc, nơi sản xuất lông chồn lớn thứ 3 trên thế giới, vẫn chưa báo cáo bất kỳ sự bùng phát dịch COVID-19 nào ở chồn hoặc các loài động vật khác tại trang trại.

Chung Thu Hương (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI