Các nhà khoa học nghiên cứu kết hợp vắc xin tiêm phòng cúm và COVID-19

27/02/2022 - 07:56

PNO - Giám đốc điều hành của Moderna, Stéphane Bancel, kỳ vọng có thể trình làng mũi tiêm kết hợp giữa phòng bệnh cúm mùa và COVID-19 vào năm 2023.

Với việc nhiều nhà khoa học dự đoán vắc xin COVID-19 cần phải được tiêm phòng mỗi năm, một số nghiên cứu kết hợp vắc xin cúm và COVID-19 đã bắt đầu xuất hiện. Theo đó, ý tưởng là một mũi tiêm duy nhất được tiêm vào mùa thu hàng năm để bảo vệ chống lại bệnh cúm theo mùa và COVID-19.

Các công ty dược phẩm Moderna và Novavax đã công bố kế hoạch thực hiện một mũi tiêm kết hợp nhưng các nhà khoa học chia sẻ đừng mong đợi chúng sẽ có sẵn trong mùa thu sắp tới. Thay vào đó, Giám đốc điều hành của Moderna nói rằng sự kết hợp vắc xin cúm mùa và COVID-19 có thể sẵn sàng vào năm 2023.

Các nhà khoa học nghiên cứu kết hợp vắc xin tiêm phòng cúm và COVID-19
Các nhà khoa học nghiên cứu kết hợp vắc xin tiêm phòng cúm và COVID-19

Mặc dù các nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả của vắc xin COVID-19 sẽ mất dần theo thời gian nhưng tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho biết trong tuần này hầu hết người Mỹ không cần tiêm liều thứ tư (ngoài mũi tiêm tăng cường hiện có). Hiện, các nhà khoa học vẫn liên tục đánh giá tình hình.

Tiến sĩ Anna Durbin, Giám đốc trung tâm nghiên cứu tiêm chủng tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Tôi nghĩ trước tiên chúng ta phải đánh giá nhu cầu dài hạn đối với vắc xin COVID-19 hàng năm. Tuy nhiên, nếu vẫn còn nhu cầu về vắc xin COVID-19, thì việc kết hợp vắc xin đó với bệnh cúm sẽ có ý nghĩa”.

Dẫu vậy vẫn có một số thách thức về mặt kỹ thuật để tạo ra vắc xin kết hợp. 

Tiến sĩ Durbin cho biết loại vắc xin cúm được sử dụng rộng rãi nhất ở Hoa Kỳ có chứa virus bất hoạt hoặc giảm độc lực (làm suy yếu) để kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Điều này khác với các vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA, dạy các tế bào của cơ thể cách tạo ra một loại protein kích hoạt các phản ứng miễn dịch.

Trong khi hai trong số ba loại vắc xin COVID được ủy quyền dựa trên công nghệ mRNA, các loại vắc xin cúm trước đây đã không sử dụng công nghệ này nhưng mới đây, Moderna và Pfizer đang nghiên cứu vắc xin cúm mRNA.

Ngoài sự khác biệt về công nghệ, một thách thức nữa là vắc xin cúm phổ biến nhất ở Mỹ là vắc xin tứ liên, có nghĩa là nó được thiết kế để bảo vệ chống lại bốn loại virus cúm khác nhau. Tương tự, sự gia tăng của các biến thể COVID-19 mới cũng có thể gây ra những thách thức đối với việc phát triển vắc xin.

Tháng 9 vừa qua, Novavax đã đăng ký nghiên cứu để đánh giá tính an toàn, khả năng dung nạp và đáp ứng miễn dịch của vắc xin kết hợp cúm mùa và COVID-19. Không giống như vắc xin của Pfizer và Moderna sử dụng mRNA, những vắc xin của Novavax áp dụng công nghệ tiểu đơn vị protein, đưa một đoạn virus vào cơ thể được hệ thống miễn dịch nhận biết và kích hoạt phản ứng. 

Moderna cũng đã thông báo rằng họ đang phát triển một loại vắc xin một liều kết hợp chống lại COVID-19 và bệnh cúm, được gọi là mRNA-1073. Trong các nghiên cứu tiền lâm sàng, Moderna đã quan sát thấy rằng vắc xin cúm mùa và vắc xin tăng cường COVID-19 có thể được kết hợp thành một liều để tạo ra phản ứng miễn dịch đối với cả hai loại virus.

Giám đốc điều hành của Moderna, Stéphane Bancel, dự đoán đợt tiêm phòng kết hợp này có thể bắt đầu vào năm 2023.

Thu Hương (theo ABC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI