Các nhà khoa học chạy đua tìm kiếm vắc-xin 2019-nCoV

31/01/2020 - 06:04

PNO - 2019-nCoV, loại virus phát sinh từ ổ dịch Vũ Hán (Trung Quốc), đang gây nên làn sóng chết chóc ở đại lục và khiến cả thế giới lo ngại, loại virus mới hết sức nguy hiểm này đã lây nhiễm cho hàng ngàn người, nhưng không có thuốc đặc trị cũng như không có vắc-xin.

Tính riêng trong 5 năm qua, thế giới đã phải đối mặt với sự bùng phát của dịch bệnh Ebola, Zika, Mers (Hội chứng hô hấp Trung Đông), và bây giờ là "2019-nCoV", virus mới mang tên gọi đơn giản nhưng là một “sát thủ thực sự”, đến ngày 30/1 nó đã giết chết 170 người ở Trung Quốc.

Bên trong phòng thí nghiệm nghiên cứu vắc-xin 2019-nCoV ở Mỹ
Bên trong phòng thí nghiệm nghiên cứu vắc-xin 2019-nCoV ở Mỹ

Nhưng không giống như những đợt bùng phát dịch trước đây, khi vắc-xin bảo vệ con người phải mất nhiều năm để phát triển, việc nghiên cứu một loại vắc-xin giúp khống chế sự bùng phát dịch hô hấp cấp bắt nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc) được tiến hành chỉ trong vài giờ sau khi virus được nhận diện.

Các quan chức y tế Trung Quốc đã nhanh chóng công bố mã di truyền của virus. Thông tin đó giúp các nhà khoa học thế giới xác định virus có thể đến từ đâu, nó có thể biến đổi thế nào khi bùng phát thành dịch và cách thức bảo vệ con người trước loại virus “sát nhân” này.

Với những tiến bộ công nghệ và cam kết lớn hơn từ các chính phủ trên thế giới để tài trợ cho nghiên cứu về các bệnh mới xuất hiện, các cơ sở nghiên cứu có điều kiện để nhanh chóng bắt tay vào hành động.

Tại phòng thí nghiệm Inovio ở San Diego (Mỹ), các nhà khoa học sử dụng công nghệ DNA tương đối mới để phát triển một loại vắc-xin tiềm năng. Vắc-xin này được gọi là "INO-4800" và sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người vào đầu mùa hè này.

Phó chủ tịch nghiên cứu và phát triển của Inovio, Kate Broderick, nói rằng “một khi Trung Quốc đã cung cấp chuỗi DNA của virus này, chúng tôi có thể đưa nó qua công nghệ máy tính của phòng thí nghiệm và thiết kế vắc-xin trong vòng 3 giờ”.

Bà Broderick nhấn mạnh: "Vắc-xin DNA của chúng tôi mới ở chỗ nó sử dụng chuỗi DNA của virus để nhắm vào các bộ phận cụ thể của mầm bệnh mà chúng tôi tin rằng cơ thể có thể đáp ứng mạnh nhất, sau đó, chúng tôi sử dụng các tế bào của chính bệnh nhân để làm ‘một nhà máy sản xuất vắc-xin’, trong khi củng cố các cơ chế phản ứng tự nhiên của cơ thể".

Các nhà khoa học Mỹ hy vọng sắp tới sẽ có một loại vắc-xin sẵn sàng tham gia thử nghiệm trên người
Các nhà khoa học Mỹ hy vọng sắp tới sẽ có một loại vắc-xin sẵn sàng tham gia thử nghiệm trên người

Công ty Inovio nói rằng nếu các thử nghiệm ban đầu ở người thành công, các thử nghiệm lớn hơn sẽ diễn ra, lý tưởng nhất là trong điều kiện dịch bệnh ở Trung Quốc "vào cuối năm nay".

Không thể dự đoán liệu đợt bùng phát dịch này có khả năng kết thúc trước thời điểm đó hay không, nhưng công ty cho biết đây sẽ là loại vắc-xin mới nhanh nhất từng được phát triển và thử nghiệm trong tình huống dịch bệnh.

Lần gần đây nhất, khi virus Sars xuất hiện vào năm 2002, Trung Quốc đã chậm trễ cung cấp thông tin bệnh dịch cho thế giới, vì vậy khi các nước bắt tay nghiên cứu vắc-xin một cách nghiêm túc, thì dịch bệnh đã gần hết.

Hoạt động phát triển vắc-xin của phòng thí nghiệm Inovio được tài trợ bởi Liên minh Đổi mới đối phó với dịch bệnh (Cepi), một tổ chức được chính phủ và các tổ chức từ thiện trên khắp thế giới tài trợ. Cepi được lập ra sau vụ dịch Ebola ở Tây Phi nhằm cung cấp kinh phí để đẩy nhanh việc phát triển vắc-xin cho các bệnh mới.

Cepi cũng đang tài trợ cho hai chương trình khác đang phát triển vắc-xin cho loại coronavirus mới ở Trung Quốc.

Đại học Queensland (Úc) đang nghiên cứu một loại vắc-xin "kẹp phân tử", theo đó "cho phép sản xuất vắc-xin có mục tiêu và nhanh chóng chống lại nhiều mầm bệnh virus".

Máy nuôi vi khuẩn để cung cấp thành phần chính cho vắc-xin
Máy nuôi vi khuẩn để cung cấp thành phần chính cho vắc-xin

Công ty Moderna Inc ở Massachusetts (Mỹ) cũng đã hợp tác với Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ để đẩy nhanh nghiên cứu của mình.

Trong khi đó, WHO đang phối hợp thực hiện nhiệm vụ toàn cầu này để tìm ra một loại vắc-xin mới. WHO nói rằng các chuyên gia đang theo dõi tiến trình của một số cơ sở nghiên cứu, bao gồm cả ba cơ sở được Cepi hỗ trợ nêu trên.

Bất chấp những nỗ lực để đẩy nhanh việc phát triển vắc-xin cho coronavirus mới, nhưng nghiên cứu vẫn còn ở giai đoạn đầu tại tất cả các cơ sở trong cuộc chạy đua tìm ra một loại vắc-xin mới. Các thử nghiệm lâm sàng cần có thời gian và được thực hiện tốt nhất trong bối cảnh dịch bệnh.

WHO sẽ là cơ quan quyết định loại vắc-xin nào sẽ được thử nghiệm đầu tiên trên người trong những ngày tới.

Quế Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI