Các nhà khoa học âm thầm chuẩn bị thử nghiệm vắc-xin COVID-19

09/03/2020 - 10:30

PNO - Sau nhiều tuần dài nghiên cứu vắc-xin COVID-19 tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), đã đến lúc các nhà khoa học tiến hành một thử nghiệm quan trọng, nếu vắc-xin làm tăng hệ thống miễn dịch, các mẫu máu lấy từ những con chuột được tiêm chủng, sẽ đổi màu.

Vài phút trôi qua, cuối cùng các mẫu máu trên đĩa bắt đầu phát sáng màu xanh, báo hiệu nghiên cứu đã thành công.

Tiến sĩ Kizzmekia Corbett (trái), nghiên cứu viên cao cấp và lãnh đạo khoa học nhóm miễn dịch di truyền nghiên cứu vắc-xin coronavirus tại Phòng thí nghiệm bệnh học siêu vi, báo cáo tiến trình nghiên cứu với Tổng thống Donald Trump tại Viện Y tế Quốc gia hôm 3/3 - Ảnh: AP
Tiến sĩ Kizzmekia Corbett (trái), nghiên cứu viên cao cấp và lãnh đạo khoa học nhóm miễn dịch di truyền nghiên cứu vắc-xin coronavirus tại Phòng thí nghiệm bệnh học siêu vi, báo cáo tiến trình nghiên cứu với Tổng thống Donald Trump tại Viện Y tế Quốc gia hôm 3/3 - Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP đưa tin về hoạt động của nhóm nghiên cứu NIH đã mô tả các nhà khoa học rất phấn khởi khi thu được kết quả thí nghiệm tích cực.

Vào thời điểm này, hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua với thời gian để tạo ra một loại vắc-xin trong khi các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu. Điều quan trọng là họ theo đuổi các loại vắc-xin khác nhau, một số nhà nghiên cứu thậm chí còn nhắm đến các loại vắc-xin tạm thời, ngắn hạn, chẳng hạn như các mũi tiêm có thể bảo vệ sức khỏe con người một hoặc hai tháng một lần, trong khi các nghiên cứu vắc-xin có tác dụng lâu dài tiếp tục được tiến hành.

Bác sĩ Judith O’Donnell, giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y tế Presbyterian ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, cảnh báo, “chừng nào chưa thử nghiệm ở người, chúng tôi hoàn toàn không biết phản ứng miễn dịch sẽ như thế nào”. Cô cho biết, có rất nhiều loại vắc-xin khác nhau với rất nhiều lý thuyết khác nhau nhưng đều nhắm đến khoa học tạo ra khả năng miễn dịch, “tất cả các con đường song song thực sự mang đến cho chúng ta cơ hội tốt nhất để thành công trong việc tìm ra vắc-xin COVID-19”.

Thử nghiệm bước đầu với một số lượng nhỏ tình nguyện viên trẻ, khỏe mạnh sẽ được bắt đầu sớm. Những người tham gia thí nghiệm sẽ không nhiễm bệnh vì các mũi tiêm không chứa virus. Mục tiêu là thuần túy để kiểm tra xem vắc-xin có gây tác dụng phụ đáng lo ngại hay không, tạo tiền đề cho các xét nghiệm lớn hơn xem họ có được bảo vệ hay không.

Nhóm thử nghiệm đầu tiên thuộc về Viện nghiên cứu sức khỏe Kaiser Permanente Washington ở thành phố Seattle tiểu bang Washington. Nhóm chuẩn bị thử nghiệm 45 tình nguyện viên với các liều thuốc khác nhau do NIH và Moderna Inc. hợp tác phát triển.

Tiếp theo, Inovio Pharmaceuticals đặt mục tiêu bắt đầu các thử nghiệm an toàn cho vắc-xin của họ vào tháng tới với vài chục tình nguyện viên tại Đại học Pennsylvania và một trung tâm thử nghiệm ở thành phố Kansas, tiểu bang Missouri, sau đó là một nghiên cứu tương tự ở Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia NIH nhấn mạnh, ngay cả khi các xét nghiệm an toàn đầu tiên diễn ra tốt đẹp, thì cũng phải mất một năm đến một năm rưỡi trước khi bất kỳ loại vắc-xin nào có thể được đưa ra sử dụng rộng rãi.

Các nhà khoa học dường như đang đến giai đoạn nước rút để thiết lập kỷ lục “chạy đua” nghiên cứu vắc-xin COVID-19. Nhưng các nhà sản xuất phải chờ đợi, sự chờ đợi là cần thiết vì cần thử nghiệm trên hàng ngàn người để biết liệu vắc-xin có thực sự bảo vệ con người và không gây hại hay không, vì họ không được phép làm người dân sợ hãi.

Dù bất cứ cách tiếp cận nào, theo phương pháp của NIH, Inovio hay Regeneron, nhóm nghiên cứu Corbett của NIH cho biết một ngày nào đó các nhà khoa học hy vọng sẽ có vắc-xin chống dịch đưa ra sử dụng rộng rãi. Các nhà khoa học tin rằng, COVID-19 biến đổi sẽ vượt xa chỉ một mùa, nó sẽ quay trở lại và “tái xuất” vào năm tới. “Trong trường hợp đó, chúng tôi hy vọng sẽ có vắc-xin để đối phó với virus”.

Tô Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI