Các nhà báo phải đối mặt với hiểm nguy mỗi ngày

21/06/2024 - 06:08

PNO - Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), năm 2023, có đến 50 người thiệt mạng trong khi đang hoạt động báo chí. Nơi nguy hiểm nhất đối với nhà báo là Palestine, Mexico, Afghanistan, Bangladesh, Lebanon, Cameroon, Philippines…

Gần 80% vụ giết hại nhà báo chưa được giải quyết

Số lượng nhà báo tử vong nói trên chỉ mới được UNESCO xác nhận, có thể thấp hơn thực tế. Trong năm 2023 còn 109 nhà báo khác mất tích. Trong đó, 34 trường hợp tại Mexico, 9 ở Syria, 6 ở Nga, 6 ở Pakistan, 5 ở Cộng hòa Dân chủ Congo và 5 ở Kosovo…

Các nữ phóng viên của Đài Truyền hình Syria tác nghiệp tại dải Gaza - Nguồn ảnh: Al Jazeera
Các nữ phóng viên của Đài Truyền hình Syria tác nghiệp tại dải Gaza - Nguồn ảnh: Al Jazeera

10 năm sau khi Liên hiệp quốc tuyên bố Ngày quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo, UNESCO cho biết, gần 80% các vụ giết hại nhà báo vẫn chưa được giải quyết. Haiti nổi lên như là một trong những quốc gia mà những kẻ gây ra cái chết cho các nhà báo có nhiều khả năng thoát tội nhất. Lý do xuất phát từ tình trạng xung đột, tham nhũng, nổi loạn, thực thi pháp luật không đầy đủ và thiếu sự quan tâm trong việc trừng phạt những kẻ thủ ác ở quốc gia này.

Các vụ giết hại nhà báo ở Mexico đã giảm so với mức cao của năm 2022, nhưng đây vẫn là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với các nhà báo. Vụ việc María Elena Ferral bị sát hại là điển hình cho tình trạng báo động về rủi ro mà các nhà báo phải đối mặt ở đất nước này, đặc biệt nhà báo nữ. Ngày 30/3/2020, cô bị 2 người đàn ông phục kích tại Papantla. Họ bắn 3 phát súng vào bụng và Ferral chết trong bệnh viện. “Mẹ tôi biết mạng sống của mình đã được “treo thưởng” vì liên tục bị đe dọa” - con gái của nhà báo Ferral bộc bạch sau vụ việc.

Tại Gaza, nhà báo tự do Rakan Abdelrahman mặc áo gi lê có dòng chữ “báo chí” và thường làm việc tại một quán cà phê. Anh nói: “Kết nối internet kém và mất điện, chúng tôi không thể đưa tin trực tiếp về bất cứ điều gì theo thời gian thực. Dù sao cũng không có nơi nào thích hợp để làm việc. Các nhà báo mặc áo giáp và mũ bảo hiểm có ghi chú rõ ràng là báo chí nhưng vẫn bị xem như mục tiêu”. 3 nhà báo đã thiệt mạng vào ngày 10/10/2023, sau khi ra ngoài quay phim một tòa nhà ở TP Gaza sắp bị đánh bom. Tất cả họ đều đứng ở khoảng cách an toàn, cách tòa nhà mục tiêu hàng trăm mét, nhưng cuộc không kích lại đánh trúng một tòa nhà khác gần họ.

Nhề báo ngày càng nguy hiểm

Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres nói: “Các nhà báo và chuyên gia truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin và giáo dục công chúng về tình trạng khẩn cấp của môi trường và biến đổi khí hậu lại đang bị đe dọa”. Các báo cáo gần đây của UNESCO cho biết nhà báo - đặc biệt là nhà báo bảo vệ môi trường - đang phải đối mặt với tấn công bạo lực, thậm chí tử vong, khi đang thi hành nhiệm vụ. Hàng chục nhà báo đưa tin về tình trạng khai thác mỏ, phá rừng, săn trộm và các vấn đề môi trường khác đã bị giết trong những thập niên gần đây. Thế nhưng, trong phần lớn các trường hợp, không ai phải chịu trách nhiệm. Các nhà báo và cơ quan báo chí đưa tin về vấn đề môi trường đã phải đối mặt với khoảng 750 vụ tấn công trong 15 năm qua. Và trong 50 năm qua, 44 nhà báo đưa tin về môi trường đã bị giết.

 Nhà báo tự do Rakan Abdelrahman ở Gaza coi một quán cà phê như là văn phòng của mình và cho biết mỗi giây trôi qua, đều có thể gặp nguy hiểm - ẢNH: AL JAZEERA
Nhà báo Rakan Abdelrahman ở Gaza coi một quán cà phê như là văn phòng của mình và cho biết mỗi giây trôi qua, đều có thể gặp nguy hiểm - ẢNH: AL JAZEERA

Nima Elbagir - một nhà báo điều tra lỗi lạc và là thành viên mới được bổ nhiệm của ban giám khảo giải thưởng Tự do báo chí thế giới UNESCO - đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về các vấn đề cấp bách mà nhà báo trên toàn cầu đang phải đối mặt, cũng như tính cấp thiết của hành động bảo vệ báo chí. “Danh sách các rào cản và mối nguy hiểm đối với nhà báo ngày nay có thể là vô tận. Đó là lý do tại sao giải thưởng Tự do báo chí thế giới lại quan trọng. Sự công nhận toàn cầu mà giải thưởng mang lại có thể giúp cung cấp một biện pháp bảo vệ” - bà nói.

Theo UNESCO, giải thưởng nhằm vinh danh các nhà báo bảo vệ quyền tự do báo chí trong những hoàn cảnh khó khăn trên khắp thế giới thông qua việc đưa tin không sợ hãi, bất chấp mọi khó khăn. Các nhà báo nữ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa đối với công việc. Nghiên cứu Chilling do UNESCO ủy quyền, phát hiện rằng có gần 73% nữ nhà báo cho biết đã từng trải qua bạo lực trực tuyến. Các vấn đề mà nhà báo nữ phải đối mặt - theo Elbagir - cũng là điều tất cả nhà báo nói chung phải đối mặt. Riêng phụ nữ bị ảnh hưởng ở cấp số nhân về sự kỳ thị.

Nam Anh (theo Global Citizen, UN, Statista)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI