Các ngân hàng sẽ “bơm” tiền cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo

10/08/2021 - 20:38

PNO - Thương nhân, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo… góp phần giảm thiểu tình trạng tồn ứ thóc gạo tại ĐBSCL.

Chiều ngày 10/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại và giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện ngay các giải pháp để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo.

Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ lúa (thóc), gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ thóc gạo hiện nay tại khu vực ĐBSCL.

Hàng triệu tấn lúa đang tồn đọng tại ĐBSCL do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: NNVN
Hàng triệu tấn lúa đang tồn đọng tại ĐBSCL do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh: NNVN

Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp; chủ động làm việc trực tiếp với các thương nhân, doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân tiếp cận vốn phục vụ thu mua tạm trữ thóc, gạo. Tuy nhiên, việc cho vay đảm bảo các nguyên tắc tín dụng hiện hành, quản lý được dòng tiền và thu hồi nợ.

Các ngân hàng thương mại cũng được yêu cầu tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, trong đó có các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh…

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo; không để xảy ra tình trạng ách tắc, ứ đọng thóc, gạo do thiếu vốn tín dụng.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI