Các ngân hàng lại siết điều kiện vay

10/09/2020 - 06:50

PNO - Nhiều khách hàng than, gần đây, việc vay được vốn ở các ngân hàng trở nên khó hơn, nhất là các ngân hàng có mức lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm.

Khó đáp ứng điều kiện vay 

Chị Thùy Dung (H.Hóc Môn, TPHCM) cho biết, đang có nhu cầu vay tiền để sửa nhà nhưng ngân hàng đưa ra điều kiện vay khó hơn trước. Hai năm trước, khi vay tại ngân hàng P. để mua nhà, ngân hàng này yêu cầu có giấy xác nhận thu nhập, trong đó bao gồm tiền lương, phúc lợi xã hội, tiền thưởng. Mới đây, khi vay tiền để sửa nhà, cũng với chứng nhận thu nhập như trước, ngân hàng này lại thông báo chị không đủ điều kiện vay vì tiền lương hằng tháng thấp, các khoản khác cao nhưng không cố định nên rủi ro tín dụng cao. 

“Không những vậy, ngân hàng còn yêu cầu tôi phải nộp thêm bản sao kê ngân hàng để xem tài khoản thanh toán trong năm ra sao. Nếu có các khoản thu nhập khác, cũng cần có sao kê từ ngân hàng mới được chấp nhận” - chị Dung thông tin. 

Nhiều khách hàng than thở gần đây việc vay được vốn ở các ngân hàng trở nên khó khăn hơn
Nhiều khách hàng than thở gần đây việc vay được vốn ở các ngân hàng trở nên khó khăn hơn

Anh Minh Vũ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nhờ nhân viên ngân hàng V. tư vấn để vay tiền mua nhà. Anh có một công ty kinh doanh nhỏ nhưng nhân viên ngân hàng cho rằng, thu nhập từ công ty của anh thấp do báo cáo thuế “lèo tèo”. Sau nhiều lần thẩm định, anh nhận thông báo không đủ điều kiện vay. “Trước đây, với mức thu nhập này, tôi vay rất dễ, nhân viên ngân hàng cũng không cần xuống tận công ty xác minh nhiều lần như hiện nay” - anh Vũ kể. 

Nhiều nhân viên tín dụng than, các ngân hàng một mặt ép doanh số tín dụng, mặt khác lại đưa ra điều kiện khó hơn trước nên áp lực công việc ngày càng nặng nề. Một số nhân viên tín dụng buộc phải tìm cách “lách” để được giải ngân khoản vay. “Bên em đòi hỏi phải có sao kê tài khoản mỗi tháng từ 20 triệu đồng trở lên mới cho vay với lãi suất ưu đãi. Nếu chị chỉ có thu nhập bằng tiền mặt, mỗi tháng vào một ngày cố định nào đó, chị nhờ ai đó chuyển tiền vào tài khoản rồi ghi nội dung “tiền lương tháng”. Sau ba tháng, chị ra ngân hàng sao kê tài khoản thì em mới cho chị vay được” - một nhân viên tín dụng hướng dẫn chúng tôi làm thủ tục vay. 

Xét duyệt căng do nợ xấu tăng

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, để tránh rủi ro tín dụng, các tổ chức tín dụng đang rà soát kỹ các yêu cầu về tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm của khách hàng, đặc biệt là với các khoản vay đầu tư kinh doanh bất động sản, vay tiêu dùng và đầu tư chứng khoán. 
Theo đại diện Public Bank Việt Nam, do dịch COVID-19 nên ngân hàng yêu cầu xem lại cách tính thu nhập để giảm thiểu rủi ro. Chỉ có mức lương cố định, có sao kê tài khoản rõ ràng mới được tính 100% trên hạn mức vay. Các khoản thu nhập khác không cố định chỉ được tính 70% thay vì 100% như trước. 

Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, các tổ chức tín dụng phải thay đổi cách xét thu nhập là do tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng có dấu hiệu tăng dần. Theo các báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng, tổng nợ xấu của Vietcombank tăng 11% so với đầu năm, BIDV tăng 17%, Vietinbank tăng 48%, Sacombank tăng 17%, ACB tăng 32%, OCB tăng 14%, Eximbank tăng 12%…

Cho vay cá nhân, cụ thể là vay tiêu dùng, giúp ngân hàng gia tăng lợi nhuận do có lãi suất cao hơn các lĩnh vực khác. Trong 9 tháng đầu năm 2019, phân khúc cho vay cá nhân, hộ kinh doanh tại VPBank chiếm tới 57,1% tổng dư nợ cho vay, cao nhất trong các nhóm khách hàng; tại VIB, dư nợ cho vay cá nhân chiếm tới 78% tổng dư nợ, đến quý II/2020 tăng lên 85% và tăng 42,9% so với cuối năm 2018. Nhưng theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, lợi càng lớn thì rủi ro càng cao. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách không đủ khả năng trả nợ, bị chuyển nợ quá hạn nhiều nên từ đầu năm đến nay, ngân hàng rao bán nợ xấu bất động sản, ô tô khá nhiều. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết, tính đến cuối tháng 7/2020, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng trưởng 3,45%, chưa bằng một nửa so với năm 2019. Tới đây, tín dụng tiêu dùng, cho vay cá nhân sẽ còn tăng trưởng chậm. “Dù vậy, các tổ chức tín dụng cũng không thể cho vay quá dễ dàng, vô tội vạ, vì như vậy, nợ xấu sẽ tăng rất nhanh” - ông Hùng nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI