Các nền tảng trực tuyến đối mặt với những khó khăn lớn

05/07/2023 - 18:35

PNO - 10 năm trước, series House of Cards ra mắt. Bộ phim được đánh giá là đã thiết lập một cuộc cách mạng cho ngành phim ảnh truyền hình. Sau 1 thập niên, mô hình phát trực tuyến đã nảy sinh nhiều vấn đề.

Ở thời điểm đó, 2 mùa House of Cards được Netflix đã cam kết tài trợ số tiền lên đến 100 triệu USD - mức đầu tư đắt đỏ so với chuẩn đầu tư cho phim truyền hình lúc bấy giờ. Cùng lúc đó, Netflix đã thuyết phục được diễn viên Spacey,  đạo diễn 2 lần được đề cử Oscar - và nhà điều hành sản xuất David Fincher đồng hành cùng bộ phim - điều khiến không ít người ở Hollywood ngỡ ngàng.

Trước đây, tính năng phát trực tuyến chỉ tập trung xung quanh một số ít nền tảng: Netflix, Amazon, BBC iPlayer ở Anh, Hulu ở Mỹ… nhưng nay ngày càng nhiều nền tảng ra đời. 

House of Cards - một trong những series phim truyền hình nổi tiếng của Netflix
House of Cards - một trong những series phim truyền hình nổi tiếng của Netflix

Không chấp nhận Netflix giữ vị thế độc quyền, những gã khổng lồ truyền thông lâu đời của Mỹ nhanh chóng rút các chương trình và phim của họ khỏi Netflix và đưa vào các nền tảng riêng đang phát triển: Disney+, Peacock, Warner Bros và HBO Max của Discovery (nay chỉ là Max), Paramount+ của Viacom. Để đối phó, Netflix tung ra các chương trình gốc của riêng mình. 

Mattias Frey - người đứng đầu ngành truyền thông, văn hóa và sáng tạo tại Đại học London, tác giả cuốn Netflix Recommends: Algorithms, Film Choice, and the History of Taste - nhận định: “Nhiều người rất không hài lòng với các nền tảng trực tuyến. Xu hướng hiện tại của khán giả là không thích phải chờ đợi để được xem từng tập của bộ phim yêu thích. Thay vào đó, họ ưa chuộng việc lựa chọn “One-stop shop” - nơi có thể đáp ứng đủ các nhu cầu của họ”. Điều này lại khiến Netflix vô tình đối mặt với những phức tạp mới khi sở hữu cả 2 đặc điểm trên. 

Việc phát trực tuyến cũng gặp trục trặc đối với các nhà sáng tạo chương trình, khi các thành viên của Hiệp hội Nhà văn Hoa Kỳ và hiệp hội đại diện cho các diễn viên màn ảnh, đang đình công về tiền lương và điều kiện làm việc.

Mùa hè năm ngoái, Netflix phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đầu tiên. Giá cổ phiếu Netflix giảm mạnh 35% sau khi nền tảng này mất 200.000 người đăng ký trong bối cảnh chi phí sinh hoạt khủng hoảng. Các quyết định khó khăn đã được đưa ra, đáng chú ý là việc ngăn chặn chia sẻ mật khẩu và giới thiệu cấp đăng ký hỗ trợ quảng cáo. “Dù trước đó họ đã cam kết sẽ không bao giờ có quảng cáo” - Brian Steinberg - biên tập viên truyền hình của Variety - nói. 

Khó khăn đang xảy ra ở hầu hết các nền tảng phát trực tuyến trên thế giới. Disney+ đã công bố khoản lỗ hơn 1 tỉ USD trong quý I/2023 (con số đó đã giảm xuống mức 659 triệu USD trong quý II), Peacock - nhánh phát trực tuyến của NBC Hoa Kỳ - dự kiến ​​​​có thể lỗ 3 tỉ USD trong năm nay khi mở rộng danh sách phát của mình. 

Mặc dù tạo ra lợi nhuận khá trong năm nay, “ông lớn” Netflix vẫn phải gánh khoản nợ lịch sử lên đến khoảng 14 tỉ USD. Steinberg nói: “Các công ty phát trực tuyến đã kéo nhau đầu tư vào lĩnh vực mới mà không đảm bảo rằng họ có thể thực sự kinh doanh từ nó”.

Có lẽ điều đáng báo động nhất là việc Phố Wall đã giảm sự quan tâm đến lĩnh vực này trong thời gian gần đây. Phố Wall có sức ảnh hưởng tương đối lớn với các công ty phát triển truyền hình trực tuyến. Trước đây, khi ngành này mở rộng, giá cổ phiếu tăng cao, thúc đẩy việc vay vốn đầu tư nhiều hơn. Một báo cáo của Công ty Deloitte về tương lai của ngành từ đầu năm nay lưu ý rằng: “Các nhà đầu tư và giám đốc điều hành đã chấp nhận rằng phát trực tuyến trên thực tế không phải là một hoạt động kinh doanh tốt, ít nhất là tệ hơn so với những gì đã có trước đây”. 

Tuấn Huy (tổng hợp)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI