Các mẹ người H’mông đi học chữ để đổi đời

22/07/2024 - 06:55

PNO - Gạt bỏ quan niệm “con gái học chữ để làm gì”, phụ nữ H’mông ở rẻo cao Nghệ An quyết tìm đến lớp xóa mù chữ khi đã ngoài 40 tuổi. Có kiến thức, nhiều người mạnh dạn đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế và đã thoát nghèo.

Mặt trời xuống núi, bà Xồng Y Xồng - 58 tuổi, trú bản Huồi Xài, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - hối thúc chồng cùng 2 cháu nội vào ăn cơm để kịp đến lớp học xóa mù chữ. Hằng ngày, vợ chồng bà đều nói tiếng H’mông, chỉ học “lỏm” vài câu phổ thông để giao tiếp, song rất khó khăn. Mỗi khi làm giấy tờ, cả hai vợ chồng đều phải nhờ con, người quen hoặc cán bộ xã hỗ trợ. Hay tin Trường tiểu học Na Ngoi mở lớp xóa mù chữ, vợ chồng bà Xồng là người đầu tiên đăng ký đi học.

Cả gia đình đội đèn đi học

Gần 1 năm nay, ngày ngày vợ chồng bà Xồng thay phiên nhau người lên rẫy, người ở nhà trông cháu nội cho vợ chồng cậu con trai đang làm thuê ở miền Nam. Buổi tối, ông bà đội đèn pin, dắt cháu lò dò đến điểm Trường tiểu học Huồi Xài, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Na Ngoi 2 để “tìm con chữ”. Người phụ nữ 58 tuổi này cũng không nghĩ đôi bàn tay chai sần, chỉ quen cầm cuốc, cầm rựa nay lại có cơ hội cầm bút viết từng nét chữ. Vừa viết bà vừa nhẩm đọc để nhớ các mặt chữ. “Mệt lắm chứ. Nhiều bữa đi làm về mệt quá không muốn đi học nữa. Nhưng thầy cô gọi điện động viên cố gắng học, biết chữ rồi mình mới tự làm được mọi việc, không cần nhờ ai nữa” - bà Xồng kể.

Không có người trông coi, nhiều học viên ở xã Na Ngoi phải mang con tới lớp học xóa mù chữ
Không có người trông coi, nhiều học viên ở xã Na Ngoi phải mang con tới lớp học xóa mù chữ

Lớp xóa mù chữ bản Huồi Xài có 12 học viên, có người chưa biết chữ, có người từng học nhưng đã quên. Lớp học nằm giữa lưng chừng đồi. Màn đêm buông xuống, núi rừng lại vang lên tiếng đánh vần ngọng nghịu của các bà, các mẹ xen lẫn tiếng khóc của những đứa trẻ. Mỗi khi cả lớp phát âm chưa đúng, thầy Đặng Đình Châu - giáo viên phụ trách lớp - nhẹ nhàng hướng dẫn để học viên nói tròn vành rõ chữ hơn. Vì không có người trông coi nên phần lớn học viên phải mang theo con, cháu đến lớp vừa học vừa trông. Thầy Châu luôn chuẩn bị sẵn ít bánh kẹo trong túi để “dụ” các cháu mỗi khi quấy khóc, buồn ngủ, tránh ảnh hưởng đến việc học của cha mẹ, ông bà.

Theo thầy Châu, có học viên học rất nhanh, mỗi buổi học được 2-3 chữ cái. Nhưng có học viên phải vài ngày mới viết thạo một chữ. Thế nên, tùy vào khả năng tiếp thu của mỗi người, thầy sẽ có cách kèm riêng. Với những học viên ở tuổi trung niên này, giáo viên phải luôn ân cần, kiên trì hướng dẫn, khích lệ để họ không cảm thấy xấu hổ, tự ti mà bỏ học giữa chừng. Thầy chia sẻ: “Trước hết, mình phải dạy cho họ biết đọc, rồi mới bắt đầu tập viết. Khi đã thành thạo thì bắt đầu học tính toán. Đến nay, học viên đã biết đọc, biết viết và tính toán cơ bản”.

Lớp xóa mù chữ ở bản Pù Quặc 2, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Na Ngoi 2 có 11 nữ học viên người H’mông. Các học viên đều là lao động chính của gia đình, nên việc huy động ra lớp, duy trì sĩ số rất nan giải. Cô Đặng Thị Thanh - giáo viên đứng lớp xóa mù chữ - cho biết, đa phần các mẹ trong lớp đã lớn tuổi nên phải có phương pháp dạy giúp họ dễ hiểu, dễ nhớ. Những ngày lớp mới mở, cô Thanh thường phải sử dụng “song ngữ” tiếng Việt và tiếng H’mông để giảng dạy vì nhiều học viên không hiểu tiếng Việt. “Dù lớn tuổi vẫn chưa biết đọc, biết viết nhưng các bà, các mẹ rất siêng năng và ham học. Khi các mẹ đã biết tính toán cơ bản, tôi bày thêm cho họ cách cộng trừ, nhân chia trên điện thoại để thuận tiện hơn khi muốn bán gừng, bán măng số lượng lớn” - cô nói.

Thoát phụ thuộc nương rẫy nhờ con chữ

Xã Na Ngoi có hơn 90% dân số là người H’mông, đời sống dân bản rất khó khăn bởi còn phụ thuộc vào chăn nuôi gia súc, trồng trọt. Mải lo cái ăn, cái mặc nên một thời con em đồng bào H’mông ở xã biên giới này chẳng mấy ai được đi học đầy đủ. Chị Xồng Y Xìa - 40 tuổi, trú bản Pù Quặc 2 - nói rằng, phần vì gia đình quá nghèo, phần vì quan niệm “con gái học chữ để làm gì”, nên chị chỉ học đến lớp Hai rồi lên rẫy giúp cha mẹ làm việc. “Không biết chữ, cũng không biết tính toán nên có làm gì được đâu. Mỗi khi thu hoạch gừng, cũng phải gọi con hay người thân đến bán giúp vì mình không biết tính mà lấy tiền” - chị Xìa kể lại.

Chị Xồng Y Thò tự tin làm chủ tiệm photocopy sau khi học xóa mù chữ
Chị Xồng Y Thò tự tin làm chủ tiệm photocopy sau khi học xóa mù chữ

Song, đó là chuyện của 4 năm về trước. Chỉ vài năm sau khi tốt nghiệp lớp xóa mù chữ, chị Xìa dần trở thành “tay buôn” có tiếng của bản. Chị nói rằng, chỉ khi “đọc thông viết thạo” tiếng Việt, bản thân mới tiếp cận được với thế giới bên ngoài chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Mỗi ngày học hỏi một ít, chị Xìa tìm hiểu giá cả các mặt hàng, liên hệ với thương lái thương lượng để bán gừng của gia đình trồng được với giá cao hơn. Khi đã quen việc, chị kết nối với các thương lái, bắt đầu đi thu mua lúa, gừng, măng… của dân bản để bán lại cho người miền xuôi. Thu nhập của gia đình vì thế cũng ngày một khấm khá lên.

Mở máy tính lấy tài liệu để in cho khách hàng, chị Xồng Y Thò - 47 tuổi, trú bản Pù Quặc 2 - cho biết, ít năm trước, vợ chồng chị quyết định mua máy móc về mở tiệm photocopy khi thấy nhu cầu người dân phô tô, in ấn tài liệu ngày càng nhiều. Nhưng vì không biết chữ, chị chỉ có thể phụ chồng quét dọn, ngày nào chồng đi vắng thì phải đóng cửa tiệm. Khách hàng ngày một đông, chị quyết định đi học lớp xóa mù chữ để về làm việc. Chị cho biết: “Sau khi học lớp xóa mù chữ xong, tôi phải nhờ chồng chỉ cách sử dụng máy móc trong mấy tháng nữa mới thạo việc. Giờ thì mọi việc tôi làm được hết rồi, chỉ lúc máy hư mới phải nhờ chồng sửa thôi”.

Năm nay, Trường tiểu học Huồi Tụ 2 (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) có 30 học viên học xóa mù chữ. Ông Nguyễn Thế Vĩnh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, sau khi học xóa mù chữ, nhiều phụ nữ người H’mông cũng dễ tìm việc hơn khi vào các tỉnh phía Nam mưu sinh. “Tôi luôn khuyên nhủ học viên gắng có con chữ, trước hết là vì chính cuộc sống và tương lai của mình. Nhiều người học xong, vào miền Nam xin được việc làm lương cao, gọi về cảm ơn thầy cô, bảo nhờ biết chữ mà em có cuộc sống tốt hơn. Các học viên năm nay đều bảo gắng học nhanh biết chữ để đi làm chứ ở nhà làm rẫy không đủ ăn” - ông nói.

Số người biết chữ tăng, tỉ lệ hộ nghèo giảm

Ông Nguyễn Xuân An - Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Na Ngoi 2 - cho biết, tỉ lệ phụ nữ trung niên mù chữ ở xã biên giới Na Ngoi vẫn còn cao. Song vì đã lớn tuổi, nên phần lớn đều e dè, xấu hổ khi được vận động đi học xóa mù chữ. Chỉ khi mình đến nhà phân tích những cái lợi khi biết chữ. Đơn giản như muốn bán đàn gà, con heo cũng phải biết tính để lấy tiền. Con cái đi làm ăn xa gửi tiền về mà không biết chữ, biết số lỡ bị lừa mất thì sao... Nghe vậy nhiều người mới chịu đi học. Trong các buổi học, giáo viên còn thường xuyên hướng dẫn người dân cách chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sao cho hiệu quả.

Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn - cho hay, những năm qua, huyện đẩy mạnh chính sách xóa mù chữ cho người dân. Không chỉ riêng ngành giáo dục, mà nhiều cơ quan, đoàn thể, lực lượng biên phòng cũng tích cực tham gia mở các lớp xóa mù chữ. 3 năm trước, tỉ lệ mù chữ ở huyện Kỳ Sơn vẫn còn trên 30% thì nay đã giảm xuống còn khoảng 10%. Nhờ các lớp xóa mù chữ, kiến thức của người dân cũng dần được nâng cao. Nhiều người dân đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn vay vốn làm ăn để nâng cao đời sống. Tỉ lệ hộ nghèo vì thế cũng dần giảm mạnh.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI