Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm đã có 3 vụ cô giáo mầm non bạo hành trẻ dã man như: cô giáo cầm dép đập thẳng vào đầu học sinh, dốc ngược đầu bé gái ra cửa sổ vì ăn chậm, cô giáo trường mầm non quốc tế đánh con gái 3 tuổi trầy xước khắp người… Những vụ việc này khiến các phụ huynh cực kỳ bất bình và hoang mang.
Thậm chí với một số phụ huynh, những vụ bạo hành trẻ mầm non trên đã gây ám ảnh với nhiều người. Họ thật sự bối rối không biết nên gửi con ở trường nào, công lập hay tư thục nữa. Bởi không phải giáo viên mầm non nào cũng quan tâm và yêu thương trẻ hết lòng hay chịu được những phiền toái từ việc trông trẻ hàng ngày ở lớp, ở trường gây nên.
Lo lắng về thực trạng này, một số phụ huynh đã có những "chiêu" nhận biết các biểu hiện bất thường ở con, cũng như chỉ dẫn cho con một số điều thiết thực nhằm tránh chuyện không may xảy ra.
Dành thời gian trò chuyện với cô giáo và kiểm tra camera
Để cô giáo có thể hiểu về con mình ở lớp nhiều hơn, chị Nguyễn Thị Hải (quận 2, TP.HCM) mỗi ngày đến đón con trai ở lớp mẫu giáo lớn về thường dành thời gian vài phút để trò chuyện với cô giáo chủ nhiệm lớp.
“Trò chuyện với cô, tôi thường hỏi cô về một ngày ở trường của con trai thế nào. Con hiếu động hoặc hư không hay có sự cố nào đã xảy ra. Qua cuộc nói chuyện với cô giáo, tôi cũng sẽ biết được về con ở trường thế nào. Qua đó, tôi còn biết được thái độ cũng như sự chăm sóc của cô giáo với con trai. Nếu như cô có góp ý gì về con, khi về nhà tôi sẽ nói chuyện với con để cùng cô uốn nắn, dạy dỗ con tốt hơn, giảm áp lực cho cô giáo”.
Theo chị Hải, nếu mỗi phụ huynh không tự tìm cách hiểu và giảm áp lực cho giáo viên thì cũng khiến căng thẳng với các cô giáo đứng lớp thêm tăng. Từ đó có thể dẫn tới vấn nạn về bạo hành trẻ ở lớp nếu cô giáo không biết cách kiềm chế tốt căng thẳng.
Bên cạnh chiêu mưa dầm thấm lâu trên, bà mẹ này còn cho biết, chị cũng thường check camera ở trường học, lớp học của con nhiều lần/ngày. Vì việc check camera cũng biết con được chăm sóc ở trường thế nào, có bị mắng chửi, đánh đập gì không.
“Khi thấy con có bất cứ biểu hiện gì của bạo hành mầm non dù nhỏ nhất, tuyệt đối chị em đừng im lặng. Tôi sẽ không ngần ngại nói chuyện thẳng với nhà trường và yêu cầu nhà trường phải giải thích thỏa đáng với phụ huynh”, chị Hải khẳng định.
Luôn quan tâm đến những biểu hiện bất thường của con
Đây chính là điều mà bà mẹ trẻ Đinh Mai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) luôn tâm niệm từ khi có con gái đi lớp mẫu giáo.
Theo như người mẹ này, vì con gái còn quá nhỏ, chưa thể nói chuyện nhiều cho mẹ biết như nhiều trẻ lớp mẫu giáo lớn, do đó, để tránh mọi vấn đề bất trắc xảy ra, chính mẹ phải là người luôn để ý quan sát những biểu hiện bất thường của con. Nhờ quan sát và theo sát con hàng ngày, bà mẹ trẻ này đã phát hiện rất nhiều biểu hiện bất thường của con khi đi lớp mẫu giáo.
“Có một vài lần, mình thấy con đi lớp về nhưng cứ rụt rè, ngủ hay giật mình. Con cũng trở nên sợ sệt khi đến lớp hoặc đến trường. Vì thế, mình cũng chia sẻ những điều này với cô xem con có gặp vấn đề gì khó khăn ở trường không. Sau đó, cô đã tìm cách hỗ trợ con. Hiện, con về nhà rất thoải mái, không có biểu hiện lo lắng, rụt rè gì như trước nữa”, chị Phương Lan tâm sự.
Hỏi khéo con và dạy con biết chạy đi nơi khác, "mách" bố mẹ khi bị đánh
Nhà có 2 con nhỏ đang học tiểu học và mẫu giáo lớn nên chị Phạm Thanh Thủy có nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn và phát hiện những bất thường của con khi đi lớp.
Chị Thủy kể: “Là phụ huynh có con nhỏ nên mình không bao giờ mong muốn rơi vào tình cảnh con bị bạo hành khi đi lớp. Tuy nhiên, xã hội mà, ai biết được nhà trường ấy, lớp ấy, cô giáo ấy đối xử với con mình thế nào. Do đó, khi con đi lớp về, mình luôn hỏi con những câu hỏi khéo léo về 1 ngày ở lớp con làm gì, có bị cô phạt hay có bạn nào bị cô đánh mắng, hoặc ở lớp có sự kiện gì không. Thông thường qua cách trả lời của con, mình sẽ biết con ở trường có vấn đề gì với cô giáo hay không”.
Ngoài chăm chỉ hỏi con mỗi khi đi học về, chị Thủy cũng thường hay chia sẻ với con về cách tự bảo vệ bản thân mỗi khi có biến ở lớp: “Mình vẫn thường dạy con, không cho ai ngoài bố mẹ, ông bà được sờ vào người. Hoặc không được để ai đánh con. Nếu ai đánh đập con, con phải la hét lên thật to để mọi người xung quanh biết. Sau đó, khi tan học về nhất định không được giấu sự việc này với ai mà phải kể ngay cho bố mẹ biết”.
Chính vì dạy con những kỹ năng như vậy nên chị Thủy cho biết rất an tâm về con ở trường. Bởi vì nếu có bị cô tức giận bạo hành, con chắc chắn sẽ về kể với phụ huynh ngay lập tức.
Mây Trắng