Các 'mẹ bỉm sữa' có nên học theo nữ Thủ tướng New Zealand?

26/06/2018 - 14:40

PNO - Bài viết trên Guardian của nhà báo-tác giả Chitra Ramaswamy phân tích một góc nhìn nhẹ nhàng hơn của câu chuyện nữ quyền, được truyền cảm hứng từ lựa chọn của Thủ tướng New Zealand.

Bà Jacinda Ardern sẽ ở bên con gái mới sinh Neve, toàn tâm toàn ý làm một "mẹ bỉm sữa" đích thực trong sáu tuần. Sau đó, công việc chăm nom con sẽ được chuyển cho người bạn đời của bà là người dẫn chương trình Clarke Gayford. Ông Clarke Gayford sẽ đảm nhiệm công việc của một "ông bố bỉm sữa" thực thụ, chăm con toàn thời gian.

Lựa chọn của họ gấy ấn tượng mạnh với tất cả ai biết đến, nhưng điều đó không nghĩa tất cả người mẹ mới sinh đều phải học theo cách này.

Cac 'me bim sua' co nen hoc theo nu Thu tuong New Zealand?
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và người bạn đời Clarke Gayford hạnh phúc bên con gái.

Khi quyết định làm việc lại sau sáu tuần nghỉ thai sản của Thủ tướng Jacinda được đưa ra, hàng loạt bài viết nhắc đến việc này, và xem đây là quyết định có ý nghĩa đến tất cả phụ nữ. Câu chuyện được cho là giúp lan tỏa hình ảnh mạnh mẽ của nữ giới cũng như niềm tin vừa được nhắc ở trên.

Bạn có khi cũng sẽ bị cuốn vào câu chuyện và nghĩ rằng nếu là mình, bạn cũng có thể rời con lúc sáu tuần tuổi để tiếp tục công việc quản lý đất nước như bà Jacinda vậy. Điều ấy có thật sự truyền cảm hứng hay không?

Nhưng rồi thực tế xen vào. Đôi khi, việc có con ngăn cản cả việc bạn thay quần áo đấy. Thông thường, có con thật sự là rào cản cho công việc của bạn. Bé nhỏ nhất của tôi mới 10 tháng tuổi và số tiền được trả theo chế độ nghỉ thai sản của tôi cũng vơi dần. Tôi vừa chăm con vừa làm việc bất cứ khi nào có thể.

Có người bạn đời như ông Clarke Gayford ở nhà chăm con toàn thời gian không phải là lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh của tôi và hầu hết mọi người.

Gửi con ở nhà trẻ ở Anh, một trong những quốc gia có chi phí đắt đỏ nhất thế giới, cũng là lựa chọn khó khăn cho chúng ta. Đấy là vấn đề phải lựa chọn giữa rất nhiều mong muốn: Tôi muốn chăm sóc con. Bạn đời của tôi và tôi muốn có công việc linh hoạt. Tôi sợ suy nghĩ buộc phải trở lại làm việc sau sáu tuần sinh con.

Cac 'me bim sua' co nen hoc theo nu Thu tuong New Zealand?
Không phải người mẹ nào cũng có điều kiện lựa chọn như Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.

Môi trường làm việc hiện vẫn còn những chế độ, chính sách gây cản trở, phân biệt đối xử, gây bất lợi đối với những người mẹ có con nhỏ. Trong khi đó, những thông tin nhấn mạnh đến lựa chọn nữ quyền dường như không kết nối được với thực tế hoàn cảnh các gia đình.

Câu chuyện của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern là câu chuyện hiếm hoi và được xem là câu chuyện “truyền lửa” cho nhiều người. Nhưng nếu suy ngẫm thêm, đây chỉ là thủ tướng thứ hai sinh con khi đang trong nhiệm kỳ.

Trước đó là bà Benazir Bhutto, từng sinh con khi đang ở cương vị Thủ tướng Pakistan. Điều này cho thấy câu chuyện của hai người phụ nữ này là trường hợp đặc biệt, không phải là quy luật.

Vậy quy luật làm mẹ là gì? Là chắc chắn có những lúc kiệt sức, có lúc cảm thấy tràn ngập yêu thương nhưng có khi cô đơn tột độ. Thay vì bạn chỉ cần chú tâm ở nơi làm việc, nhấm nháp ngụm nước rồi tập trung cho công việc thì bạn sẽ phải đối diện với những việc không tên, chẳng hạn như xem con có đang… cần thay bỉm hay không.

Và quy luật đó là cảm giác bất an. Bạn thấy căng thẳng khi phải xa cách con nhỏ và không hứng thú lắm khi trở lại công việc.

Điều mà bài viết này muốn hướng đến là nhắc những người mẹ rằng mỗi chúng ta đều là nguồn cảm hứng mỗi ngày cho chính mình. Bạn không nhất thiết phải quay lại làm việc ngay sau khi sinh con chỉ sáu tuần. Bạn hài lòng với vai trò làm mẹ của mình thì cũng đủ để làm niềm cảm hứng rồi.

Thiên Anh (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI