Các mặt hàng tươi sống như heo, bò, gà, rau củ quả vẫn còn tồn tại những sản phẩm trôi nổi

19/09/2020 - 12:00

PNO - Các mặt hàng tươi sống như heo, bò, gà, rau củ quả vẫn còn tồn tại những sản phẩm trôi nổi. Ban quản lý chợ không có chuyên môn để xác định những loại thực phẩm này có bị nhiễm hóa chất độc hại hay không. Khi phát hiện ra sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, cũng chỉ vận động tiểu thương tiêu hủy chứ không có thẩm quyền xử phạt.

Chiều ngày 18/9, đã diễn ra cuộc đối thoại giữa Quận ủy và UBND quận 3 với chị em hội viên phụ nữ về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ hội để hội viên phụ nữ đại diện cho 14 phường trong quận bày tỏ những băn khoăn về an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó đưa ra kiến nghị đối với lãnh đạo các ban ngành liên quan để việc giám sát, quản lý các mặt hàng ăn uống được tốt hơn, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

 

Đại diện Hội Phụ Nữ p. 13, Q.3  đề xuất nên trang bị kiến thức cho thầy cô giáo để kịp thời xử trí khi học sinh bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Thanh Huyền.
Đại diện Hội Phụ Nữ P.13, Q.3 đề xuất nên trang bị kiến thức cho thầy cô giáo để kịp thời xử trí khi học sinh bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Thanh Huyền.

Trong buổi đối thoại, rất nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm được các hội viên phụ nữ nêu ra. Chị Lê Thị Lan Phương, tổ 19, phường 3, quận 3 chia sẻ, chị hay đi chợ Bàn Cờ mua tôm cá tươi sống. Gần đây, những con tôm trông rất tươi ngon nhưng cứ ăn vào là chị lại bị dị ứng, nổi mẩn ngứa. Ngay cả trái cây nhìn rất ngon nhưng ăn vào, lúc ngủ có cảm giác bị tê bì chân tay. Liệu những mặt hàng đó có bị tẩm hóa chất độc hại hay không? Chị Phương kiến nghị cơ quan chức năng hãy giám sát và kiểm tra gắt gao để người dân yên tâm đi chợ.

Một hội viên phụ nữ bày tỏ lo lắng về hóa chất trong mặt hàng tôm cá, trái cây bày bán ở chợ. Ảnh: Thanh Huyền.
Một hội viên phụ nữ bày tỏ lo lắng về hóa chất trong mặt hàng tôm cá, trái cây bày bán ở chợ. Ảnh: Thanh Huyền.

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 13, quận 3 lại bày tỏ sự trăn trở về nguồn gốc thực phẩm trong môi trường học đường. Chị Loan đặt ra các câu hỏi như: nguồn gốc thực phẩm ở các căn tin trường học (snack, xúc xích…) thì phòng giáo dục quản lý như thế nào? Chị Loan đề xuất nên tổ chức các buổi tập huấn cho thầy cô giáo và nhân viên trong trường trang bị kiến thức nhận biết và kỹ năng xử trí sơ cứu khi có học sinh bị ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, còn nhiều thắc mắc của các hội viên phụ nữ xoay quanh những vấn đề đang là điểm nóng của xã hội về an toàn thực phẩm, điển hình là thực phẩm chay được rà soát quản lý thế nào sau vụ ngộ độc pa tê Minh Chay.

Tại buổi đối thoại, bà Huỳnh Thị Lam Tuyền, Trưởng Phòng Y tế quận 3 cho biết, quận có 1200 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, 100 trường học có tổ chức cho học sinh ăn uống tập thể.

Trong 6 tháng đầu năm, Phòng Y tế đã phối hợp với các bộ phận chức năng liên quan tổ chức 17 buổi tập huấn và tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, khám sức khỏe cho các cá nhân hoạt động chế biến, kinh doanh mặt hàng thực phẩm, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 27 cơ sở kinh doanh.

Đại diện Phòng Y tế Quận 3 cho biết đã tham gia tổ chức rất nhiều buổi tập huấn về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cá nhận và hộ kinh doanh.
Phqòng Y tế uận 3 cho biết đã tổ chức rất nhiều buổi tập huấn về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cá nhân và hộ kinh doanh. Ảnh: Thanh Huyền.

Bên cạnh đó, 100% khối mầm non, trường học trong và ngoài công lập được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đại diện lãnh đạo phường cho biết, phường đã kiểm tra 309 cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn uống, xử phạt 39 cơ sở vi phạm. Thời gian vừa qua đoàn kiểm tra cũng test nhanh và phát hiện 25 mẫu/215 mẫu giò chả, bún có hàn the.

Ban quản lý một số chợ ở quận 3 cho biết gặp nhiều khó khăn khi kiểm soát nguồn gốc của các mặt hàng mì, bún. Đại diện Ban quản lý chợ Nguyễn Văn Trỗi nhấn mạnh rằng, đối với mặt hàng thịt tươi sống như heo, bò, gà, rau củ quả vẫn còn tồn tại sản phẩm trôi nổi. Ban quản lý chợ không có chuyên môn để xác định những loại thực phẩm này có bị nhiễm hóa chất độc hại hay không. Khi phát hiện ra sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, ban quản lý chợ cũng chỉ vận động tiểu thương tiêu hủy chứ không có thẩm quyền xử phạt.

Thanh Huyền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI