Một vé quay về tuổi thơ
Sau đại dịch COVID-19, nhiều thứ thay đổi, trong đó rất nhiều thói quen và hành vi mới xuất hiện. Thay vì đi cà phê, mua sắm, nhiều nhóm bạn trẻ, các bậc cha mẹ, các em nhỏ lại quan tâm hơn đến những lớp trải nghiệm học làm gốm, đan len, làm tranh khảm, làm bánh… bởi đó không chỉ là cơ hội cho chúng ta học được kỹ năng mà còn giúp rèn luyện tính kiên nhẫn, chữa lành những tổn thương…
Lắng nghe những câu chuyện chia sẻ của các bạn trẻ và cả những bà mẹ nội trợ sẽ thấy có muôn vàn lý do lôi kéo họ đến các lớp học trải nghiệm: muốn được quay lại thời tuổi thơ; muốn cùng con làm ra những món đồ mà trước nay chỉ xem qua ti vi, không có dịp làm thử hay đơn giản học cho… vui.
|
Lớp học trải nghiệm giúp tăng thêm sự gắn kết, là cơ hội để mọi người có thêm bạn mới |
Chị Anh Thư (nhân viên văn phòng, quận 7, TPHCM) cho biết: “Hậu dịch bệnh, mọi thứ thay đổi rất nhiều. Tôi muốn dành thời gian để tự tay làm những chiếc bánh kem, bánh trung thu cho gia đình và những người thân yêu. Tôi rất sợ khi muốn làm thì không còn cơ hội”.
Tương tự, Phương Quỳnh (sinh viên, quận 4, TPHCM) cũng không giấu được sự thích thú khi được “nghịch” những mảnh gốm, đá, vỏ sò, thủy tinh… nhiều màu sắc bắt mắt. Việc đập vỡ các chất liệu rồi tự tay tỉ mỉ đính chúng lên khung để làm ra bức tranh khiến cô nhớ lại kỷ niệm thuở nhỏ khi chơi trò xếp hình cùng bạn bè. Tuy nhiên, làm tranh khảm khó hơn, thử thách hơn nên đòi hỏi Quỳnh phải tỉ mỉ, kiên nhẫn để lắp ghép sao cho phù hợp nhất.
Khác xa với suy nghĩ của mọi người khi theo dõi những lớp học trải nghiệm trên mạng xã hội, trên thực tế, các lớp học được thiết kế rất đa dạng về hình thức học và không gian cho học viên lựa chọn, từ những lớp đơn lẻ cho các khách yêu thích sự riêng tư, muốn học một mình đến những lớp đông người tràn ngập tiếng cười, tiếng dụng cụ làm bánh, làm tranh khảm…
Không chỉ có người lớn, các em nhỏ còn truyền cảm hứng, “lôi kéo” ba mẹ đi học cùng. Trường hợp Đoan Nhã (10 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) là ví dụ. Mới đầu, em xin mẹ cho đi học, sau khi tình cờ thấy các lớp học trên mạng và muốn làm ra những chiếc bánh xinh xắn tặng mẹ và bạn bè.
Càng học, em càng thấy thích. Những chiếc bánh “ngọt ngào” em đem về tặng mẹ khiến mẹ cũng muốn cùng con có những khoảnh khắc khó quên với men, bột… Ở lớp học, không còn bóng dáng cô bé nhút nhát, ngại giao tiếp ban đầu. Mẹ Đoan Nhã hạnh phúc khi thấy con mình cởi mở trò chuyện với các anh chị trong lớp, đôi khi còn không ngần ngại trêu chọc mọi người xung quanh.
|
Không gian lớp học được thiết kế thoáng mát, gần gũi thiên nhiên |
Chữa lành, gắn kết mọi người
Không chỉ giúp học viên tự tay làm những chiếc bánh, mẫu ly hay sản phẩm thủ công thật xinh xắn dành tặng gia đình, khám phá thêm khả năng của chính bản thân, các lớp học trải nghiệm 1 ngày đang gây sốt thời gian qua còn là loại hình giải trí thú vị để mọi người thư giãn sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng.
Các lớp trải nghiệm 1 ngày thường kéo dài từ 3-7 tiếng, có giá dao động từ 400.000-1 triệu đồng tùy theo khóa học, vật phẩm, dụng cụ mà học viên lựa chọn trải nghiệm. Nếu ban đầu, phần lớn chỉ có các bạn nữ tham gia thì hiện tại, đối tượng của các lớp vô cùng đa dạng: từ các bạn trẻ, các bà nội trợ… đến các cặp đôi đang yêu… Thậm chí, còn có lớp dành cho các em nhỏ. Cha mẹ sẽ đưa con đến để gia đình cùng trải nghiệm, gắn kết tình cảm.
Như câu chuyện của chị Ngọc Bích và con gái Anna Trần định cư ở Mỹ vừa trở về Việt Nam. Từ nhỏ, Anna Trần đã sống ở nước ngoài, không có nhiều cơ hội gần gũi với văn hóa Việt Nam nên chị Ngọc Bích rất trân trọng và mong muốn con có thể tiếp xúc nhiều nhất những trò chơi, tự tay làm ra những sản phẩm thuần Việt… khi về đến quê hương.
|
Vợ chồng chị Ngọc Bích đưa con gái Anna Trần đến trải nghiệm lớp học làm gốm |
“Ở nước ngoài không có nhiều lớp dạy những kỹ năng này và việc đi lại cũng không thuận tiện. Thế nên, khi về Việt Nam, tôi muốn cho con học hỏi thêm văn hóa Việt, muốn bé có thể giao tiếp với mọi người và dạn dĩ hơn. Tôi rất vui khi thấy con thích thú làm theo các cô chú hướng dẫn và gần như tự tay làm hết các công đoạn tạo ra chiếc ly thật đáng yêu”.
Ngoài việc có thêm nhiều bạn mới nhờ tham gia các lớp học, không ít cặp đôi còn coi đây là cơ hội để xem cả hai có… hợp và hiểu nhau hay không. Thậm chí Hoàng Vi (quận Phú Nhuận, TPHCM) và bạn trai người Nhật Chiaki còn nhờ những lần tô tượng, làm gốm chung mà tình cảm càng thêm khắng khít.
Cả hai quen nhau trong khoảng thời gian học tiếng Anh ở Philippines, sau đó mỗi người về nước để tiếp tục công việc nhưng vẫn giữ liên lạc. Nhân dịp bạn trai sang Việt Nam sau khoảng nửa năm yêu xa, Hoàng Vi đưa Chiaki tham gia nhiều lớp học trải nghiệm để tìm hiểu sở thích và độ ăn ý của cả hai. Vi rất vui khi thấy bạn trai mình khá thích thú, kiên nhẫn cùng mình làm từ sản phẩm này đến sản phẩm khác.
Khoảng thời gian tập trung vào việc làm gốm, đan len, làm tranh… giúp nhiều người quên đi những khó khăn, chữa lành tâm hồn.
Đến giờ, chị Cẩm Uyên (28 tuổi, nhân viên văn phòng, quận 12, TPHCM) vẫn không thể quên khoảng thời gian chật vật khi không tìm được công việc ưng ý, áp lực kinh tế khiến chị rơi vào bế tắc. May mắn được bạn bè giới thiệu tham gia các khóa trải nghiệm học đan len, chị dần lấy lại cân bằng.
Chỉ tập trung vào việc đan, móc len giúp chị ngưng nghĩ về những thứ khác. Trừ những vật dụng to như áo hay túi, còn bông hoa, bao tay… chị làm khá nhanh, 1 buổi là hoàn thiện nên cảm giác chờ đợi thành quả mình làm xong đã kéo chị ra khỏi buồn phiền. Chị thấy yên bình trong thế giới của các sợi đủ màu sắc ấy.
Từ đó đến nay, chị vẫn giữ sở thích móc len vào những lúc rảnh rỗi và hạnh phúc vì có thể tự tay đan hoa cưới cho em gái, đan túi tặng đồng nghiệp hay đan áo tặng con trai vừa chào đời của bạn thân…
|
Phương Quỳnh và bạn thích thú khi lần đầu được làm tranh khảm |
Nuôi dưỡng, giữ lửa đam mê
Không chỉ khách hàng được tận hưởng dịch vụ trải nghiệm, các lớp học này còn là cách giúp các chủ tiệm giữ lửa đam mê. Cô Trần Phương Thảo - chủ Toòng Teng Studio với các lớp học trải nghiệm làm tranh khảm và làm gốm - cho biết cô từng học mỹ thuật chuyên ngành tranh khảm ở Hà Nội.
Nghề này rất ít người theo học và những người theo được nghề đến giờ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sau đó, cô theo gia đình chuyển vào Nam sinh sống. Quá trình mày mò tìm hiểu, cô nhận ra miền Nam có vật liệu đa dạng hơn miền Bắc để làm tranh khảm. Ban đầu, cô vừa đi dạy vừa nhận làm tranh tại xưởng, luôn nỗ lực kết hợp nét Đông - Tây trong từng bức tranh mình làm.
|
Cô Trần Phương Thảo hướng dẫn khách trải nghiệm các bước làm tranh |
Với đam mê cháy bỏng và niềm mong muốn giới thiệu để mọi người biết nhiều hơn đồng thời gìn giữ nét đẹp của nghề, cô bắt đầu mở lớp học trải nghiệm hướng dẫn làm tranh và làm gốm khoảng 3 năm qua.
Chứng kiến nhiều người đăng ký theo học, thích thú với việc làm tranh, Phương Thảo không giấu được niềm hạnh phúc bởi với cô, “chẳng còn điều gì tuyệt vời hơn khi vừa giữ được lửa đam mê vừa có thể truyền ngọn lửa ấy cho người khác”.
Chung Thu Hương